Một rừng lim mấy đời người

BVR&MT – Thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có một khu rừng lim xanh cổ thụ quý hiếm (khoảng 4 héc ta) với khoảng 200 cây do đồng bào dân tộc Cao Lan bản địa quản lý. Người dân trong vùng cho rằng, rừng có những cây lim từ 100 đến 200 năm tuổi, cao vài chục mét, có thân cây vài người ôm không xuể. Biết bao đời qua, đồng bào vẫn xem đấy là báu vật và không ngừng nâng liu, quý trọng, bảo vệ bằng công sức và cả những phong tục tập quán.

Men theo con đường rừng khúc khuỷu, gập ghềnh mãi đến gần trưa chúng tôi mới tìm được khu rừng lim cổ thụ. Khu rừng lim có tên là Đá Húc, đây được xem là khu rừng “thiêng”, nơi đó có đình thờ và nhiều đời nay rừng lim được người dân nơi đây bảo vệ, gìn giữ nghiêm ngặt, được xem như biểu tượng của bản làng. Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là địa bàn xã Bình Sơn rộng lớn vậy mà hỏi ai về khu rừng lim ấy, mọi người cũng đều biết và chỉ đường ngay. Rừng tự nhiên, với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, được bảo vệ nguyên vẹn từ hàng trăm năm qua nên còn rất nguyên sơ. Cây dây leo mọc chằng chịt trên các thân cây gỗ lớn, chúng quấn lấy thân cây chủ mà vươn lên.

Khu rừng lim có tên là Đá Húc, đây được xem là khu rừng “thiêng”.

Khu vực xung quanh rừng lim xanh toàn bộ là đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống, trong rừng lim có ngôi đình cổ Đá Húc. Anh Tơ Văn Thành một người dân trong thôn cho biết: Lim xanh là loài gỗ quý nên là mục tiêu khai thác của lâm tặc. Từ sự đoàn kết và quý trọng thiên nhiên, nhiều năm qua đồng bào các dân tộc Cao Lan tại Nghè Mản đã bảo vệ rừng lim trước sự đe doạ của nhiều nhóm lâm tặc. Cũng anh Thành, những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, trên địa bàn huyện còn nhiều khu rừng với trữ lượng gỗ quý hiếm, đặc biệt là gỗ lim xanh. Đến nỗi cứ bước vào rừng là thấy lim xanh. Nhưng rồi, với nền kinh tế thị trường, khi nạn phá rừng tràn về, lim xanh bị khai thác tới cạn kiệt, nhiều lô rừng lim xanh đến tuổi
khai thác bỗng chốc bị xóa sổ, chỉ còn lại những cây non tái sinh. Tuy vậy với riêng rừng lim xanh Đá Húc vẫn vững vàng vượt qua bão táp để tồn tại đến ngày nay như một minh chứng cho sự trường tồn, bởi từ xa xưa người dân ở đây đã ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong khu rừng. Rừng có nhiều cây gỗ dù để khô nhưng không ai dám lấy về. Trẻ em từ khi còn nhỏ đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy rất kỹ những điều cấm đó, tuyệt đối không được làm điều xấu ảnh hưởng đến rừng xanh. Đối với người dân, trước khi vào rừng phải đến đình làm lễ cẩn cáo thần rừng. Đặc biệt là khi vào rừng không đốt lửa, lấy mật nhưng không bắt ong già, ong chúa để chúng sinh sôi nảy nở…

Những cây lim cổ thụ ở Đá Húc.

Đá Húc có nhiều cây lim hàng trăm năm tuổi, mấy người ôm không xuể. Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về khu rừng này và từng có một số cá nhân đã vi phạm vào điều cấm kỵ và bị thần rừng trừng phạt. Những người cao tuổi trong thôn kể rằng: Rừng lim thiêng lắm vì nó gắn liền với ngôi đình cổ nơi thờ thần Cao Sơn, thờ thần Rừng và thờ Cô Bé cửa rừng. Theo đồng bào kể thì, xưa mỗi khi gia đình nào trong bản bị mất trâu, ngựa, chỉ cần vào đình thắp hương khấn vái, trâu, ngựa sẽ biết đường tìm về với chủ. Lại có chuyện, người cưỡi ngựa đi chợ Mai Sưu, xã Trường Sơn buộc ngựa ở cổng chợ, khi quay ra thì bị kẻ trộm dắt mất. Thấy vậy, người này vội vào rừng làm lễ thắp hương ở ngôi đình này, tự dưng con ngựa hí vang, đá ngã tên trộm rồi nhanh chóng trở về nhà…

Rừng là cuộc sống, rừng che chở, đùm bọc cho biết bao thế hệ người dân trong vùng. Đồng bào vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện đó là năm 2003 bọn lâm tặc sau nhiều lần ngã giá với trưởng bản để mua rừng lim nhưng không được, chúng bày mưu đi cưa rễ những cây lim xanh để lim phải chết. Giữa đêm 30 Tết, lâm tặc cho một nhóm người vào cưa rễ cây lim to nhất, trong lúc đang hành sự thì bị đồng bào phát hiện, kẻ gian liền bỏ trốn. Địa phương báo cho chính quyền xã lập biên bản và cho dân quân tự vệ vào canh giữ rừng lim. Được biết nhóm lâm tặc kia cũng là những người xấu ở gần bản, sau này cuộc sống gia đình họ cũng không mấy tốt đẹp, rồi tự họ phải lên đình Đá Húc bên rừng lim xanh làm lễ xám hối. Cũng từ đó, người dân trong bản đều tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ
rừng lim coi như thần hộ mệnh của bản mình.

Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, mỗi một bản làng đều có các vị thần ngày đêm che chở, bảo vệ cuộc sống của họ. Khu rừng thiêng không chỉ là nơi các vị thần trú ngụ, mà còn là nơi hội tụ linh khí của làng. Bao đời nay, hằng năm vào ngày lễ hội 15-3 âm lịch hoặc những ngày sự lệ của đồng bào Cao Lan ở Nghè Mản, mọi người lên quét dọn đình, sau đó cho phát những cây cỏ dại để chăm sóc cho rừng lim mãi mãi xanh tươi. Mỗi khi có việc đại sự của gia đình, dòng họ đồng bào thường mang lễ vật đến làm lễ ở đình để cầu thần Rừng cho may mắn, bình an.

Rừng lim Đá Húc từng bị sâu ăn trụi lá.

Mặc dù có nhiều giá trị về mặt sinh thái nhưng thời gian gần đây rừng lim đang bị loài sâu róm gây hại tàn phá nghiêm trọng. Cụ thể thể là vào tháng 3 vừa qua, sâu hại đã ăn trụi hết lá các cây lim. Trước sự việc sâu gây hại trên, người dân đã báo cáo đến các cấp chính quyền đề nghị hỗ trợ diệt sâu bảo vệ rừng. Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên người dân chứng kiến rừng lim bị sâu róm ăn trụi lá. Rất may là không lâu sau đó các mầm lá cây lim đã bật xanh trở lại, trả lại nét đẹp sinh thái vốn có cho khu rừng. Tuy vậy rất có thể sâu lại tiếp tục trở lại tàn phá vào những năm tiếp theo và cần có sự can thiệp của ngành chuyên môn để bảo vệ kho báu này.

Đông Khánh