Một mảnh đất vướng 122 luật liên quan

BVR&MT – Những bất cập trong quản lý và sử dụng đất không được tháo gỡ triệt để là nguyên nhân khiến nhiều dự án, công trình chậm tiến độ và khiến đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai”.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai” được tổ chức sáng 30/8, Tiến sĩ Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới.

Luật chồng chéo, nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật liên quan. “Qua rà soát, chúng tôi thống kê có tới 122 luật liên quan đến đất đai nên rất khó cho công tác tổ chức thực thi trong thực tiễn. Cùng một mảnh đất mà chồng chéo rất nhiều luật nên rất khó thực hiện. Có tình trạng địa phương áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và ngược lại. Cho nên khi sửa Luật Đất đai phải rà soát để cố gắng giải quyết triệt để bài toán này thì khi luật mới được ban hành, việc tổ chức thực hiện mới suôn sẻ”, ông Mai Văn Phấn thông tin.

Đến nay, cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được 593 trang giấy A4 chuyển tải các ý kiến đóng góp cả về những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013 và luận cứ khoa học.

Tinh thần sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tiếp tục phân cấp triệt để cho các địa phương, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Vai trò của cơ quan Trung ương là kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện ở địa phương. Quy định này nhằm tách bạch chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tránh tình trạng vừa quản lý vừa tổ chức thực hiện.

Đề cập đến thực trạng sách nhiễu của cán bộ công chức và các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai được phản ánh rất rõ qua các kênh thông tin đại chúng và tiếng nói của người dân, ông Mai Văn Phấn cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đất đai sẽ chú ý đến đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiến tới triệt tiêu dần các hiện tượng tiêu cực.

Theo đó, sẽ chuyển từ công cụ truyền thống, như luật lệ, giấy tờ… sang giám sát bằng công nghệ. Như vậy, cần cố gắng ưu tiên quá trình luật hoá và gấp rút xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện giám sát bằng công nghệ để mọi hoạt động đều công khai, minh bạch.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2013 được xây dựng nhằm thể chế hóa những quan điểm và nội dung đã nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững.

Từ đó đã thực sự tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW/2012 và Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập. Đó là công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn, đặc biệt là có những vấn đề chưa giải quyết được triệt để nảy sinh trước đó.

Điển hình như đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo, lên đến hơn 60%.

Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.

Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người…

Trước tình hình đó, ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Các nội dung của Nghị quyết 18 được cả xã hội và người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.

Khó xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường

Một trong những vấn đề khó khăn nhất khi sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hữu Liên, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, đây là vấn đề cần đặt ra thấu đáo. Cụ thể, cần làm rõ ai là người xây dựng bảng giá đất; định giá thế nào là sát giá thị trường; giá đất ở vị trí giáp phố này với phố kia thì định giá ra sao…?

“Bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường thì nhà nước và người dân đều có lợi. Nhưng công tác đền bù thực hiện tại thời điểm trước khi có quy hoạch hay sau khi có quy hoạch là rất khác nhau. Giá sau khi có quy hoạch sẽ cao hơn rất nhiều. Vậy thì đền bù theo giá nào, nếu không giải quyết được là rất khó thực hiện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hữu Liên nói.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, sửa đổi Luật Đất đai sẽ đụng đến những vấn đề rất lớn, rất phức tạp. Nhưng càng chần chừ, giá đất sẽ càng đắt, cho nên sửa Luật là cấp thiết, phải quyết tâm làm.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho biết, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có 6 khuyến nghị chính sách trong sửa đổi Luật Đất đai 2013. Theo đó, áp dụng giá bồi thường theo giá đăng ký hoặc theo bảng giá đất tương đương với giá thị trường.

Nhà nước quyết định thu hồi, bồi thường tái định cư theo một cơ chế thống nhất; chỉ thực hiện cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân khi góp đất vào cùng sản xuất kinh doanh, không thay đổi quan hệ nắm giữ đất đai.

Đối với thu hồi đất cho mục đích kinh doanh, được thực hiện nếu hơn 75% đồng thuận; các trường hợp không đồng thuận vẫn phải chấp hành và có quyền khởi kiện ra tòa.

Đáng lưu ý, trong công tác thu hồi và bồi thường tái định cư cần quan tâm nhiều hơn vấn đề an sinh xã hội. Cụ thể, công tác bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp cần phải tính chi phí tại sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, cần tạo mặt bằng mới cho người bị thu hồi có mặt bằng tiếp tục sản xuất kinh doanh…

NGUỒNnhandan.vn
Tags: ,
CHIA SẺ