Hòa Bình: Cần có những biện pháp hỗ trợ người dân tiếp tục nuôi cá!

BVR&MT – Nhiều hộ dân tại xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi cá lồng bè, sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ cuối tháng 7 vừa qua, hàng chục tấn cá bỗng dưng bị chết khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh “trắng tay”.

“Trắng tay” chỉ trong một ngày

Tìm đến xã Hợp Thành (Kỳ Sơn – Hòa Bình), nơi cá bị chết nhiều nhất khi thủy điện Hòa Bình xả lũ với số lượng lên đến hàng chục tấn khiến các hộ dân nuôi cá ở đây bị mất trắng. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông Lâm Thủy sản Kỳ Sơn cho biết: HTX có 15 hộ cùng chung vốn với 80% là vốn vay ngân hàng, còn 20% vốn tự có để nuôi cá với 24 lồng nuôi chủ yếu là cá trắm, cá lăng, rô phi, diêu hồng, chiên,… Mặc dù đã đầu tư nhiều công sức, toàn bộ nguồn vốn có để phát triển nuôi cá lồng bè nhưng bỗng dưng thủy điện xả lũ khiến số cá nuôi trồng chết hết.

Ngay sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ được khoảng 30 phút thì cá tại các lồng bè của chúng tôi tự lao lên trên mặt nước và đến sáng hôm sau thì phát hiện cá chết nên ra kiểm tra, kéo lưới lên thì thấy cá da trơn chết trắng hết dưới đáy lưới rồi. Hiện nay ước tính thiệt hại ban đầu của HTX là 80 tấn với số tiền khoảng 7 tỷ đồng…” ông Huy nói.

Người dân hàng ngày phải vớt cá chết để tránh gây ô nhiễm môi trường nước.

Theo kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm nay ông Huy lý giải: Nếu như xả tràn thì nước ở trên hồ thủy điện vẫn là nước ở tầng mặt, con cá đang sống ở tầng mặt thì nước về nó sẽ bão hòa được ngay, trong khi đó lòng hồ thì sâu hơn 100m tầng đáy nó cực kỳ lạnh khi mà xả tầng đáy thì con cá ở tầng mặt sẽ bị sốc nước, cộng với các độc tố lâu ngày tích tụ dưới đáy làm con cá chết ngay… “Tôi cũng không quy trách nhiệm cho thủy điện nhưng sau khi cá chết thì Cục thủy sản, Cảnh sát môi trường xuống đây để kiểm tra và kết luận cá chết không phải do nhiễm bệnh mà là do nguồn nước”…ông Huy phân trần.

Cần có biện pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Liên quan đến tình trạng trên, trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch xã Hợp Thành cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin thủy điện Hòa Bình chuẩn bị xả lũ, xã đã thông báo cho các Trưởng thôn kịp thời thông báo cho bà con nuôi thủy sản trên địa bàn có biện pháp phòng tránh. Nhưng không may khi thủy điện Hòa Bình xả lũ thì cá của các hộ lại bị chết. “Sau khi cá chết hàng loạt xảy ra, trước mắt chúng tôi đã huy động dân quân và các thanh niên, tình nguyện viên trong xã hỗ trợ bà con vớt cá chết lên tránh bị ô nhiễm nguồn nước” ông Mậu nói.

Cũng theo ông Mậu, toàn xã có 771 hộ với hơn 3.500 nhân khẩu và 23 hộ nghèo, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, đất nông nghiệp để canh tác thì ít vì chủ yếu là đồi núi. Hiện nay, trên toàn xã có 36 hộ nuôi cá với 100 lồng; việc nuôi cá lồng bè được địa phương rất khuyến khích vì nó mang lại công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho bà con; nhưng đa phần số vốn đều vay ngân hàng để đầu tư vào nuôi cá, việc cá bị chết đã gây xáo trộn đời sống của người dân…”Phía xã chúng tôi sẽ có ý kiến đề nghị tỉnh và huyện hỗ trợ bà con…” ông Mậu cho biết thêm.

Cần có biện pháp hỗ trợ bà con bị thiệt hại.

Được biết Sông Đà là một dòng sông rất có tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản, thuận lợi cho xây dựng mô hình nuôi cá lồng, góp phần rất lớn vào việc xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng cá chết vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều hộ dân phải bán cho các vườn cam, ủ làm phân với giá 4.000đ/kg để vớt vát vốn; ước tính thiệt hại đến thời điểm ngày 26/7 vào khoảng 50 tấn cá.

Ông Nguyễn Văn Quyền, một hộ nuôi cá cho biết, toàn bộ cá trong lồng của chúng tôi đều bị chết, giờ không biết lấy gì để trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng, “Chúng tôi chỉ mong ngân hàng gia hạn giãn nợ cho chúng tôi và nhà nước hỗ trợ được phần nào đó hoặc hỗ trợ chúng tôi con giống để tiếp tục nuôi cá…!“.

Ngày 21/7 Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-UBND gửi các sở, ban, ngành trong đó yêu cầu nghiêm túc việc trực Phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ tình hình mực nước hạ lưu nhà máy thủy điện Hòa Bình, thông tin kịp thời đến người dân sống  ven sông; Tăng cường tuần tra, cảnh giác tại các vị trí xung yếu, đảm bảo ATGT đường thủy và các hoạt động ven sông; Tuyên truyền, ngăn cấm người dân vào các khu vực nguy hiểm để quay phim, chụp ảnh khi nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ; Xem xét nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục tình trạng cá nuôi chết hàng loạt, giảm tối đa thiệt hại cho người dân…

Hoàng