Môi giới bất động sản đang trong giai đoạn ‘sàng lọc’ tự nhiên

BVR&MT – Riêng quý I/2023, cả nước đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch bất động sản (BĐS) phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, với hàng nghìn lao động mất việc. Ước tính, số môi giới BĐS đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS, đây cũng được coi là giai đoạn “sàng lọc” tự nhiên để thị trường BĐS vận hành an toàn, minh bạch.

Thị trường trầm lắng, nghề môi giới lao đao

Báo cáo thị trường BĐS từ đầu năm đến nay của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường BĐS cả nước đang rơi vào tình trạng trầm lắng, ít giao dịch, khan hiếm nguồn cung, chủ yếu là hàng tồn kho. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại, nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Môi giới bất động sản đang trong giai đoạn ‘sàng lọc’ tự nhiên. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS chia sẻ, nghề môi giới BĐS muốn gắn bó lâu năm cần phải tham gia các khóa học đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, để bổ sung thêm kiến thức và hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh vai trò của Nhà môi giới BĐS đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe, cùng với việc BĐS luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, những khó khăn trên thị trường BĐS thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh, khi hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều báo lỗ, còn các tổ chức, cá nhân môi giới đều ghi nhận giai đoạn thiếu giao dịch nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Đại hội cổ đông của hàng loạt doanh nghiệp BĐS vừa qua đều cho thấy những con số kết quả kinh doanh tiêu cực, do thị trường vẫn tiếp diễn, đối mặt với nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện kéo dài từ nửa cuối năm 2022. Trong khi đó, các vấn đề về nguồn vốn, lãi suất tăng cao… đang gây áp lực lớn cho người mua nhà và nhà đầu tư. Điều này làm cho nhu cầu giao dịch BĐS giảm mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận suy giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp kinh doanh môi giới BĐS đều đang chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên nhiều nhất từ trước đến nay, với hàng nghìn nhân sự, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh. Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3 – 6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…

Tình trạng sa thải nhân sự không chỉ riêng với các doanh nghiệp đầu ngành, một số doanh nghiệp quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn (chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án) ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20 – 25% nhân sự, cùng với giảm lương theo cấp bậc.

Dữ liệu của VARS ước lượng, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Nếu khó khăn của các doanh nghiệp BĐS là 8 – 9, thì người môi giới là tương đương, thậm chí cao hơn, khi thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hoa hồng sản phẩm, nhưng chủ đầu tư không bán được hàng, nên không thể thanh toán…

Yêu cầu của môi giới bất động sản ngày càng khắt khe

Tuy nhiên, báo cáo của Vars cũng chỉ ra, giá bán BĐS đang có sự điều chỉnh về giá trị phù hợp hơn, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực, đặc biệt là sản phẩm đất nền.

BĐS luôn là một trong những sản phẩm giúp nhà đầu tư kiếm lời nhiều nhất, cũng là một nơi lưu trữ an toàn trong thời kỳ lạm phát. Nhu cầu với BĐS hiện vẫn cao, nhất là với xu hướng mua đầu tư ở thật. Đây là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư sẵn tiền mua lại những dự án hấp dẫn với giá phải chăng, nhưng chưa hẳn là sự trở lại thực sự tích cực cho hoạt động môi giới, mà cần thêm thời gian điều chỉnh. Triển vọng nghề môi giới BĐS lớn, nhưng đây cũng là ngành nghề cạnh tranh cao, buộc các môi giới BĐS không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.

Thực tế cho thấy, câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên môi giới vừa qua chủ yếu vẫn tập trung ở nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề, còn đa phần các doanh nghiệp vẫn phải giữ lại nhân sự cứng, đủ năng lực. Bởi lẽ giai đoạn này, các nhà đầu tư sẽ có yêu cầu khắt khe hơn đối với các môi giới để tìm ra hướng đi đầu tư đúng đắn trong giai đoạn hiện nay.

Đáng chú ý, Luật Kinh doanh BĐS tới đây sẽ siết chặt hơn việc quản lý với hoạt động môi giới. Dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn, không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. Trước đây, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý lỏng lẻo, môi giới cấp chứng chỉ xong, nhưng người được cấp đi đâu làm gì không ai giám sát, dẫn đến tình trạng các địa phương có hàng nghìn môi giới không có chứng chỉ vẫn hoạt động bình thường.

“Việc cấp chứng chỉ giao cho Sở Xây dựng địa phương, tuy nhiên, nhiều nơi mỗi năm tổ chức một lần, thậm chí không tổ chức thi. Như vậy, những người làm môi giới BĐS muốn tham gia cũng không có cơ hội, phải tìm đến địa phương có tổ chức để tham gia thi. Trước mắt, để giúp các nhà môi giới có cơ hội và điều kiện tham gia các kỳ thì thi sát hạch thường xuyên, đảm bảo hành nghề theo đúng quy định của pháp luật, VARS đề xuất Sở Xây dựng các địa phương tạo điều kiện để VARS thường xuyên đào tạo và tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS”, ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Về lâu dài, để hiện đại hóa việc cấp chứng chỉ môi giới, cần xây dựng phương án Bộ Xây dựng sẽ cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra quản lý ngành nghề, quy định khóa học đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức định kỳ cho người môi giới. Tổ chức xã hội nghề nghiệp được giao phải thể chế hóa quy tắc, đạo đức hành nghề môi giới. Về hình thức đào tạo và cấp chứng chỉ, cần bổ sung thêm quy định đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS online, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, quản lý dịch vụ thông tin, dữ liệu BĐS.