Mộc Châu (Sơn La): Du lịch có đang bị “tắc nghẽn” bởi loạt sai phạm về xây dựng trên đất nông lâm nghiệp?

BVR&MT – Mặc dù được quy hoạch là Khu du lịch Quốc gia trọng điểm của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc song trên địa bàn huyện Mộc Châu đang xuất hiện tình trạng nhiều Homestay, Khu du lịch nghỉ dưỡng có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp, vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đặc biệt là ảnh hưởng đến đất quy hoạch cho đất lâm nghiệp, cản trở chính sự phát triển du lịch bền vững của địa phương này. 

Lời tòa soạn: Trong những năm gần đây, huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đã và đang đẩy mạnh tập trung phát triển du lịch nhằm phát huy tiềm năng cũng như lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Để phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó những định hướng trọng tâm được xác định là: Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, ưu đãi có tính đột phá để thu hút đầu tư phát triển du lịch; Tập trung mọi nguồn lực xây dựng phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia Mộc Châu được công nhận vào năm 2025; Xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành KDL quốc gia; Xây dựng KDL huyện Quỳnh Nhai, Bắc Yên thành KDL cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu trong công tác quy hoạch, kế hoạch làm cơ sở triển khai thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng song không thể phủ nhận còn nhiều bất cập, vướng mắc khi đi vào thực tiễn. Tại huyện Mộc Châu, sau khi được quy hoạch là Khu du lịch Quốc gia, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng nhiều homestay, khu du lịch nghỉ dưỡng có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp, vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đặc biệt là ảnh hưởng đến đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Về lâu dài đó chính là tác nhân gây suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của cộng đồng dân tộc…
Với quan điểm báo chí đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Mộc Châu (Sơn La): Du lịch có đang bị “tắc nghẽn” bởi loạt sai phạm về xây dựng trên đất nông lâm nghiệp?”, được phóng viên ghi nhận thực tiễn với những góc nhìn khách quan, đa chiều, khoa học chuyên ngành về nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp có định hướng và phát triển du lịch Mộc Châu, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cảnh quan và phát triển bền vững, tạo ra bước đột phá cho phát triển du lịch.

Bài 1: Loạt Homestay ngang nhiên mọc trên đất nông lâm nghiệp?

Có mặt tại xã Mường Sang (huyện Mộc Châu) thời điểm tháng 9/2022, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi chóng mặt của mảnh đất này. Những năm qua, việc phát triển các dịch vụ du lịch đã góp phần tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc các mô hình du lịch xây dựng một cách ồ ạt tự phát đã vi phạm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, phá vỡ quy hoạch chung.

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ dưỡng của du khách, hàng loạt mô hình du lịch đã có dịp “trẩy hội” về thôn bản với những cái tên mỹ miều như Homestay, Farmstay, Bungalow (một dạng lưu trú cho khách du lịch). Đây đều là những cơ sở mang hình thức du lịch sinh thái song phần lớn chủ sở hữu không phải người ở đây mà từ các nơi miền xuôi như Hà Nội, Nam Định… Theo người dân địa phương không phải cơ sở nào cũng được cấp phép bài bản, thậm chí có công trình còn xây dựng trên đất nông lâm nghiệp. Đa số những công trình này chỉ bị phát hiện khi đã xây dựng hoàn thiện và đã vào hoạt động kinh doanh.

Các hạng mục Homestay, Bungalow của Khu du lịch Mộc Châu Happy Land (Bản Lùn, xã Mường Sang) chưa được cấp phép.

Quy mô nhất trong các cơ sở trên phải kể tới Khu du lịch Mộc Châu Happy Land. Với diện tích khoảng 50 ha nằm tại Bản Lùn, xã Mường Sa, Mộc Châu Happy Land được quảng bá là một trong địa điểm tham quan, vui chơi nổi tiếng nhất của vùng đất Tây Bắc, không gian nghỉ dưỡng yên bình, mới lạ, phục vụ các cặp đôi, gia đình và những đoàn lớp, cơ quan với đủ loại hình nghỉ dưỡng: Bungalow, turbo hostel, nhà sàn cộng đồng… Giá phòng: 300.000 VNĐ/ phòng/ 2 người (phụ thu 100.000 người thứ 3) -đã bao gồm ăn sáng & vé tham quan. Tuy nhiên chủ đầu tư cơ sở này lại là một trong những đơn vị vi phạm nghiêm trọng khi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Trao đổi cùng phóng viên, ông Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Mường Sang cho biết, Chủ đầu tư Khu du lịch Mộc Châu Happy Land là ông Nguyễn Mạnh Hùng, bắt đầu xây dựng từ năm 2016. Sau khi mua gom đất của các hộ dân tại khu vực này, mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất ông Hùng đã tự ý cho xây dựng loạt Homestay, Bungalow trái phép với tổng quy mô sai phạm là 2.254,1 m².

Mặc dù xây dựng không phép song Khu du lịch Mộc Châu Happy Land vẫn quảng cáo rầm rộ và công khai niêm yết thu giá phòng và dịch vụ du lịch.

Khi được hỏi tại sao cơ sở này đã sai phạm từ lâu mà chính quyền không tiến hành xử lý thì người đứng đầu chính quyền xã Mường Sang cho hay, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, tài nguyên trên địa bàn có chiều hướng gia tăng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Những công trình vi phạm trên đất nông nghiệp đã đưa vào hoạt động có khối lượng tài sản đầu tư lớn nên gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Nếu tổ chức cưỡng chế sẽ gây tổn thất về vật chất rất lớn đối với cả cơ sở vi phạm và Nhà nước.

Tiếp tục khảo sát tại xã Mường Sang, được biết hiện trên địa bàn xã đang có 6 các cơ sở kinh doanh Homestay, Bungalow đang hoạt động và đều không có giấy phép xây dựng. Vị trí các công trình xây dựng một phần đã có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, một phần đang hoàn thiện hồ sơ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nhưng đều không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, đa số là đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết, một số cơ sở Homestay không phép trên địa bàn xã gồm: Mộc Châu Eco Gaden của hộ gia đình bà Trần Thị Lý (bản Bãi Sậy); Eco House (bản La Ngà 1) của ông Nguyễn Văn Trường; Bống House (bản Là Ngà 1) của ông Nghiêm Xuân Huân; Happy Land (bản Lùn) của ông Nguyễn Mạnh Hùng; Ngô Gia Trang (bản Lùn) của ông Vũ Bá Linh; Eco Farm (tại bản Vặt) của ông Nguyễn Văn Tạo…

Khu du lịch Mộc Châu Eco Gaden tại bản Bãi Sậy (xã Mường Sang) là một trong những cơ sở chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nhưng đã đi vào hoạt động và kinh doanh du lịch.
Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, trong đó nhấn mạnh:
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái, Chính phủ yêu cầu khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh trong đô thị và khu công nghiệp; quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh; lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ ít phát thải trong thu hút các dự án có sử dụng đất với các khu vực nhạy cảm về môi trường; tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất.Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất, hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.


Đã bị xử phạt, lại tiếp tục xây dựng mở rộng

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Mộc Châu có hơn 40 công trình homestay chủ yếu tại xã Mường Sang, Đông Sang, thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Qua rà soát của cơ quan chức năng, đa số các cơ sở này đã bị chính quyền địa phương chỉ ra lỗi sai phạm như xây dựng trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, thậm chí nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ… Dù đã bị lập biên bản xử phạt nhưng không hiểu vì lý do tại sao các cơ sở này vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động kinh doanh, thậm chí một số cơ sở vẫn tiếp tục xây dựng, mở rộng.

Tại các cơ sở Mộc Châu TopHill (tiểu khu 19/5), Mộc Châu Hobbiton (tiểu khu 70), Wooden House Mộc Châu (bản Chiềng Đi) thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu… đều xây dựng kiên cố, với nhiều kiểu cách thiết kế khác nhau như: Xây bằng gạch, khung sắt, mái lợp ngói, tôn; cùng các dịch vụ giải trí, thăm quan, chụp ảnh, mua sắm, ăn uống…

Phố núi tình yêu Homestay Mộc Châu tại tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu.

Tại cơ sở Phố núi tình yêu Homestay Mộc Châu (tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu), vị trí xây dựng nằm trên sườn núi cao, dốc, có đường bê tông đi lên, gồm 16 công trình nhỏ và nhiều hạng mục khác. Theo báo cáo của UBND thị trấn Mộc Châu, chủ cơ sở không phép này là ông Trần Đức Duy, thời gian xây dựng từ 2013, 2015; đến năm 2020 tiếp tục xây dựng. Hầu hết những công trình này đều nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Nhiều ý kiến đánh giá, thực trạng xây dựng các cơ sở Homestay không phép trên địa bàn huyện Mộc Châu đã diễn ra từ nhiều năm qua, vi phạm Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Tuy chính quyền địa phương đã chỉ ra sai phạm, nhưng chỉ xử lý hời hợt cho qua, dẫn tới sai phạm tiếp tục tái diễn. Câu hỏi đặt ra là bao giờ UBND huyện Mộc Châu và UBND tỉnh Sơn La sẽ xử lý dứt điểm những sai phạm trên?

Sau khi trực tiếp đến ghi nhận thực tế hiện trường, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện Mộc Châu kèm theo nội dung làm việc, cùng các giấy tờ liên quan theo quy định Luật Báo chí hiện hành. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả trong bài viết tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên xung quanh việc xây dựng sai phép tại loạt Homestay ngang nhiên mọc trên đất nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, xét thấy những trường hợp này đã vi phạm hành vi tự ý chuyển đổi mục đích đất. Một trong những nguyên tắc sử dụng đất tại điều 6 Luật Đất Đai 2013 chính là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Việc sử dụng đất không đúng mục đích nói chung và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 91/2019 của Chính phủ, thì việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thông mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
+ Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
Việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không chỉ bị xử phạt về lĩnh vực đất đai mà còn bị xử phạt trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013 của Chính phủ, sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Nếu hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).

Nhóm phóng viên BVR&MT