Mộc Châu – Sơn La: Chăn nuôi bò sữa hướng tới xuất khẩu

BVR&MT – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Sơn La vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển chăn nuôi bò sữa đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng tới xuất khẩu” tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Đoàn công tác Trung Ương đến thăm mô hình bò sữa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Theo Cục Chăn nuôi, đàn bò sữa nước ta phát triển mạnh, từ 128.000 con (năm 2010) tăng lên 301.000 con (năm 2017), sản lượng sữa đạt 875.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2018, đàn bò sữa cả nước chỉ còn 294.000 con, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng sữa đạt 936.000 tấn (tăng 6,97%).

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm gần đây, các Công ty chăn nuôi bò sữa trên cả nước đã áp dụng nhiều thiết bị kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi, do đó số lượng và chất lượng đàn bò sữa tăng trưởng rất nhanh. Bình quân năng suất sữa cho một chu kỳ từ 7.500 – 8.500kg, nhiều con cho tới 12.000 – 15.000kg. Đặc biệt, bò sữa hoa hậu năm 2018 có năng suất đạt 15.555kg.

“Chăn nuôi bò sữa nước ta đang phát triển tốt và dần tiếp cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỉ đồng (khoảng 4,781 tỉ USD)”, bà Hạnh thông tin thêm.

Hiện bò sữa tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (chiếm 33,35%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (25,69%), vùng ĐBSCL (12,22%), vùng trung du và miền núi phía Bắc (10,88%), vùng ĐBSH (9,74%), vùng Tây Nguyên (8,12%). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có đàn bò sữa cao nhất cả nước (trên 81.000 con), tiếp đến là Nghệ An (trên 63.000 con), Sơn La (25.000 con).

Hiện tại, nước ta đã xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến nhiều nước trên thế giới. Ngày 26/4/2019, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của nước ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỉ dân này.

Để sữa và các sản phẩm từ sữa của nước ta có thể xuất khẩu tới nhiều nước trong khu vực và thế giới hơn nữa, người chăn nuôi bò sữa cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học…

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến nghị, để sữa tươi đạt tiêu chuẩn hướng tới xuất khẩu thì người chăn nuôi bò sữa phải áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn như VietGAP, GlobalGAP.

Văn Trì