Mở lối xuất khẩu nông sản trong mùa dịch

BVR&MT – Hàng loạt lô hàng nông sản lên đường xuất khẩu đến các thị trường khó tính, dù dịch bệnh vẫn còn tác động mạnh đến chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, đó là tin vui của xuất khẩu nông sản trong nửa đầu năm.

Cắt băng xuất khẩu xoài sang châu Âu.

Tin vui cho xuất khẩu nông sản

Giữa tháng 7 vừa qua, lô nhãn Sông Mã (Sơn La) đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh. Dù lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường này chỉ khoảng 2,5 tấn, song đây là dịp chào hàng tốt, là động lực rất lớn để gia tăng xuất khẩu sang khối thị trường này trong năm nay.

Ông Vũ Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Công CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, đơn vị xuất khẩu nhãn Sơn La sang EU và Vương quốc Anh cho biết, chúng tôi đánh giá cao chất lượng nhãn năm nay, quả nhãn to, cùi dày và đậm vị ngọt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và thị trường Vương quốc Anh. Sau lô nhãn xuất khẩu đầu tiên này, công ty cam kết tiếp tục thu mua hơn 40 tấn nhãn quả tươi của Hợp tác xã Hoa Mười (Sông Mã) để tiếp tục xuất khẩu.

Trước đó, vào giữa tháng 6, 25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng được xuất khẩu sang thị trường Australia. Tại đây, xoài Sơn La đã được quảng bá mạnh và bán với giá gần 300 nghìn đồng/kg. Xoài Sơn La cũng xuất khẩu thành công sang Anh và một số quốc gia EU khác. Việc xuất khẩu thành công sản phẩm nông sản sang các thị trường khó tính đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, khẳng định được vị thế, giá trị của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất tại cơ sở, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ở một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là gạo, trong khi xuất khẩu gạo nói chung có xu hướng giảm thì xuất khẩu gạo ST24 và ST25 đang tăng trưởng tương đối tốt. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn với trị giá 1,64 tỷ USD, giảm 14,8% về lượng và 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh chung đó, gạo ST25 và ST24 lại có mức tăng trưởng cao, dù mới được đưa vào sản xuất thời gian gần đây.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ST24 đạt 23.560 tấn, tăng 800% so với cùng kỳ năm ngoái và gạo ST25 đạt 2.570 tấn, tăng đến 1.470% so với cùng kỳ. Trong đó, có khoảng 90% lượng gạo ST24 được bán cho Trung Quốc và gần như 100% gạo ST25 được xuất khẩu đi thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo ST24 và ST25 tăng cao do nguồn cung đang dần cải thiện trong khi nhu cầu ở các thị trường vẫn rất lớn. Thời điểm năm 2019, khi gạo ST25 mới đạt giải gạo ngon nhất thế giới, ông Hồ Quang Cua (cha đẻ của gạo ST25) phải mất bốn đến năm tháng để nhân giống và mất khoảng một năm sau mới cho thu hoạch. Đến năm 2021, lượng gạo ST25 bắt đầu nhiều hơn để bán ra thị trường.

Đó là những điểm sáng đáng ghi nhận của tình hình xuất khẩu nông sản trong nửa đầu năm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhưng bằng sự chủ động, linh hoạt, xuất khẩu nông sản vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt trên 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%…

Sự tăng trưởng vượt trội này có được là nhờ vào sự nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào một số ít thị trường truyền thống. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, nỗ lực mở cửa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA.

Giải bài toán thị trường

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang và dự báo sẽ còn ảnh hưởng mạnh đến tình hình xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh đó, để chắc chân trên thị trường xuất khẩu, điều quan trọng hàng đầu là phải duy trì được chất lượng nông sản.

Trái xoài được tiêu thụ tốt đã cải thiện đời sống bà con dân tộc thiểu số Sơn La.

Đơn cử, tại Sơn La – địa phương được coi là vùng nông sản chủ lực của nước ta đã kiên định mục tiêu sản xuất nông sản sạch. Đơn cử, để có những chùm nhãn mẫu mã đẹp, chất lượng, thơm ngon đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà con xã viên đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nhãn theo đúng quy trình VietGAP. Năm nay, các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… sản lượng nhãn ước đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, với sản lượng gần 22.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Autralia, Mỹ, Châu Âu… Riêng huyện Sông Mã có trên 7.200 ha nhãn; trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.

Để phối hợp tìm đầu ra cho nông sản, mới đây, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp”. Trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là kết nối cung cầu, mở ra thị trường cho tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc Ký kết hợp tác giữa hai Bộ đã giúp tháo gỡ được một nút thắt rất lớn trong tiêu thụ nông sản nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung, đó là thị trường. “Suy cho cùng, thị trường sẽ quyết định mọi thứ. Nông sản muốn đưa được đến tay người tiêu dùng ở trong và ngoài nước thì vẫn cần thị trường và chức năng thị trường nằm phần lớn ở Bộ Công thương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết. Đồng thời nhấn mạnh thêm, cần phải gắn kết thông tin kịp thời giữa đầu cung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và đầu cầu do Bộ Công thương quản lý. Khớp nối được những thông tin về nhu cầu và quy chuẩn của thị trường thì sẽ chủ động trong lãnh đạo, điều hành sản xuất để thông suốt, không bị ách tắc do mùa vụ.