Mở lối đi mới tránh ‘điệp khúc’ nông sản ùn ứ cửa khẩu

BVR&MT – Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đã trở thành điệp khúc “đến hẹn lại lên” từ đầu năm đến nay, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để giải quyết bài toán này.

Xe nông sản được bố trí dừng đỗ tại khu xuất nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để giảm thiểu ùn ứ. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Khó giải

Trong tuần qua, phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) do phát hiện ca nhiễm COVID-19 và hiện vẫn chưa thông báo thời gian khôi phục lại hoạt động thông quan, dẫn đến tình trạng gần 1.000 xe đang chờ để xuất hàng hóa.

Trước, trong Tết Nguyên đán, nhiều lái xe container nông sản đã phải vạ vật tại các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, không được về quê đón Tết và đến nay, tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguyên nhân là do phía Trung Quốc đang thực hiện chính sách “Zero COVID” để kiểm soát chặt dịch bệnh lây lan. Liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, nhưng chưa triệt để, mặc dù cũng đã có tín hiệu tích cực. Cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao, điều tiết trong nước, đã có 15.000 xe thông quan. Trước đây, chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế, hiện đã mở hết 13/13 cửa khẩu.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự kiến đến 20/4, lượng xe nông sản qua cửa khẩu Xe nông sản được bố trí dừng đỗ tại khu xuất nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) để giảm thiểu ùn ứ. Lạng Sơn sẽ lên tới 2.000 xe và tiếp tục gia tăng khi các địa phương vào chính vụ thu hoạch. Trong khi tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, thì cơ bản, các doanh nghiệp bao tiêu vẫn chuyển lên cửa khẩu, gây ùn ứ hàng hóa. Tỉnh đã chủ trương tập trung các giải pháp hạn chế tiếp xúc, nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện. Vì vậy, tình trạng ùn tắc vẫn sẽ tiếp diễn…

Qua tìm hiểu, hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc chủ yếu là nông sản, thủy sản. Nếu thời gian thông quan lâu, các mặt hàng này sẽ bị hỏng, đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Cấp bách xây dựng lộ trình và kế hoạch căn cơ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, cách làm kinh tế của các doanh nghiệp, nông hộ hiện nay vẫn “mù mờ” cungcầu, không đi vào quỹ đạo, giống như đi buôn chuyến, chưa hợp tác bài bản, kết nối, liên kết tiêu thụ.

Ở nhiều địa phương hiện nay, hoạt động nuôi trồng hầu hết thả nổi để bà con nông dân tự làm, chỉ biết trồng bao nhiêu hecta, chưa chú trọng mùa vụ, sản lượng, chất lượng, bảo quản và tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Do đó, sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để giải bài toán ùn ứ cửa khẩu hiện nay cần có những giải pháp căn cơ và lộ trình thực hiện rõ ràng. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để khai thác được thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, dù sẽ mất thời gian, công sức, nhưng là cách làm bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cần chủ động phối hợp, thống nhất việc xác định chính ngạch hay tiểu ngạch không chỉ nằm ở phương thức giao hàng, mà ở quy trình sản xuất, phương thức bán hàng, với sự tham gia quyết liệt của người đứng đầu.

Giải pháp cấp bách là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách hàng hóa nông sản được nhập khẩu chính ngạch, vì nhiều mặt hàng nông sản đang chỉ đi qua cửa khẩu phụ.

Ngoài ra, các địa phương cần phải giảm tải cho cửa khẩu thông qua xây dựng hệ thống trung tâm logistics trong nội địa, nhằm tăng cường kho mát, kho lạnh bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu, thông quan hàng hóa, đảm bảo hàng sau khi thông quan chỉ việc niêm phong, xuất qua biên giới, giảm bớt quy trình thủ tục thông quan tại cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là “cuộc cách mạng,” cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng.

“Phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư, sau đó sẽ là tỉnh Lạng Sơn. Tại Trung tâm này, phía Trung Quốc có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container, hạn chế rủi ro. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một ‘vùng xanh’ để chứng minh nông sản bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ