Mô hình nuôi hải sâm ghép với ốc hương đem lại hiệu quả cao

BVR&MT – Ngày 30/7, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau bảy tháng thả nuôi, mô hình nuôi hải sâm ghép với ốc hương thương phẩm trong ao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định và bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ven biển.

Mô hình nuôi hải sâm ghép với ốc hương thương phẩm, là hướng đi mới của ngành nuôi trồng thủy sản Quảng Ngãi.

Ông Đào Tư Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi cho biết, phong trào nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ trên địa bàn các huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu phát triển từ những năm 1990. Đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là tôm chân trắng, tôm sú, cá mú, cá chẽm… mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong thời gian gần đây phát sinh nhiều vấn đề như dịch bệnh diễn biến phức tạp, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, gây thiệt hại về kinh tế đối với người nuôi dẫn đến nhiều diện tích nuôi thủy sản trong ao lót bạt bị bỏ hoang. Do vậy, bài toán đặt ra cho ngành nông nghiệp Quảng Ngãi là cần phải có giải pháp ổn định môi trường nuôi.

“Giải pháp có tính bền vững nhất là nuôi ghép giữa các đối tượng để tạo cân bằng sinh học, ổn định môi trường trong ao nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước nuôi và môi trường”, ông Đào Tư Hiền nói và cho biết thêm: Sau khi tìm hiểu đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi, cuối tháng 12/2018, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất giải pháp và triển khai nuôi thử nghiệm hải sâm ghép với ốc hương thương phẩm trong ao, tại huyện Mộ Đức và Đức Phổ với năm hộ dân tham gia.

Ông Huỳnh Nhân, ở thôn Bàn An, xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ) là một trong những hộ dân được chọn triển khai mô hình nuôi hải sâm ghép với ốc hương cho biết, gia đình ông được hỗ trợ 1.650 con hải sâm và 462 nghìn con ốc hương để thả nuôi trên diện tích 1.500 m2. Sau bảy tháng thả nuôi, tỷ lệ ốc hương sống đạt 70% và hải sâm đạt từ 80-85%. Trọng lượng ốc hương đạt 150 con/kg, hải sâm đạt bốn con/ kg.

“Với giá thành hiện nay, hải sâm khoảng 120 nghìn đồng/kg, ốc hương 200 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại cho hộ nuôi hơn 270 triệu đồng. Điều này cho thấy, mô hình nuôi ghép mang lại hiệu quả cao hơn so với nuôi ốc hương hay nuôi tôm”, ông Huỳnh Nhân nhẩm tính.

Theo Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi, kết quả triển khai thành công mô hình nuôi hải sâm ghép với ốc hương thương phẩm trong ao cho thấy, đây là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước nuôi, góp phần làm sạch môi trường trong các ao nuôi ốc hương hiện nay. Bởi lẽ, hải sâm là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ trên nền đáy, rong tảo và chất thải động vật thủy sản. Vì thế, việc nuôi ghép hải sâm với ốc hương thương phẩm trong ao sẽ giải phóng lượng thức ăn dư thừa của ốc hương rất hiệu quả, làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, rút ngắn thời gian nuôi ốc hương thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Qua đúc kết từ thực tiễn triển khai, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, mô hình nuôi hải sâm ghép với ốc hương thương phẩm trong ao không những nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa đa dạng cho tiêu dùng và xuất khẩu, là hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Quảng Ngãi.

“Thời gian tới, cơ quan khuyến nông của tỉnh, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng mô hình nhằm phát huy sử dụng những ao hồ nuôi tôm kém hiệu quả và bỏ hoang”, ông Đào Tư Hiền đề xuất.