Mô hình chăn nuôi đầu tiên sử dụng đệm lót sinh học

BVR&MT – Với nhiều lợi thế sẵn có của địa phương, phát triển chăn nuôi đang là thế mạnh của huyện Tân Uyên. Nhưng phát triển theo hướng nào để đem lại nguồn thu nhập ổn định và quan trọng là đảm bảo vệ sinh môi trường, hệ sinh thái xung quanh? Cơ sở chăn nuôi của anh Đoàn Văn Kiên (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên) đã làm được điều này.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên vừa đưa chúng tôi đến tham quan cơ sở chăn nuôi của anh Kiên được huyện đánh giá là bền vững và có nhiều điều mới để các nơi khác học tập kinh nghiệm. Đây là cơ sở chăn nuôi tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm, chủ động từ nguồn con giống đến khai thác chế biến nguồn thực phẩm và thành phẩm bán ra thị trường với nhiều loại khác nhau. Sản phẩm thịt bò sấy, thịt trâu sấy tại cơ sở này cũng đang được huyện xây dựng trở thành sản phẩm OCOP trong năm nay.

Với quy mô trung bình khoảng 50 con bò (babe, laisin) sinh sản và hàng trăm con lợn duy trì thường xuyên, cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Đoàn Văn Kiên đã sử dụng đệm lót sinh học trong khu chuồng trại. So sánh 2 thời điểm trước và sau khi sử dụng loại men sinh học này, anh Kiên cho biết: Sau khi tham khảo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy nhiều nơi sử dụng đệm lót sinh học có nhiều lợi ích và giảm tối đa nhân công, giảm ô nhiễm môi trường, do đó tôi đã đầu tư vào khu chuồng trại chăn nuôi bò. Sử dụng đệm lót sinh học không có mùi hôi ô nhiễm môi trường xung quanh; không tốn công thu dọn phân gia súc mà vật nuôi lại sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh. Theo quy trình sử dụng đệm lót sinh học, cứ 6 tháng lại thu phân chuồng và rắc men một lần.

Cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Đoàn Văn Kiên (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên).

Tìm hiểu thêm, được biết, chăn nuôi có sử dụng đệm lót sinh học phù hợp nhất với các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung. Cơ sở chăn nuôi của anh Kiên được đổ bê-tông toàn bộ nền chuồng và làm hệ thống cống ngầm chắc chắn. Lớp men sinh học có kèm theo mùn cưa, trấu rắc trên nền bê-tông với độ dày khoảng 20cm. Nếu tính chi phí cho nhân công dọn chuồng nuôi gia súc, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, với quy mô chuồng trại hiện tại, gia đình anh Kiên phải cần đến 5-10 người thực hiện trong 2 ngày. Với giá 200 nghìn đồng/ngày thì tổng chi phí riêng cho công tác vệ sinh chuồng trại không phải ít. Nhưng nếu sử dụng đệm lót sinh học, khi độ dày của lớp phân gia súc lên khoảng 40cm thì đến lúc thu dọn chỉ cần 2 nhân công là đủ. Số tiền anh Kiên thu về từ bán nguồn phân chuồng cũng cao. Với giá 27.000 đồng/bao phân, mỗi lần thu hót phân tính lên đến hàng nghìn bao, tương đương khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này tiếp tục tái sử dụng đầu tư phục vụ chăn nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với chúng tôi, anh Kiên cho biết thêm: Muốn chăn nuôi trâu bò hiệu quả, trước khi thả giống phải chuẩn bị được nguồn thức ăn ổn định bằng cách trồng cỏ voi, ngô để đảm bảo cho vật nuôi. Nguồn phân bón từ chăn nuôi tiếp tục bón cho cây trồng xung quanh vườn, trong đó có cỏ voi nên quanh năm xanh tốt, là nguồn thức ăn lớn cho trâu bò. Vì nuôi với số lượng lớn nên tôi đặc biệt quan tâm tới việc tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… cho đàn bò. Từ đầu năm đến nay, tôi bán ra thị trường trên 50 con trâu, bò với giá từ 15 – 40 triệu đồng/con. Số tiền thu được, tôi dành phần lớn đầu tư mua thêm con giống để nhân đàn.

Theo đánh giá của chị Bùi Thị Hoa – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Uyên, đây là mô hình chăn nuôi tập trung quy mô trang trại gắn với an toàn sinh học, bảo vệ môi trường duy nhất trên địa bàn thị trấn đến thời điểm hiện tại. Lợi ích lớn nhất mô hình chăn nuôi này mang lại đó là bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái. Hiện nay, thị trấn đang định hướng, hỗ trợ kỹ thuật nếu các hộ chăn nuôi có nhu cầu chăn nuôi bằng phương pháp này.

Được biết, hiện nay thị trấn có tổng đàn gia súc là 4.817 con, trong đó chủ yếu là đàn trâu với 1.995 con, 298 con bò và 2.524 con lợn. Với sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy của người dân, các mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gắn với vệ sinh môi trường tiếp tục được mở rộng với 33 trang trại, gia trại, 6 cơ sở chăn nuôi bò lớn với quy mô từ 50 – 60 con, còn lại khoảng 30 con. Từ lợi ích vượt trội của mô hình đệm lót sinh học của gia đình anh Kiên, mong rằng sẽ có nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn tích cực tham khảo, học hỏi và áp dụng tại cơ sở. Từ đó, thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường.