Minh bạch trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm

BVR&MT – Để nông nghiệp tiếp tục vững bước phát triển, từng sản phẩm phải mang đủ các yếu tố minh bạch truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, an toàn môi trường.

Chế biến điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngành nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.

Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn vào việc xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp là kết tinh của cả một quá trình sản xuất chất lượng, hiệu quả của người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam.

Để ngành nông nghiệp tiếp tục vững bước trên con đường phát triển, từng sản phẩm phải mang đủ các yếu tố minh bạch truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cả an toàn cho môi trường.

Minh bạch từ khâu sản xuất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết tháng Chín vừa qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 30,44 tỷ USD.

Tính ra xuất siêu 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản Việt Nam lưu hành trên thị trường thế giới không còn là một sản phẩm đơn thuần giải quyết cơn đói, mà hiện nay, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông nghiệp bao gồm nhiều yếu tố, đó là sức khỏe con người, an toàn môi trường.

Vì vậy, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh thị trường bắt đầu có xu hướng không phải mua một sản phẩm nữa mà người ta mua cái cách tạo ra sản phẩm đó. Vậy nên, điều quan trọng là ngành nông nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm có bảo đảm không, có ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng hay không, có vi phạm những quy định, những chuẩn mực của thế giới không…

Chính vì vậy, để có thể hay đổi được tâm lý, tập quán của những người sản xuất, của bà con nông dân Việt Nam cần một thời gian dài học tập, tiếp thu tiến bộ thế giới và thích ứng với yêu cầu thị trường.

Sản xuất ra một sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chỉ dẫn địa lý cụ thể sẽ khiến người tiêu dùng an tâm lựa chọn để phục vụ cho sức khỏe không còn là điều xa lạ. Ngay từ 4 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nhiều địa phương cũng đã thực hiện triển khai đề án này.

Tại tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 752/KH-UBND ngày 3/3/2020 để thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai áp dụng và phổ biến những tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các giải pháp, công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Triển khai các quy định đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã về quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã làm tốt việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường gắn với việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, các sản phẩm hải sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam, nước mắm Phan Thiết…

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lệ, cho biết khi mua một trái thanh long của Hợp tác xã Hòa Lệ, người tiêu dùng sẽ truy xuất được những thông tin theo chuỗi như trái thanh long này được sản xuất từ lô nào, do đơn vị nào sản xuất, bón phân gì, sử dụng thuốc gì, vào thời điểm nào, do đơn vị nào sản xuất, có giấy chứng nhận gì… hay những thông tin giao dịch về ngày thu hoạch, sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng… Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với con số rõ ràng.

Nâng cao năng lực sản xuất thương mại qua ứng dụng số

Minh bạch sản xuất là yếu tố giúp cho nông sản Việt Nam được vững tin lưu thông trên thị trường thế giới. Đồng thời, thông qua yếu tố minh bạch, nông sản Việt Nam sẽ còn được nhiều thị trường tiềm năng “để mắt” tới và đưa vào danh sách lựa chọn. Tuy nhiên, để giữ vững thị trường, nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản cũng cần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ để đảm bảo sản xuất, giữ vững thị trường.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ mở cửa thị trường đã khó nhưng duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường đã mở còn khó hơn vì vậy mỗi nông dân, doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm, để đáp ứng được yêu cẩu của từng thị trường. Ngoài các loại trái cây, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng mã số vùng trồng trên các loại rau quả, lúa gạo xuất khẩu.

Để có thể duy trì được tinh thần minh bạch trong sản xuất, cũng như nâng cao năng lực sản xuất theo yêu cầu của nhiều thị trường trên thế giới, lực lượng sản xuất nói chung, nông dân nói riêng cũng cần khắc phục những điểm yếu hiện nay, đó là nâng lực tiếp cận công nghệ số để phục vụ cho sản xuất.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sản xuất như cũ thì chỉ quanh quẩn bán ở sân nhà, chợ làng, chợ phố. Muốn đi xa phải tuân thủ luật chơi mới, đó là sự công bằng. Nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tầng mức sản xuất khác nhau từ người nông dân sản xuất nhỏ, doanh nghiệp sản xuất lớn; quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, quy mô của hợp tác xã hội….

Do đó, sự tiếp cận và phát triển khoa học công nghệ, số hóa cũng được chia thành nhiều tầng bậc để có thể nâng cấp dần năng lực sản xuất cho nông dân, doanh nghiệp, thậm chí cho từng ngành nghề cụ thể, nền nông nghiệp Việt Nam mới dần phát triển theo chiều hướng hội nhập quốc tế.

Gần đây nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã khởi động mạng lưới nhà nông (gọi tắt là mạng nhà nông), mạng xã hội dành cho đội ngũ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam như nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, thậm chí là các cơ quan chức năng, ngân hàng,… hướng tới mỗi nông dân Việt Nam đều có thể tiếp cận thông tin bằng điện thoại của mình, phải có kênh thông tin trả lời cho bà con nông dân những vấn đề cụ thể.

Chuyển đổi số phải đến được người nông dân, không phải chỉ nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số không chỉ phục vụ cho điều hành mà sau cùng là phải phục vụ người nông dân.

Khi nông dân được tiếp cận với hệ thống quản lý sản xuất số, trao đổi số và tiêu thụ số của mạng nhà nông, nông dân có thể tiếp cận thông tin bất kỳ lúc nào để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất cho cánh đồng, trang trại của mình. Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của chuyển đổi số.

Người ta chỉ cần tham gia vào một mạng nào đó được nhà nước chứng nhận an toàn về mặt thông tin, dữ liệu… ngay lập tức sẽ có các nhà khoa học, tổ khuyến nông… trả lời những thắc mắc đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm./.

Tags:
CHIA SẺ