Miền Trung: Liên kết, làm mới sản phẩm để hút du khách

BVR&MT – Nhằm thu hút, tăng lượng du khách quay trở lại dịp Hè, các tỉnh miền Trung đang cùng nhau liên kết, quảng bá, làm mới nhiều sản phẩm, chủ động bứt phá khỏi thử thách, hứa hẹn mang lại cho du khách nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn.

Đà Nẵng bảo đảm công tác an toàn phòng chống dịch cho du khách

Miền “di sản” cùng liên kết

Mới đây, các địa phương gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình đã tổ chức chương trình thu hút khách du lịch năm 2021 với chủ đề “Miền di sản diệu kỳ” (Amazing Central Heritage).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: Chương trình “Miền Trung – Miền di sản diệu kỳ” là sự liên kết, hợp tác của ngành du lịch 4 địa phương Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Chương trình nhằm khẳng định và quảng bá hình ảnh du lịch của 4 địa phương đã nổi tiếng với các di sản độc đáo.

Theo đó, nội dung gồm hai chương trình du lịch trọn gói hấp dẫn: Chương trình du lịch “Amazing Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm”, chương trình “Miền di sản diệu kỳ – Amazing Central Heritage 4 ngày 3 đêm”. Đây là hai chương trình đặc biệt dành cho du khách với giá trị tăng thêm sẽ áp dụng từ nay đến 28/4.

Chương trình nhận được sự tham gia, hưởng ứng của hơn 300 doanh nghiệp du lịch từ hàng không, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, mua sắm, đơn vị vận chuyển, tàu du lịch với mức giảm giá sâu từ 10-50% hoặc tặng kèm một số dịch vụ.

Ngoài ra, tại các địa phương miền Trung hiện đang áp dụng thêm các chính sách ưu đãi cho du khách như miễn 100% vé thăm quan tại Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật đến hết năm 2021, giảm 50% phí tham quan cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan Khu di sản văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đến hết tháng 8, giảm 50% vé tham quan phố cổ Hội An đến ngày 1/5, giảm 20-50% mức thu phí đối với các sản phẩm trải nghiệm động Phong Nha, động Thiên Đường…

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, năm 2021, ngành du lịch xác định du lịch nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo. Để làm được việc đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt có những cơ chế, chính sách để thu hút khách trở lại; xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với bối cảnh, nhu cầu du khách.

“Với phương châm liên kết hành động và phát triển, doanh nghiệp các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với nhau để chúng ta có nhưng sáng kiến phục hồi ngành du lịch trong thời gian sớm nhất”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.

Hội An làm mới mình qua những sản phẩm mới đi vào chiều sâu văn hóa, lịch sử.

Sản phẩm mới đi vào chiều sâu văn hóa

Tối 28/3, TP. Hội An đã tổ chức chương trình nghệ thuật thực cảnh Hội An Show. Với sân khấu chính là không gian Chùa Cầu, sông Hoài và phố cổ, “Hội An Show” tái hiện lại nhiều lát cắt trong lịch sử phát triển của đô thị cổ Hội An. Trong đó, nổi bật là tái hiện lại sự phồn thịnh, tấp nập của thương cảng Hội An thế kỷ 16, dựng lại truyền thuyết Chùa Cầu, hồi ức Chùa Cầu, kể lại câu chuyện về lụa Hội An…

Hội An Show là câu chuyện về lịch sử phố Hội, thông qua chương trình, du khách hiểu thêm về Hội An theo những bước chân thời gian của lịch sử. Đặc biệt, diễn viên chính trong chương trình chính là những người dân Hội An. Người dân Hội An không diễn xuất, mà họ kể lại câu chuyện đời thực của chính họ.

“TP. Hội An hy vọng qua chương trình, người dân và du khách sẽ cảm nhận thêm những giá trị quý báu từ chiều sâu, bề dày di sản văn hóa của vùng đất, con người Hội An và xứ Quảng trong mạch nguồn, dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam đầy can trường và nhân hậu, trung kiên và hiếu hòa.

Sau chương trình, UBND TP. Hội An sẽ nghiên cứu tiếp nhận và duy trì chương trình với kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch thường xuyên tại Hội An, ở đó những người Hội An tự hào giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người của nơi mình sống”, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ.