Màu xanh đặc biệt đêm giao thừa

BVR&MT – Ngày Tết nếu ở Hà Nội, chắc ai cũng đón chờ màn bắn pháo hoa đêm giao thừa bên hồ Hoàn Kiếm. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, sau giây phút ấy, khi mà mọi người về nhà hoặc ra phố, lên chùa hái lộc thì có những con người, những  màu xanh đặc biệt lặng lẽ trong đêm…

Phải nói luôn rằng, câu chuyện dưới đây được chúng tôi ghi lại từ đêm giao thừa của năm ngoái, khi bất chợt nhậm ra rằng, giữa màu xanh của lộc non xuân mới, còn có một màu xanh khác đã và đang góp những điều đặc biệt nhất cho đời.

Không  khí lúc bắn pháo hoa ồn ào là thế, náo nhiệt là thế, mà giờ chỉ còn lác đác những người ở lại, với một “bãi chiến tích”  ngổn ngang. Từ lối đi lên mặt cỏ, từ ghế đá xuống mặt hồ, cơ man là rác, nào giấy báo, túi ni lông, vỏ lon chai nhựa, xác pháo giấy, thậm chí còn có cả những bó hoa tươi. Theo chân chị Trần Thị H., 35 tuổi, là nhân viên của công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chị tâm sự:

“Tổ tôi có 8 người được phân công làm sạch khu vực bờ hồ và các tuyến phố đi bộ, đây là khu vực trung tâm của thành phố, cả người dân và du khách đều thích đến xem, chơi và chụp ảnh làm kỉ niệm. Ngày thường, chỗ này có vẻ dễ chịu hơn, chứ cứ dịp Tết, là cả một nỗi sợ. Cậu thấy đấy, rác ở chỗ nào cũng có, người ta cứ lấy giấy báo lót mông ngồi , nhưng đứng dậy lại “quên” bỏ vào thùng rác ngay, ngàn người mỗi người vài tờ”, chị cười rồi nói tiếp: “ Mong là năm sau sẽ khá hơn”.

– Làm việc thế này không được đón giao thừa, chị có nhớ nhà không?

– Một hai năm đầu tiên thì cũng tủi cũng nhớ, nhìn người ta nô nức dắt tay nhau về đón tết mà mình cũng muốn bỏ cái chổi này đi để chạy về ăn bữa tất niên với chồng con, nhưng 15 năm rồi, riết thành quen. Vả lại, giờ chồng cũng là đồng nghiệp, thành ra giao thừa hai vợ chồng cứ đón tết ở ngoài thôi.

– Vậy con chị thì sao?

– Hai đứa thì ở nhà với ông bà nội.

Chị Trần Thị H – Nhân viên công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã quen với việc làm việc trong giờ phút giao thừa.

Vừa nói chị vừa quét đống giấy cho vào một túi, tôi phụ chị nhặt những lon nhựa vào tải khác, còn đống đồ ăn thừa thì để vào xe rác. Mùi hôi thối xộc lên, thấy tôi che mũi chị lại cười: “ Đấy là chú chưa quen nên thấy khó chịu, tôi ngày trước cũng vậy, cứ mỗi lần xe chở đến là y rằng có gì trong bụng là nôn ra bằng hết… ”

– Công việc có vẻ nhọc nhằn thế mà anh chị vẫn làm ư? Em thấy bán hàng rong việc nhẹ nhàng hơn mà cũng được kha khá.

Câu “quen rồi” lại được cất lên. Chị bảo: “ làm nghề này vất thì có vất thật đấy nhưng lại không yêu cầu bằng cấp. Tôi và anh nhà đều là dân tỉnh lẻ lên đây mưu sinh, bỏ học từ hồi cấp 2, thử đã nhiều nghề nhưng vẫn chẳng ăn thua, làm thợ phụ thì sức yếu. Trước tôi có bán xôi buổi sáng, nhưng cực lắm chú ạ. Dậy sớm nấu thì không nói , còn hay bị cán bộ phường đuổi không cho bán nữa. Thuê mặt bằng thì lại không có tiền. Dọn sạch đường phố cũng có vẻ thành tựu mà”.

“Cảm giác thành phố sạch hơn nhờ có mình cũng không tệ” – Chị “hì hì” cời rồi nói thêm: “Những người làm công việc này đa phần là vì nghèo khó, có những người vì yêu nghề yêu việc làm sạch thành phố họ sống, hoặc theo truyền thống gia đình nữa cơ. Cậu thấy bác gái đang quét chỗ tòa nhà màu trắng kia không?

– Có chị ạ, nhìn bác ấy có vẻ đã luống tuổi rồi.

– Ừ, bác Thỏa năm nay 64 tuổi rồi, đã nghỉ hưu, làm việc không lĩnh lương cũng phải được 4 năm rồi ấy. Con dâu và con trai của bác ấy cũng làm ở đây, họ đang dọn ở phố Đinh Tiên Hoàng. Tôi có lần hỏi bác ấy  sao tuổi này không ở nhà chơi với cháu thì bà cụ bật cười: ‘ Gắn bó với nghề lâu quá, quen tay, quen mắt, nên cứ nhìn thấy con trai con dâu cầm đồ đi dọn là lại lóc cóc theo sau.

– Bao giờ thì chị hết ca để về đón Tết vậy ạ?”

– Không có ca vào ngày giao thừa này đâu chú. Cứ sạch thì được về thôi, chắc cũng phải đến 2-3h sáng đấy, còn phải chờ xe cơ giới đến chở đống này đi. So về việc về muộn thì những anh lái xe, phụ xe về muộn hơn chúng tôi nhiều, do họ còn phải chở đến khu tập kết nữa.”

– Tôi chuyển tuyến đường đây chú, làm nhanh để còn về nhà kịp mồng một chú ạ;  Mừng chú năm mới nhé!

– Chúc mừng năm mới” – Tôi đưa tay ra bắt vội bàn tay chị, đôi bàn tay gầy guộc trong chiếc găng tay mỏng manh.

Chị H. đã đi vào một ngách khác, đống rác ban đầu biến mất như chưa từng tồn tại. Ngoài kia có biết bao nhiêu người lao công làm thầm lặng trong đêm giao thừa như chị? Những người vì cuộc sống mưu sinh, vì tình yêu với Hà Nội, vì cảnh đẹp du xuân của cư dân và du khách dịp đầu năm mới. Nếu không  có sự miệt mài hết lòng vì công việc của họ, tôi tự hỏi: “ Liệu mình đón năm mới ra sao khi đường phố chẳng thèm  tươi mới?”

Dáng chị khuất dần trong bóng điện đêm, lẫn vào những ngõ ngách hẹp cho đến khi biến mất. Nhưng thật kì diệu, kể cả khi chị đi thật lâu rồi, nhìn vào bóng tối, tôi chợt nhận ra rằng tôi vẫn nhìn thấy có một màu xanh. Đó là màu xanh của những người lao công, mầu xanh của những người dọn rác đêm giao thừa. Đúng rồi, chúng ta đôi khi đã quên rằng, để có được màu xanh lộc non của mùa xuân, thì vẫn luôn lặng thầm một màu xanh của họ – những người quét rác.

Tôi lên xe vội trở về nhà để cùng gia đình đón giao thừa, cơn gió se se chạy ngang mặt nhưng tôi thấy lòng mình ấm, ấm đến lạ thường!

Nguyễn Hiền