Thực trạng vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp của các chủ thể quản lý ở Tây Nguyên

Tóm tắt – Nghiên cứu trường hợp dựa vào các nguồn số liệu thứ cấp, kết hợp với khảo sát thực địa và thảo luận, phỏng vấn các bên liên quan đến quản lý nhà nước về lâm nghiệp, chính quyền địa phương các cấp và đại diện một số đơn vị chủ rừng ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Bài báo chia sẻ một số kết quả phát hiện từ thực tế về tình trạng mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp (ĐLN) của các chủ thể quản lý rừng (QLR) và cách giải quyết ở một số trường hợp cụ thể. Đồng thời, kết quả cũng chỉ ra những thử thách trong giải quyết mâu thuẫn đối với cơ quan quản lý nhà nước Lâm nghiệp(LN) các cấp và các chủ thể QLR. Trên cơ sở đó, các khuyến nghị hướng đến hài hòa giữa đảm bảo và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với bảo vệ, phát triển rừng (PTR) của các chủ thể quản lý; góp phần QLR bền vững gắn với phát triển ở Tây Nguyên.

1. Mở đầu

Một trong những vấn đề liên quan đến bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng tự nhiên đó là giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong sử dụng đất lâm nghiệp (ĐLN). Đây là vấn đề nóng tại các phiên họp quan trọng của Chính phủ, cũng như Quốc hội, đặc biệt trong năm 2017. Tuy nhiên thực tế giải quyết vấn đề chồng lấn, tranh chấp quyền sử dụng ĐLN ở tất cả các địa phương vùng Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ảnh minh họa.

Bài báo nêu thực trạng tại 5 tỉnh Tây Nguyên về tình trạng chồng lấn, tranh chấp quyền sử dụng ĐLN của các chủ thể quản lý rừng (QLR) và cách giải quyết ở một số trường hợp cụ thể tại Tây Nguyên. Từ đó đưa ra một số khuyến nghị liên quan, hướng đến hài hòa giữa đảm bảo và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với bảo vệ, phát triển rừng của các chủ thể quản lý; góp phần QLR bền vững gắn với phát triển ở Tây Nguyên.

2. Nguồn thông tin, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

a. Nguồn thông tin, dữ liệu

Kết quả nghiên cứu “Xung đột trong sử dụng đất lâm nghiệp giữa các chủ thể ở vùng Tây Nguyên” – Nghiên cứu trường hợp do Tropenbos tài trợ và trường Đại học Tây Nguyên thực hiện (Cao Thị Lý và các tác giả, 2017).

Tham khảo kết quả thảo luận và bài trình bày liên quan từ hội thảo “Tham vấn giải pháp phục hồi cảnh quan rừng tại VQG Chư Yang Sin”, do PanNature và VQG Chư Yang Sin tổ chức ngày 18/5/2018 (Cao Thị Lý, 2018).

Dữ liệu cập nhật từ thực tế vấn đề chồng lấn, xâm canh, lấn chiếm ĐLN ở một số khu rừng đặc dụng (RĐD) và rừng phòng hộ (RPH), tại Tây Nguyên (Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ea Sô, Cao Thị Lý, 2018).

Các báo cáo nghiên cứu tư vấn quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 (Bảo Huy, 2013); hiện trạng chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su tại tỉnh Đắk Lắk (Cao Thị Lý và các tác giả, 2017).

b. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng số liệu thứ cấp, khảo sát thực tế và thảo luận, phỏng vấn các bên liên quan đến quản lý nhà nước về Lâm nghiệp, chính quyền địa phương các cấp và đại diện một số đơn vị chủ rừng ở 5 tỉnh Tây Nguyên về các nội dung, vấn đề có liên quan, cụ thể:

Cấp tỉnh: Trao đổi, thảo luận với từng nhóm cán bộ ở mỗi tỉnh, với sự tham gia của 20 người là lãnh đạo và cán bộ phụ trách lâm nghiệp (LN) ở Chi cục kiểm lâm (CCKL), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), CCKL vùng IV; 13 cán bộ thuộc phòng Quản lý đất đai, Thanh tra đất đai của sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ở 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Cấp huyện: Thu thập dữ liệu và khảo sát ở 6 huyện thuộc 3 tỉnh gồm: Huyện Đức Cơ, Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai); huyện Đắk G’Long, Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông); huyện Ea Súp, Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Trao đổi, thảo luận đã triển khai với 5 nhóm cán bộ cấp huyện có liên quan đến quản lý ĐLN, với sự tham gia của 10 người, gồm lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm địa bàn trực thuộc Hạt kiểm lâm.

Cấp xã: Trao đổi, phỏng vấn với đại diện lãnh đạo xã kết hợp khảo sát tại một số hiện trường ĐLN đang bị lấn chiếm tại các xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa và xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Các đơn vị chủ QLR: Trao đổi với sự tham gia của 25 người thuộc 14 đơn vị chủ QLR ở 05 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó có 03 vườn quốc gia (VQG), 02 ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, 05 DN nhà nước, 03 DN ngoài quốc doanh, 01 BQL rừng cộng đồng.

3. Kết quả nghiên cứu

a. Thực trạng quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên

Tổng hợp từ báo cáo số liệu rừng và ĐLN năm 2016 của 5 tỉnh, ghi nhận kết quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo các chủ quản lý cho thấy, cụ thể tỷ lệ diện tích rừng và ĐLN thuộc các chủ quản lý, tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Hình 1: Tỷ lệ diện tích rừng và ĐLN thuộc các chủ quản lý ở các tỉnh Tây Nguyên. Nguồn số liệu. Chi cục Kiểm Lâm 5 tỉnh Tây Nguyên và Tổng cục Lâm nghiệp, 2017.

Sơ đồ hình 1 cho thấy, trong 10 chủ thể quản lý, phần lớn diện tích rừng và ĐLN trong toàn vùng Tây Nguyên do các DN nhà nước quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 30 %); đứng thứ hai là các ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ (21%); thứ ba là rừng và ĐLN trực thuộc các ủy ban nhân dân (UBND) xã (20%), xếp vị trí thứ tư là rừng và ĐLN do các BQL rừng đặc dụng quản lý (15%); thứ năm là rừng và ĐLN giao cho các DN ngoài quốc doanh (7%). Tiếp đến là rừng và ĐLN giao cho hộ gia đình, cá nhân (3%); giao cho các lực lượng vũ trang (2%); giao cho cộng đồng (gần 1%); các tổ chức khác đang quản lý chưa tới 1% và cuối cùng là tỷ lệ diện tích rừng và ĐLN giao cho các DN có 100% vốn nước ngoài chưa đến 0.1%. Như vậy, có thể thấy ngoài diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xung yếu, phần lớn diện tích rừng và ĐLN còn lại ở các tỉnh Tây Nguyên thuộc quy hoạch rừng sản xuất do các công ty lâm nghiệp (CTLN) quản lý. Trong đó, có một phần diện tích rừng sản xuất (RSX) trực thuộc các BQL rừng phòng hộ, giao cho các UBND xã và diện tích rừng hiện do các DN ngoài quốc doanh quản lý. Thực tế đây là các diện tích rừng và ĐLN được giao cho các DN, tổ chức trong nước thuê để phát triển các dự án NLN tại các tỉnh.

Kết quả QLR trên thực tế ở các BQL rừng phòng hộ và các CTLN còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc tổ chức quản lý, bao gồm bảo vệ, phát triển và sử dụng đối với từng loại rừng do đơn vị được giao để quản lý. Mâu thuẫn về quyền sử dụng ĐLN xảy ra tập trung phần lớn số vụ liên quan giữa người dân địa phương với các đơn vị chủ QLR là các CTLN, các BQL rừng phòng hộ, trên đối tượng rừng sản xuất. Ngoài ra, tình trạng mâu thuẫn trong sử dụng ĐLN, có những trường hợp dẫn đến khiếu kiện kéo dài, xảy ra giữa người dân địa phương với các DN tư nhân đang thuê đất, thuê rừng sản xuất để triển khai các dự án phát triển NLN ở các tỉnh.

b. Thực trạng, giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa các chủ thể ở Tây Nguyên

Ban quản lý rừng đặc dụng: ĐLN thuộc các BQL rừng đặc dụng nói chung và các VQG nói riêng mặc dù vẫn có tình trạng chồng lấn, xâm canh, lấn chiếm, tuy nhiên ít hoặc không xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất. Bởi vì công tác BVR ở đây được chú trọng, có lực lượng chuyên trách và vẫn còn hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước, và có các nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các diện tích rừng đầu nguồn thủy điện hoặc nguồn nước có thu. Hơn nữa, người dân ý thức được đối với rừng đặc dụng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nặng. Tuy vậy, thực tế vẫn còn một số trường hợp mâu thuẫn trong sử dụng đất của người dân các địa phương vùng đệm và các đơn vị có liên quan ở xung quanh ranh giới với BQL các khu RĐD, các trường hợp ghi nhận cụ thể:

Tình trạng chồng lấn quyền sử dụng đất chủ yếu là các địa phương người DTTS tại chỗ. Hiện nay người dân vẫn còn canh tác trên một số diện tích là rẫy cũ do “tổ tiên để lại”, nhưng theo quy hoạch thuộc đất RĐD. Đây là những diện tích rẫy người dân đã canh tác theo truyền thống từ trước khi có quy hoạch RĐD. Trường hợp này có ở cả 03 VQG khảo sát.

Tình trạng lấn chiếm, mở rộng thêm diện tích canh tác, xảy ra khá phổ biến ở những khu vực rẫy của người dân đang canh tác giáp ranh với các khu RĐD.

Trường hợp người dân tộc K’Ho, nhánh Cil ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã được bố trí định canh, định cư ở Đam Rông từ khi quy hoạch VQG Bi Doup Núi Bà, nhưng bắt đầu từ năm 2013 nhiều hộ dân muốn trở về làng củ ở tiểu khu 26,27 thuộc VQG Bi Doup Núi Bà quản lý, phá rừng lấy đất canh tác;… VQG đã phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động giải tỏa, nhưng đến 2017 người dân lại tái lấn chiếm.

Việc xây dựng đồn biên phòng, nhưng chưa làm thủ tục thu hồi đất của khu rừng đặc dụng. Cụ thể như đồn biên phòng 707 (VQG Chư Mom Ray).

c. Cách giải quyết của chủ quản lý, địa phương

Trong QLR ở tất cả các khu RĐD, tiếp cận các cộng đồng vùng đệm và tuần tra, BVR thường xuyên, giúp phát hiện sớm các trường hợp chồng lấn, tác động, lấn chiếm sử dụng đất rừng trái phép. BQL các khu RĐD có báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng liên quan, để cùng phối hợp giải quyết, xử lý. Đối với tình trạng chống lấn quyền sử dụng đất, BQL vườn quốc gia đã phối hợp với chính quyền địa phương xã khảo sát đo trên thực địa, lập hồ sơ, báo cáo các cấp có thẩm quyền và đề nghị bóc tách diện tích trên trả về cho địa phương, cấp cho dân tiếp tục canh tác lâu dài và cùng phối hợp với VQG QLR; hoặc làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất RĐD chuyến sang mục đích quốc phòng,…. Trường hợp người dân đã định cư ở nơi ở mới, nhưng tổ chức quay lại phá rừng để canh tác trên đất làng cũ trước đây, hiện nay thuộc diện tích RĐD, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chủ rừng phối hợp cùng địa phương và các ban ngành tiến hành vận động, thu hồi, kèm theo phương án hỗ trợ các hộ dân di dời, đồng thời trồng lại rừng trên ĐLN thu hồi.

Như vậy có thể thấy đối với RĐD, việc xác định rõ ranh giới trên thực địa, cũng như truyền thông cho người dân các cộng đồng vùng đệm biết ranh giới là việc làm cần thiết. Đồng thời, tình trạng lấn chiếm luôn được chú ý xử lý trong công tác BVR của đơn vị, tăng cường chú ý những khu vực có khả năng bị lấn chiếm như khu vực mở đường giao thông, làm thủy điện… Khoán BVR (BVR) những diện tích có chi trả dịch vụ môi trường, cho dân ở một số địa phương bảo vệ để hỗ trợ tạo thêm thu nhập và gắn người dân với công tác BVR. Vai trò của UBND tỉnh và cơ quan chủ quản thúc đẩy thực hiện kịp thời thủ tục chuyển đổi, bóc tách, cũng như nguồn lực cho việc cắm mốc xác định ranh giới là cần thiết và thực hiện càng sớm càng tốt. Hoạt động BVR, tiếp cận cộng đồng được kiểm lâm và cán bộ bảo tồn thực hiện nghiêm túc và tốt sẽ giúp tránh và giảm thiểu tình trạng chồng lấn, lấn chiếm quyền sử dụng ĐLN ở các khu RĐD.

Ban quản lý rừng phòng hộ

Thực trạng: Tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất vẫn đang xảy ra, một số nơi tranh chấp và mâu thuẫn giữa người phá rừng, lấn chiếm với các đơn vị chủ rừng không thể giải quyết được. Tình trạng vi phạm trong sử dụng ĐLN kéo dài, không được báo cáo sớm và xử lý dứt điểm, nên nhiều thành phần, không chỉ riêng người dân địa phương tiếp tục phá rừng, lấn chiếm. Rừng của hầu hết các BQL đều gặp phải tình trạng này, trong đó có những BQL không thể kiểm soát.

Nguyên nhân: Do nhiều BQL rừng phòng hộ được hình thành từ các Lâm trường trước đây tách và sáp nhập, trong diện tích rừng và ĐLN do đơn vị quản lý có cả RPH lẫn RSX, khi quy hoạch bao gồm cả đất rẫy của dân đã làm trước đó. Trong quá trình các BQL RPH quản lý, dân tiếp tục lấn chiếm, xâm canh tạo ra tình trạng “da báo” đất canh tác xen trong đất RPH. Đơn vị thiếu cán bộ chuyên trách BVR, nguồn kinh phí ít. Hơn nữa, ban quản lý RPH không có chức năng xử lý vi phạm, khi phát hiện sai phạm, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ngăn chặn, lập biên bản và báo với kiểm lâm. Kiểm lâm địa bàn có hỗ trợ xử lý những trường hợp vi phạm lâm luật, còn vi phạm liên quan đến đất rừng và tài sản trên đất như chòi, cây trồng… kiểm lâm không đủ thẩm quyền xử lý, phải báo báo UBND huyện, phòng TN&MT,… Cộng thêm vào đó, nhiều cán bộ, lãnh đạo của địa phương các cấp, các đơn vị chủ rừng… cũng chiếm dụng ĐLN mà không bị xử lý, nên người dân làm theo.

Xét ở khía cạnh tuân thủ luật pháp, thì việc xử lý các vụ việc chưa dứt điểm đã không thể hiện tính răn đe, cảnh bảo; các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật, người dân mất lòng tin vì thấy mất công bằng trong vấn đề sử dụng đất. Đối tượng phá rừng là dân địa phương, nhưng sau đó cho thuê và sang nhượng cho nhiều đối tượng từ nơi khác đến, trong đó có một số lượng dân di cư từ các địa phương khác; cùng với giá một số loại nông sản tăng mạnh, đất đai tốt, nhiều người muốn mua đất để đầu tư. Đây chính là nguy cơ lớn của tình trạng lấn chiếm, xâm canh ở nhiều BQL RPH. Năng lực BVR của BQL các RPH còn kém, đó là chưa kể còn có tình trạng tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng của cán bộ các trạm BVR của BQL. Điều này liên quan đến thu nhập và chế độ của cán bộ làm công tác BVR ở RPH còn thấp, không giống như kiểm lâm ở các RĐD hoặc địa phương.

Cách giải quyết của chủ quản lý, địa phương

Hầu hết các trường hợp lấn chiếm ĐLN của các RĐD phát hiện và báo cáo muộn, khi người dân và các thành phần lấn chiếm đã làm nhà tạm, chòi… canh tác nhiều năm trên diện tích ĐLN này. Việc xử lý khó khăn và kéo dài liên quan đến việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt là các địa phương có người DTTS. Lợi dụng tình hình này, một số trường hợp bị thúc đẩy, kích động còn phá thêm diện tích và tiếp tục làm lán trại trái phép để xác định quyền sở hữu trên đất mới khai phá, thách thức chủ rừng và chính quyền địa phương.

Từ thực tế tại các BQL rừng đặc dụng ở Đắk Đoa, Đức Cơ (Gia Lai) và Buôn Đôn, Krông Năng (Đắk Lắk), các diện tích ĐLN bị lấn chiếm, đối tượng lấn chiếm vẫn đang canh tác, việc thu hồi chắc chắn phải đối mặt với những trở ngại, thách thức lớn từ phản ứng của người lấn chiếm và vấn đề đảm bảo an ninh, ổn định trật tự xã hội ở các vùng DTTS, Tây Nguyên. Các địa phương vấn chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.

Các doanh nghiệp nhà nước (công ty TNHH MTV Lâm nghiệp)

Thực trạng: Kết quả khảo sát và ghi nhận thực tế ở các tỉnh Tây Nguyên, rừng và đất lâm nghiệp do các CTLN quản lý có các trường hợp:

Trường hợp 1: Các công ty còn khả năng QLR, thường là các công ty có khả năng tự thu, chi. Nguồn thu từ khai thác rừng theo chỉ tiêu hoặc theo phương án QLR bền vững, khai thác tác động thấp (trước tháng 7 năm 2016); cộng với nguồn thu từ một số diện tích rừng thuộc diện chi trả dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng… Công tác BVR ở các đơn vị này mặc dù vẫn gặp nhiều thử thách, khó khăn nhưng được chú trọng; tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm có xảy ra, nhưng vẫn kiểm soát được và có hướng giải quyết. Ví dụ: CTLN Đắk Tô, Kon Rẫy (Kon Tum); CTLN Krông Bông, M’Đrăk (Đắk Lắk); CTLN Nam Tây Nguyên, Đắk N’Tao, Quảng Sơn, Đại Thành (Đắk Nông); …

Trường hợp 2: Các CTLN không có nguồn thu, thiếu kinh phí trả lương cho cán bộ, công tác BVR cũng ít được chú trọng, tình trạng rừng bị phá, xâm canh, lấn chiếm xảy ra không thể kiểm soát được. Nhiều công ty bị thu hồi đất trả về địa phương hoặc cho thuê… Theo chủ trương của tỉnh, một số công ty hiện đang phối hợp các DN, tổ chức liên kết đầu tư, dự kiến hình thành công ty TNHH 02 thành viên. Ví dụ: CTLN Ya Lốp, Ea Mơ, Chư Ma Lanh, Krông Pắk (Đắk Lắk). Tuy nhiên, cần chú ý công tác bảo vệ đối với diện tích rừng còn lại, vì đối với công ty liên kết quyền quyết định thuộc về thành viên góp vốn nhiều hơn. Do vậy cũng có nguy cơ rừng sẽ tiếp tục bị chuyển đổi cho các mục đích phát triển các sản phẩm khác mà thành viên góp vốn là các DN quan tâm.

Khó khăn trong giải quyết tình trạng xâm canh, lấn chiếm ĐLN ở các CTLN cũng giống như ở một số BQL RPH kể trên: Do công ty không đủ quyền hạn xử lý vi phạm, thiếu kinh phí và lực lượng BVR. Tình trạng chiếm dụng ĐLN ở rừng sản xuất còn nhiều hơn ở RPH. Việc giải tỏa, thu hồi các diện tích lấn chiếm gặp trở ngại do dân phản ứng, chống đối. Chưa thể kiểm soát và quản lý được các thành phần đầu cơ đất đai, tổ chức sang nhượng mua bán đất, xúi giục người dân địa phương phá rừng, chống đối các đơn vị chức năng thi hành công vụ. Đối với các công ty TNHH 2 thành viên, không loại trừ nguy cơ các DN liên kết thiếu quan tâm đến công tác BVR, tiếp tục chuyển đổi những diện tích rừng tự nhiên còn lại.

Cách giải quyết của đơn vị, địa phương

Đối với trường hợp 1: Một số công ty có cách chia sẻ lợi ích từ các hoạt động lâm nghiệp với dân như liên kết trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ (ví dụ: CTLN Krông Bông, CTLN Đắk Tô). Một số công ty mong muốn được giải quyết thu hồi lại diện tích đất xâm canh, lấn chiếm để trồng rừng. Thường cách giải quyết là cùng phối hợp với chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm… thương thảo với dân (CTLN Đắk N’Tao, CTLN Quảng Sơn) hoặc cưỡng chế thu hồi. Tuy nhiên thương thảo thường kéo dài, cưỡng chế thường gặp phản ứng của dân. Một số trường hợp thu hồi rồi nhưng vẫn xảy ra tái lấn chiếm.

Đối với trường hợp 2: Ngoài việc đơn vị báo cáo với UBND huyện và các ngành chức năng, vẫn chưa có hướng giải quyết. Đối với các công ty TNHH 2 thành viên, cần chú trọng đến việc xây dựng quy định, cam kết thực hiện BVR song song với kinh doanh và PTR ngay từ khi làm thủ tục liên kết.

Rừng và đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Thực trạng: Cùng với chính sách kêu gọi đầu tư phát triển NLN trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn từ 2005 – 2015, hầu hết các tỉnh triển khai nhiều dự án cho thuê đất, thuê rừng với mục đích bảo vệ và PTR. Thực tế, sau khi thuê đất, nhiều dự án chỉ quan tâm đến việc chuyển đổi rừng phát triển dự án, cụ thể như các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk đã thiếu quan tâm đến BVR. Tình trạng phá rừng xâm canh, lấn chiếm xảy ra trong thời gian dự án chờ hoàn tất thủ tục và tiếp tục xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Hầu hết diện tích quy hoạch cho các dự án, từ khi bắt đầu đến lúc triển khai, rừng đã bị khai thác cạn kiệt hết gỗ lớn; tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng của dự án dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, khó thu hồi. Một số DN tự giải quyết bằng cách thương thảo, bồi thường công khai hoang cho các đối tượng lấn chiếm để thu hồi đất được dự án quy hoạch trồng cao su, có địa phương người dân chấp nhận, có một số nơi đã xảy ra tình trạng người dân phản đối tụ tập gây rối (Công ty cổ phần cao su Phước Hòa). Đây cũng là vấn đề khó khăn về quản lý đối với chính quyền địa phương các xã, huyện vùng dự án. Nhiều diện tích đất quy hoạch thuộc dự án đang bị lấn chiếm vẫn chưa thể giải quyết được bởi nhiều lý do, trong đó có sự chưa thống nhất và đồng thuận giữa người dân có rừng với DN liên kết (Công ty TNHH Tân Nam Bảo), một số dự án trồng cao su thất bại, bị phá sản do không quản lý được đất và rừng được giao, cũng như thiếu vốn để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cao su (Công ty Hoàng Nguyễn).

Nguyên nhân: Triển khai cho thuê đất thuê rừng, chưa đánh giá cẩn thận khả năng BVR và năng lực tài chính của chủ dự án. Khi triển khai, trừ một số DN có bố trí lực lượng chuyên trách BVR, còn lại hầu hết các chủ dự án đều không tuân thủ những quy định về BVR. Một số dự án rừng bị chuyển đổi, bị phá, việc trồng cao su không thành công đã tự chuyển đổi trồng các loài cây khác, sang nhượng cho chủ khác,… Tình trạng rừng của các DN thuê để thực hiện các dự án NLN, ngoài những diện tích đất canh tác của người DTTS tại chỗ có chồng lấn trên diện tích dự án, rừng trong trường hợp này bị người dân và người bên ngoài tranh thủ xâm canh, lấn chiếm trong khi các DN chờ hoàn tất thủ tục để đòi đền bù, trao đổi,… xảy ra khá phổ biến ở tất cả các tỉnh. Việc lợi dụng điều kiện thực tế ở từng địa phương, nhiều đối tượng đầu cơ và buôn bán đất đai xúi giục người dân địa phương, đặc biệt là DTTS tại chỗ tiếp tuc lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện, xung đột gay gắt trong sử dụng ĐLN ở nhiều địa phương, đã có những trường hợp xảy ra xô xát, thương vong như ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), Tuy Đức, Đắk Glong (Đắk Nông).

Cách giải quyết của nhiều chủ dự án, địa phương: Trường hợp đất dự án bị lấn chiếm, chủ dự án tự thương lượng và đền bù cho dân để lấy lại đất. Thực tế cũng chỉ có một số ít DN thực hiện, không phải chủ dự án nào cũng có đủ kinh phí để giải quyết, trong khi thực tế việc tác động, lấn chiếm không chỉ là người dân địa phương mà còn liên quan đến nhiều thành phần, đối tượng khác, rất phức tạp. Một số DN có báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương và đoàn liên ngành trong cưỡng chế, giải tỏa; tuy nhiên tình trạng tái lấn chiếm vẫn tiếp tục xảy ra, nhiều nơi khiếu kiện kéo dài, rất khó giải quyết.

Rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý

Theo quy định UBND xã không được cấp quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, nên không có quyền hạn và nhân lực chuyên trách để QLR. Tuy nhiên hiện ở hầu hết 5 tỉnh đều có rừng thuộc trường hợp này.

Thực tế, nhiều địa phương vẫn còn giữ được một số diện tích do khu vực rừng giao về địa phương ở xa, địa hình trắc trở, hoặc manh mún, nên vẫn còn do khó tiếp cận (rừng giao cho xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai; hay xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk); những khu rừng gắn với văn hóa, tâm linh… Còn hầu hết đất lâm nghiệp giao về cho xã quản lý đều không còn rừng. Diện tích rừng và ĐLN này ở nhiều địa phương quản lý, được xem như là quỹ đất để quy hoạch mở rộng khu dân cư hoặc diện tích đất canh tác trong kế hoạch sử dụng đất của xã. Tuy nhiên, vấn đề dân di cư tự do (DCTD) và sang nhượng đất trái phép chưa kiểm soát được, các vi phạm về xâm canh, lấn chiếm đất trái phép chưa thể xử lý được.

Rừng và đất lâm nghiệp giao cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân

Rừng giao cho các chủ thể quản lý là cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý, hầu như tất cả đều có tác động, lấn chiếm. Tuy nhiên, đối với các trường hợp có dự án hỗ trợ nghiên cứu, tiếp cận trước khi giao rừng có sự tham gia, cũng như hỗ trợ cộng đồng lập kế hoạch QLR, có hưởng lợi từ khai thác gỗ thương mại và đánh giá sau khai thác… BQL rừng cộng đồng còn duy trì công tác BVR, thì tình trạng phá rừng, lấn chiếm được kiểm soát và ngăn chặn, như rừng cộng đồng bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; rừng cộng đồng buôn Tul, xã Yang Mao, huyện Krông Bông và buôn Ta Ly, xã Ea sol, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk; rừng cộng đồng thôn Vi ChRing, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Còn lại đa số những diện tích rừng giao cho hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng khác, tình trạng lấn chiếm rừng diễn ra phổ biến. Công tác BVR không còn được duy trì do chưa có hưởng lợi từ rừng, thiếu hỗ trợ người dân, cộng đồng về tất cả các hoạt động BVR, PTR sau khi nhận rừng. Các hộ dân tự ý chuyển đổi đất rừng để trồng cây nông nghiệp và công nghiệp, người dân trong thôn, buôn phá rừng cộng đồng để lấy đất canh tác, tình trạng này xảy ra ngay cả với cộng đồng có liên kết với DN trong PTR, như rừng cộng đồng Buôn Điết, xã Ea sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Như vậy, có thể thấy, đối với các chủ thể quản lý thuộc nhóm đối tượng này, cách tiếp cận khi giao rừng và những hỗ trợ cho dân sau giao rừng, cùng với việc người dân được hưởng lợi thực sự từ rừng và ĐLN được giao, cho có liên quan đến hiệu quả BVR, hạn chế được những mâu thuẫn trong sử dụng ĐLN.

c. Thách thức trong giải quyết mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên

Mặc dù đã có hệ thống pháp lý với những quy định liên quan giúp xác định, giải quyết vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp đất đai; Luật Lâm nghiệp mới cùng giúp tháo gỡ các mâu thuẫn trong sử dụng ĐLN ở nhiều chủ thể, địa phương; tuy vậy, để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng ĐLN tại Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đó là:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước lâm nghiệp các cấp: Thiếu sự thống nhất và phân công trách nhiệm cụ thể trong quản lý nhà nước về ĐLN: Chưa có sự thống nhất giữa ngành NN&PTNT, TNMT về quản lý ĐLN. Trên thực tế, chức năng của Kiểm lâm là quản lý tài nguyên rừng, dựa vào Luật BV&PTR (đến 2017), xử lý vi phạm liên quan đến TNR, dựa vào NĐ 157/2013; không có thẩm quyền giải quyết những sai phạm trong sử dụng ĐLN. Bộ phận thanh tra, quản lý đất đai (cơ quan TNMT) quản lý ĐLN phụ thuộc vào Luật đất đai, xử lý vi phạm về đất đai dựa vào NĐ 102/2014. Trước những vụ việc vi phạm liên quan đến lấn chiếm ĐLN, việc chỉ đạo được triển khai, có tiến hành điều tra đo đếm trên thực địa, lập hồ sơ… đối với từng trường hợp, nhưng cuối cùng hồ sơ vẫn nằm ở hạt kiểm lâm huyện, trong khi đó tình trạng vi phạm lấn chiếm và sang nhượng ĐLN vẫn tiếp tục diễn ra. Một số địa phương khác, đồng thời với chủ trương là việc quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành (theo chỉ thị 12/2003/CT-TTg) với sự tham gia của nhiều bên liên quan, tổ chức kiểm tra, vận động, trấn áp và xử lý, thu hồi. Cưỡng chế thu hồi ĐLN đã có nhiều trường hợp gặp phải sự chống đối của người dân nên không thể thực hiện được, hoặc thu hồi được nhưng sau đó vẫn bị tái lấn chiếm. Một số địa phương phải duy trì hoạt động thường xuyên của đoàn liên ngành mới hạn chế được tình trạng phá rừng, xâm canh lấn chiếm đất rừng.

Vì mục tiêu đất canh tác nên nhiều đối tượng, trong đó có người dân tại địa phương phá rừng và lấn chiếm ĐLN trái phép, việc ngăn chặn tốn kém nhiều thời gian, công sức,… Về nhân sự, đã có nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật, cách chức, điều này ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ làm nhiệm vụ BVR, tuy nhiên nhiều nơi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp diễn. Vấn đề đáng nói ở đây là trước từng sự vụ vi phạm, không thể giải quyết dứt điểm, mâu thuẫn kéo dài càng khó giải quyết.Việc thực thi pháp luật về đất đai đối với người dân địa phương còn yếu kém, gây sức ép về vấn đề xã hội, dân tộc, an ninh trât tự đối với chính quyền địa phương các cấp. Việc phân công, phân trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và ĐLN chưa rõ ràng; việc xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ rừng còn nhiều bất cập, thiếu kiên quyết.

Thiếu chế tài xử lý và giải quyết triệt để đối với tình trạng dân di cư tự do (DCTD) và tình trạng mua bán, sang nhượng ĐLN trái phép. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong điều tra, xử lý các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ như: mua bán, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp… thiếu chặt chẽ, chưa nghiêm và chưa kịp thời dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm…. Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và PTR.

Đối với chủ rừng đặc dụng: Chưa có cơ chế chia sẻ lợi ích giữa rừng đặc dụng với cộng đồng DTTS tại chỗ sinh sống trong và giáp rừng bảo tồn, vì vậy vẫn xảy ra xung đột, lấn chiếm, khai thác trái phép.

Đối với chủ rừng phòng hộ: Với cơ chế ít nghiêm ngặt hơn RĐD, đồng thời đất RPH nhiều nơi chồng lấn với đất đai canh tác truyền thống lâu dài, khó tách bạch do đó xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp khó giải quyết.

Đối với chủ rừng sản xuất (Công ty lâm nghiệp quốc doanh, DN tư nhân):Việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp trong vùng còn chậm, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi GCNQSD đất, phê duyệt phương án sử dụng đất. Diện tích rừng do các công ty bị giải thể quản lý, hiện địa phương chưa xác định được phương án giao quản lý, bảo vệ phù hợp do không tìm được chủ để giao. Giá trị của nguồn tài nguyên rừng ở tất cả các chủ thể quản lý chưa được định giá, báo cáo biến động dựa vào từng vụ việc xảy ra, chưa hệ thống và minh bạch làm cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm về lấn chiếm và sử dụng ĐLN trái phép. Hướng liên kết thành công ty TNHH 2 thành viên cũng là nguy cơ để các diện tích rừng hiện còn sẽ tiếp tục bị chuyển đổi vì mục đích và kỳ vọng của phía DN góp vốn. Chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ vừa là cơ hội cho nhiều đơn vị chủ rừng, nhưng cũng là một thách thức cho các chủ rừng sản xuất, vì thiếu nguồn thu phục vụ trở lại cho BVR và PTR; đặc biệt là các CTLN đã được cấp chứng chỉ rừng.

Đối với QLR là UBND xã: UBND xã không có chức năng QLR, thiếu hoặc không có lực lượng BVR; rừng giao về cho nhiều địa phương chưa xác định ranh giới, diện tích cụ thể, nên khó khăn trong BVR và ngăn chặn xâm canh, lấn chiếm trái phép. Một số nơi do có chi trả dịch vụ môi trường rừng, UBND xã muốn giữ lại những diện tích rừng này để có kinh phí.

Đối với cộng đồng, hộ gia đình nhận rừng:Rừng giao cho hộ, cộng đồng đa phần là đã nghèo kiệt do qua khai thác, vì vậy nguồn lợi từ rừng tự nhiên là rất thấp; mặc khác, hiện vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ cho dân khi nhận các khu rừng nghèo kiệt để BVR và PTR (Bảo Huy, 2018). Do vậy, rừng của các hộ gia đình, cộng đồng ở nhiều nơi không được quan tâm bảo vệ. Tình trạng phá rừng, xâm canh lấn chiếm ĐLN xảy ra, trong đó người dân của chính các cộng đồng cũng vi phạm.

4. Khuyến nghị

Trước mắt: Thực thi, áp dụng luật pháp hiện hành để ngăn chặn và xử lý xâm canh đất lâm nghiệp trái phép, giải quyết trước các trường hợp chiếm dụng ĐLN; chú trọng giải quyết và kiểm soát tình trạng dân DCTD và tình trạng mua, sang nhượng đất đai trái phép ở địa phương; đặc biệt là trong vùng canh tác của đồng bào DTTS tại chỗ; rà soát và công nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân của cộng đồng ở nơi họ đã sinh sống và canh tác cố định lâu đời; giám sát và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, mở rộng thêm diện tích.

Về lâu dài: Cần thiết có những chương trình khảo sát, đánh giá đầy đủ, cụ thể về thực trạng mâu thuẫn, vấn đề “thiếu đất canh tác” của người DTTS tại chỗ,… ở mỗi địa phương; quy hoạch đất canh tác ổn định cho người DTTS tại chỗ. Cần chú ý đặc thù của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên trong triển khai chính sách về đất đai, tránh áp lực từ bên ngoài, cũng như tác động lớn của thị trường, giúp dân phát triển bền vững; rà soát khoán BVR và khuyến khích phát triển nông lâm kết hợp, hưởng lợi theo quy định đối với ĐLN bi lấn chiếm ở RSX và những diện tích RPH ít xung yếu. Khoán trồng RPH và hưởng lợi theo chi trả dịch vụ môi trường rừng ở những nơi xung yếu; góp ý và đề xuất điều chỉnh chính sách, chế tài, cơ chế phù hợp, nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề chồng lấn, tranh chấp về quyền sử dụng ĐLN ở Tây Nguyên.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo Huy (2018). Giao rừng gắn với giao đất cho hộ gia đình, cộng đồng ở Tây Nguyên. Bài trình bày hội thảo, do Tropenbos, PanNature, CIRD, FORLAND và Hội KHKT Lâm nghiệp đồng tổ chức, Đắk Lắk.

2. Bảo Huy (2013). Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020. Chi cục Kiểm Lâm, UBND tỉnh Đắk Lắk.

3. KBTTN Ea Sô (Tháng 5/2018). Phương án xử lý vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, thu hồi, di dời, giải tỏa và phục hồi lại rừng. Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk.

4. KBTTN Ea Sô (Tháng 4/2018). Báo cáo về việc kiểm kê, điều tra xác minh diện tích bị các hộ dân xâm chiếm đất rừng trái phép tại tiểu khu 632- thuộc KBTTN Ea Sô. Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk.

5. Cao Thị Lý (2018). Chồng lấn và tranh chấp đất đai trong rừng đặc dụng ở Đắk Lắk. Bài trình bày hội thảo do PanNature và VQG Chư Yang Sin tổ chức, Đắk Lắk.

6. Cao Thị Lý, Võ Hùng, Nguyễn Công Tài Anh, Phạm Đoàn Phú Quốc, Hoàng Trọng Khánh, Hồ Đình Bảo (2017). Nghiên cứu xung đột trong sử dụng đất lâm nghiệp giữa các chủ thể vùng Tây Nguyên. Nghiên cứu trường hợp, do Tropenbos tài trợ, Đắk Lắk.

7. Cao Thị Lý, Võ Hùng, Nguyễn Công Tài Anh, Phạm Đoàn Phú Quốc, Hồ Đình Bảo (2017), Hiện trạng chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su tại tỉnh Đắk Lắk. Chuyên đề thuộc đề tài khoa học công nghệ, tỉnh Đắk Lắk.


Cao Thị Lý – Võ Hùng – Nguyễn Công Tài Anh – Hoàng Trọng Khánh
(Trường Đại học Tây Nguyên)
Lê Văn Lân (Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (TROPENBOS))