BVR&MT – Các khu rừng Sumatra là nơi sinh sống của một số loài thực vật quý hiếm nhất thế giới và là một trong số không nhiều các cảnh quan có cả voi, hổ và đười ươi.
Với diện tích 470.000 km2, Sumatra là hòn đảo lớn thứ sáu trên thế giới có tới 580 loài chim, 201 loài động vật có vú và hơn 15.000 loài thực vật.
Tuy nhiên, mất rừng do trồng cây công nghiệp, các dự án phát triển và cháy rừng đã làm gia tăng xung đột giữa người và voi dẫn đến cái chết của khoảng 35 con voi trong khoảng thời gian 2012 – 2015.
Hiện tại còn không đầy 1.700 cá thể voi Sumatra (maximus sumatranus) còn lại trong tự nhiên.
Gần đây, WWF chú ý đến tình trạng nguy cấp của tám khu vực của voi Sumatra có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này sau khi những thay đổi trong tự nhiên làm gia tăng xung đột với con người.
“Một số khu vực có voi bị chuyển đổi thành nơi trồng dầu cọ và rừng công nghiệp, do đó gây ra xung đột lớn hơn với con người”, Syamsidar, phát ngôn viên Chương trình Riau của WWF cho biết.
Năm nay, một số vụ xung đột giữa voi Sumatra và con người đã xảy ra ở các khu vực khác thuộc tỉnh Aceh và Riau.
Tháng 6/2019, một đàn voi 12 con chạy điên cuồng qua các làng Blang Lango và Tuwi Meuleusong ở tiểu khu Seunagan Timur, huyện Nagan Raya, tỉnh Aceh, phía bắc đảo Sumatra.
Văn phòng Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Aceh (BKSDA) cho biết vào tháng 6, một nhóm cứu hộ đã giải cứu một cá thể voi con nhiễm trùng do bị thương và đang mắc kẹt trong khu vực rừng ở làng Batu Sumbang, tiểu khu Simpang Jernih, huyện Đông Aceh.
Voi hoang dã không chỉ tàn phá đất nông nghiệp của nông dân địa phương mà còn tấn công một con voi đã được huấn luyện có tên Ida vào ngày 11/2/ 2019. Kết quả là chân của con voi 40 tuổi bị thương.
Nhật Anh (Theo Antara News)