Kiến nghị chỉnh sửa Nghị định cho rõ ràng hơn?

BVR&MT –  Ở các kỳ báo trước trong loạt bài: Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đã phản ánh về việc những công trình thủy điện vừa xây vừa lo thủ tục, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và nhận thâý một số điểm chưa thống nhất giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn thủ tục lập ĐTM đối với các dự án thủy điện, khiến cơ quan quản lý địa phương gặp nhiều lúng túng.

Dù Bộ TN&NT đã có Văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những cơ quan quản lý ở địa phương vẫn đang rất lúng túng khi thực hiện theo các nghị định.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã trao đổi với lãnh đạo Cục thẩm định và Đánh giá Tác động Môi trường (TĐ&ĐTM) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về những nội dung liên quan.

Sẽ chỉnh sửa Nghị định cho rõ ràng hơn?

Liên quan đến nôi dung trong bài báo “Bất nhất thẩm quyền phê duyệt ĐTM đối với dự án thủy điện?”. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hải, Trưởng phòng ĐTM (TĐ&ĐTM thuộc Bộ TN&MT) – cho biết: “Nghị định 18/2015 cho thấy các dự án thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác nước thì thủy điện thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, vì vậy địa phương vẫn làm theo cái đó, có thể một số địa phương không để ý dẫn đến nhầm lẫn”.

“Trong Nghị định có rất nhiều quy định, nếu để lọt một cái đã có chuyện để nói rồi. Có thể họ nhầm lẫn, sắp tới sẽ sửa, vì có nhiều người đọc lướt qua nên không hiểu rõ, ý của văn bản là không như vậy. Trong quy định thực hiện ĐTM có 113 mục, cần đọc rất kỹ, đọc xem nó chạm vào cái gì, thủy điện thường có 5 – 7 mục”- ông Hải khẳng định.

Phần đê quai của Dự án Thủy điện Sông Lô 2 chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thanh Bình đã xây dựng.

Khi phóng viên nêu vấn đề mà tỉnh Lào Cai hiện nay đang hướng dẫn các chủ đầu tư thủy điện gửi tất cả các Dự án thủy điện trên 2MW về Bộ TN&MT để thẩm định và phê duyệt ĐTM. Vị Trưởng phòng ĐTM cho biết: “Nếu Lào Cai gửi về Bộ, bên Bộ xem mà hồ sơ không phải thẩm quyền của Bộ phê duyệt thì sẽ gửi lại tỉnh”.

Ông Hải cho biết thêm: “Theo chỉ đạo của cấp cao hơn, sắp tới sẽ sửa Nghị định cho rõ ràng hơn, hiện sắp xin ý kiến trên trang thông tin điện tử của Bộ. Chúng tôi đã họp nhiều lần xin ý kiến các bên liên quan. Thật ra tỉnh cũng không cố ý nhầm lẫn, giờ phải sửa cùng với nhiều Nghị định khác nữa. Chúng tôi đề đạt và tham mưu sẽ sửa một số Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có Nghị định 18/2015, Thứ trưởng đang chỉ đạo, nhưng có được hoàn thiện hay không phải qua rất nhiều cấp”.

Phóng viên tiếp tục trao đổi về việc văn bản số 5657/BTNMT-TCMT ra đến nay đã hơn 07 tháng, và Bộ cũng đã biết có một số điểm chưa được rõ ràng, vậy đâu là điểm chưa rõ ràng, Bộ đã có văn bản nào chỉnh sửa hay chưa? Về nội dung này ông Hải cho biết: “Cũng trình nhiều phương án, nhưng bản chất là giải thích cho rõ văn bản, cái này có từ lâu, cần nói với nhau cho rõ ràng hơn, phải qua nhiều cấp, phân tích với nhau cho hiểu, Thứ trưởng có yêu cầu giải thích cho rõ ràng hơn, còn Bộ có giải trình hay không tôi không rõ”.

Cũng theo thông tin của Cục TĐ&ĐTM, thì từ sau Nghị định 18/2015 có hiệu lực từ 01/4/2015 thì thủy điện nhỏ mới gửi ĐTM lên Bộ phê duyệt và từ đó đến nay có khoảng 20 thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của Bộ, còn hiện nay trên cả nước có hàng trăm thủy điện nhỏ đang xây dựng chủ yếu đã được phê duyệt ĐTM ở cấp tỉnh.

Nguồn tin riêng của phóng viên, ngày 28/7 tỉnh Cao Bằng sẽ họp bàn về phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến những Dự án thủy điện mà Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường phản ánh trong loạt bài Mảng tối của những “Công trình ánh sáng” hồi tháng 5/2017.

 

Hòa Bình chỉ đạo kiểm tra, làm rõ Dự án Thủy điện Suối Mu

Cũng liên quan đến sự lúng túng của địa phương trong việc thực hiện ĐTM các dự án thủy điện, trao đổi riêng về nội dung thủy điện Suối Mu có công suất 9MW có phải thực hiện ĐTM hay không? Ông Hải nói: “Có hai cái thuộc thẩm quyền của bộ, thứ nhất phải là đối tượng phải thực hiện ĐTM, hai là từ 2 MW trở lên, tuy nhiên từ 2 – 10MW vẫn có ý là thuộc đối tượng thực hiện ĐTM và một số quy định nữa, có thể thủy điện Suối Mu không phải thực hiện ĐTM, cơ quan có nhận được văn bản mà tỉnh Hòa Bình giải thích, không biết đúng với sự thực không?”.

Thủy điện Suối Mu (xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) sau 08 tháng thi công mới được xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, Dự án Thủy điện Suối Mu sau 08 tháng thi công mới được Sở TN&MT xác nhận giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Khi được hỏi việc này cần xử lý như thế nào?. “Câu hỏi này với tôi thì khó, tất cả các thứ tôi chỉ dám tư vấn, quyết định thế nào là Thứ trưởng, theo tôi nên đề nghị tỉnh kiểm tra xử lý, giờ đã cấp giấy rồi thì phải hỏi cấp cao hơn, giờ biết sai rồi nhưng Sở TNMT cũng đã cấp rồi”.

“Nếu không đi kiểm tra thì không biết họ làm như nào, vì khi nộp hồ sơ họ không công khai, nên mình không biết, đến khi kiểm tra mới biết, đó cũng thuộc trách nhiệm của địa phương nữa. Quan điểm của mình thì nhắc nhở phạt theo Quy định 155 về xử phạt vi phạm hành chính rồi mới cho tiếp tục thực hiện ĐTM rồi xây dựng, tỉnh cũng nên có nhắc nhở với doanh nghiệp ở địa phương mình” – ông Hải nêu quan điểm của mình.

Được biết, sau khi báo chí phản ánh bên Cục TĐ&ĐTM cũng đã nắm được thông tin nhưng không đi kiểm tra được mà nhiệm vụ này thuộc Thanh tra bộ. “Thủy điện Suối Mu bên Cục TĐ&ĐTM cũng chưa đi kiểm tra, vì còn rất nhiều cấp ở trên bộ, việc kiểm tra không đơn giản vì phải có thẩm quyền, ở Bộ có đơn vị thanh tra làm chức năng đó. Đúng ra cấp tỉnh đi kiểm tra, nếu có vi phạm yêu cầu dừng thi công, sau đó khi nào bổ sung đầy đủ thủ tục rồi mới được phép xây dựng”- Lãnh đạo TĐ&ĐTM nói.

Ở một diễn biến khác, nguồn tin của Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường cho biết, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh về việc Dự án Thủy điện Suối Mu (xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Tỉnh này đã giao cho Sở TN&MT kiểm tra, đúng sai đến đâu xử lý đến đó. Sở TN&MT Hòa Bình đã đưa Dự án Thủy điện Suối Mu vào danh mục kiểm tra định kì. Tỉnh Hòa Bình cũng có văn bản gửi Bộ hỏi rõ ràng về việc Dự án Thủy điện Suối Mu có phải thực hiện ĐTM hay không và trong tháng 08/2017 tỉnh họp bàn về những nội dung liên quan, đồng thời đưa ra phương án xử lý.

Về việc Dự án Thủy điện Sông Lô 2 do vi phạm khi một số hạng mục chưa có ĐTM đã xây dựng, ông Phạm Anh Dũng, Cục phó TĐ&ĐTM (Bộ TN&MT)- cho biết: “Chúng tôi đã đi kiểm tra, Công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang, trong biên bản đã yêu cầu tạm dừng thi công xây dựng và đề nghị tỉnh xử phạt hành chính”. Bộ TN&MT đã ra công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị tạm dừng thi công xây dựng Dự án này, đồng thời khắc phục những thiếu sót, bổ sung thủ tục liên quan mới xem xét cho xây dựng tiếp. Sau khi nhận công văn từ Bộ, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý trong tháng 07/2017.

 Văn Hoàng