Mai Sơn – Sơn La: Kinh tế đi lên từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

BVR&MT – Việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát huy lợi thế vùng miền đã đưa kinh tế huyện Mai Sơn ngày một khởi sắc.

Xem thêm:

Sắp diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc

Trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn huyện Mai Sơn đã có thêm 9 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện 108 HTX. Trong đó, 88 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tín dụng.

So với cuối năm 2015 tăng 77 HTX, so với năm 2018 tăng 14 HTX. Tổng vốn điều lệ bình quân của các HTX là 2,5-2,7 tỷ đồng. Các HTX hoạt động tuân thủ theo quy định tại Luật HTX năm 2012, tạo việc làm cho trên 1.500 lao động nông thôn. Các HTX lĩnh vực nông nghiệp cơ bản hiệu quả, giá trị trên 1 ha đất canh tác thu được khoảng 300-350 triệu đồng/năm. Điển hình như: HTX nông nghiệp Bảo Khánh, HTX Đoàn Kết Chiềng Mung, HTX Ngọc Lan, HTX Cam Nà Sản, HTX Mé Lếch Cò Nòi, HTX Thanh Sơn Cò Nòi… góp phần không nhỏ cho tăng tổng giá trị kinh tế hàng năm của huyện.

PV phỏng vấn ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn.

Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Cầm Văn Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Mai Sơn có diện tích tự nhiên 142.670 ha với 6,4 km đường biên giới giáp huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của Lào. Dân số của huyện có trên 160 nghìn người, với 6 dân tộc chủ yếu: Kinh, Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Sinh Mun cùng sinh sống. Huyện có 22 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã vùng III và 144 bản đặc biệt khó khăn.

Năm 2015 huyện Mai Sơn mới chỉ có 2.500 ha cây ăn quả. Sau 3 năm triển khai chuyển đổi đến nay, toàn huyện đã có 7.600 ha cây ăn quả các loại, nhiều nhất là nhãn, xoài, sau đó phát triển thêm cây chanh leo, cây na, thanh long ruột đỏ và cây ăn quả có múi. Từ năm 2016, huyện Mai Sơn thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang những cây trồng cho giá trị kinh tế cao.

Tính đến hết ngày 31/7/2019, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 7.634 ha, tăng 6.213 ha so với năm 2015. Gồm các loại cây chủ lực: 2.512 ha xoài; 2.237 ha trồng nhãn, 439 ha trồng cây có múi; 476 ha trồng mận; 269 ha trồng chanh leo; 945 ha trồng sơn tra; 138 ha trồng na dai.

Xây dựng thương hiệu từ sản phẩm cây ăn quả bước đầu đã khẳng định được lợi thế của huyện Mai Sơn. Từ cao nguyên đến đồi dốc, đồi đá, ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn làm tăng độ che phủ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường.

Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân vươn lên làm giàu. Có thu nhập khá, người dân hồ hởi đóng góp tài chính và công sức xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có những bước chuyển biến rõ rệt, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư đồng bộ, có hiệu quả.

Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tính đến 31/7/2019, đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới: xã Chiềng Ban, xã Mường Chanh, xã Hát Lót, xã Cò Nòi. Cùng với đó là 2 xã đạt 16 tiêu chí, 5 xã đạt 10-13 tiêu chí. Bình quân hiện các xã trong toàn huyện đạt 11,38 tiêu chí/xã.

Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn  La từ năm 2015 trở về trước, người dân phần lớn sử dụng đất canh tác nông nghiệp ở chủ yếu trồng ngô và sắn, cho thu nhập chỉ 15-20 triệu đồng/sào năm.

Giàu lên nhờ chính sách tái cơ cấu cây trồng

Đến xã Cò Nòi, thời điểm này những vườn na đã bắt đầu cho thu hoạch, ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch cho biết, HTX Mé Lếch hiện có 20 thành viên, canh tác trồng na trên diện tích đất 50 ha. HTX đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với thương lái. HTX đăng ký tem nhãn sản phẩm chung, kiểm soát quy trình sản xuất và cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ dán lên từng quả na.

Người dân xã Cò Nòi chăm sóc cây na
Người dân xã Cò Nòi chăm sóc cây na.

Theo ông Tứ, chứng nhận và tem nên giá na xuất bán cao hơn so với sản phẩm không tem nhãn. Thời điểm này, HTX xuất bán na với giá 50 nghìn đồng/kg tại vườn. Mỗi ha trồng 860-900 cây na. Những giống na mới đem về, trồng chỉ 3 năm là đã cho thu hoạch, một đời cây na thu hoạch đến 20 năm tuổi. Bình quân 1 ha trồng na cho thu hoạch 14 -20 tấn quả, đạt doanh thu 700-900 triệu đồng, lợi nhuận 400-500 triệu đồng.

Ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi cho hay, Cò Nòi có lợi thế địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lớn, quy mô tập trung. Trong những năm qua, xã Cò Nòi tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, khuyến khích thành lập các HTX, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm…

Cò Nòi hiện có 16 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn xã Cò Nòi đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, với trên 1.110 ha cây ăn quả, 2.445 ha cây mía, 23 ha cây chanh leo, hơn 20 ha dâu tây. Đàn gia súc, gia cầm tăng lên, đàn trâu có 1.956 con, đàn bò 2.150 con, đàn dê 2.266 con, đàn lợn 14.000 con, gần 2.000 đàn ong và gần 125.000 con gia cầm. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến hết  nay, chỉ còn hơn 4% hộ nghèo, 1,3% hộ cận nghèo.

Nhờ những giải pháp phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong phát triển kinh tế, diện mạo Cò Nòi hôm nay thay đổi nhanh chóng, cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, tạo động lực quan trọng để xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019.

HTX 8X với cây nhãn

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, huyện Mai Sơn sẽ bước vào vụ thu hoạch nhãn chính vụ. Đến với mô hình trồng nhãn tiêu biểu của HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất, ông Đoàn Thanh Thuận, Giám đốc HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất cho biết: “Các thành viên HTX đều là thế hệ 8X, cùng sở thích đam mê trồng cây ăn quả. Trước khi thành lập HTX, các thành viên cũng như hầu hết nông dân ở đây chỉ trồng ngô, sắn, thu nhập rất thấp. HTX ra đời, định hướng liên kết nông dân chuyển đổi đất canh tác sang trồng cây ăn quả”.

HTX Thống Nhất thành lập năm 2017, với 12 thành viên, có trên 30 ha đất trồng các loại cây ăn quả, như: nhãn, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài Đài Loan (Trung Quốc), xoài Thái…

Trong đó 6,3 ha/10 ha nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX đang tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản liên kết với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để xuất khẩu. Hiện một số thương lái trong nước và Trung Quốc đã trực tiếp đến khảo sát, thương lượng giá bán tại vườn từ 25.000 – 28.000 đồng/kg.

“Năm 2018, HTX đã xuất ra thị trường hơn 100 tấn nhãn, 50 tấn xoài, 25 tấn bưởi bình quân mỗi thành viên trong HTX thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”, ông Thuận chia sẻ.

Một thành viên của HTX 8X Thống Nhất cho hay, gia đình anh có 02 ha nhãn, 01 ha trồng bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh. Từ khi vào HTX, được hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng thu hoạch tăng cao hơn, chất lượng quả tốt hơn, đẹp mã hơn, ngon hơn, nên giá bán cao hơn. Toàn bộ sản phẩm được HTX lo toàn bộ khâu tiêu thụ. Các năm trước, với 2 ha nhãn thu hoạch 30 tấn, từ khi sản xuất theo VietGAP, năm nào cũng ra quả đều, quả to, cùi mọng, sản lượng đạt trên 50 tấn.

Hiện những chùm nhãn chín sớm trong vườn đã bắt đầu thu hoạch. Năm nay bà con vui mừng vì giá nhãn đầu vụ rất cao, mong muốn khi vào thu hoạch rộ sẽ vẫn giữ giá được giá cao như vậy. Nhờ đầu tư chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng nhãn nói riêng, cây ăn quả nói chung, thu nhập tăng lên gấp hàng chục lần.

Từ đó, người dân có tiền xây dựng nhà cửa khang trang, đóng góp tiền mua vật liệu xây dựng đường xá, các công trình hạ tầng thực hiện xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân phát triển văn minh.

Văn Trì – Hà Linh