BVR&MT – Trong nhịp sống hiện đại, đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang vẫn còn lưu giữ được văn hóa dân tộc, phong tục tập quán luôn “hòa nhập nhưng không hòa tan”, nổi bật là việc giữ gìn, phát huy nét đẹp trong bộ trang phục truyền thống.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cư trú. Trong đó, dân tộc Tày có dân số chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh, đông thứ 2 sau dân tộc Kinh. Người Tày ở Tuyên Quang sinh sống ở tất cả các địa phương trong tỉnh, các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình là địa phương có đông cộng đồng người Tày sinh sống nhất. Ngoài ra còn có một bộ phận là người Tày ở tỉnh khác di cư đến. Dù là người bản địa hay người từ nơi khác chuyển đến thì bộ trang phục của họ vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống của đồng bào Tày.
Trang phục của người Tày có vẻ đẹp từ sự giản đơn, không cầu kỳ tạo sự nền nã, duyên dáng cho người mặc. Trang phục thường chỉ có một màu xanh chàm hoặc đen, không hoa văn sặc sỡ. Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên là cây chàm, một loại cây trồng khá phổ biến đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và đây cũng chính là loại nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên những bộ quần áo theo truyền thống của người Tày.
Cây chàm sau khi lấy về sẽ được bà con ngâm nát nhừ với nước và tinh lọc giữ lại phần bột chàm. Phần bột chàm sẽ được hòa với nước theo tỷ lệ riêng của mỗi người nhuộm. Tất cả từ quần, áo, váy, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm thơm nồng. Qua bàn tay khéo léo của các phụ nữ Tày, những tấm vải được nhuộm và cắt may thành những bộ trang phục vừa vặn với người mặc.
Trang phục nam giới người Tày gồm áo cánh 4 thân được may theo kiểu xẻ ngực, cổ tròn đứng; áo không có cầu vai, được xẻ tà hai bên hông. Áo của thanh niên có túi ở trên ngực trái; áo may cho người trung niên thì túi ở hai bên tà áo; áo có hàng cúc vải ở phía trước. Màu sắc chủ đạo của áo nam là màu chàm, khi đi dự hội, nam giới mặc áo dài 5 thân, buông tới đầu gối, có năm cúc cài bên hông, được làm bằng lụa tơ tằm. Quần được may bằng vải bông theo kiểu chân què, đũng rộng, ống quần vừa phải, kéo đến mắt cá chân. Phần cạp được may rộng hơn, khi mặc thường vấn cạp về đằng trước và dùng dây vải buộc.
Trang phục nữ Tày cũng giản tiện, không cầu kỳ so với một số dân tộc khác như Mông, Dao. Phụ nữ Tày mặc áo cánh ngắn với váy, may theo kiểu áo xẻ ngực, cổ tròn, chiết eo có hai túi nhỏ ở hai vạt trước. Những người trẻ tuổi thường mặc váy dài gần mắt cá chân, người già mặc váy lửng đến đầu gối. Váy gồm có 3 phần: cạp, thân, gấu. Phần cạp rộng khoảng 3cm, làm bằng các loại vải khác nhau, thường là vải hoa, may theo hình thức luồn chun hoặc dây rút. Áo dài may theo kiểu 5 thân, cài cúc ở nách, tà dài đến lưng, bắp chân có chiết eo gần giống áo dài của người kinh; quần ống rộng, dài đến mắt cá chân. Khi mặc áo dài, phụ nữ Tày dùng thắt lưng băng lụa tơ tằm quấn quanh eo, buộc và thả ra sau lưng thành dải dài đến kheo chân, các cô gái trẻ thường cuốn thắt lưng màu xanh, đỏ; người lớn tuổi dùng màu chàm, đen.
Đồ trang sức và phụ kiện đi kèm cũng là điểm nhấn quan trọng trong trang phục truyền thống của người Tày. Đầu tiền là dải thắt lưng, trong tiếng Tày “dải thắt lưng” được gọi là “thai lặng”. Dải thắt lưng được làm từ vải màu chàm hoặc màu đen. Theo truyền thống người Tày, dải thắt lưng có khổ 30 cm chiều dài khoảng 2 m, cách buộc cũng cần phải khéo léo để tạo được điểm nhấn và tinh tế. Khi mặc váy áo xong, người ta mới quấn dây thắt lưng nhiều vòng quanh eo, sau đó buộc vắt ra phía sau. Buộc sao cho lộ rõ một dây cao, một dây thấp tạo sự hài hòa cho trang phục. Ngày nay, phụ nữ Tày thường cách điệu dải lưng bằng nhiều màu sắc. Mỗi màu lại có tượng trưng riêng, dây màu hồng hoặc đỏ thường dành cho các cô gái trẻ chưa chồng; dây lưng xanh, đen là phụ nữ đã có chồng.
Trang sức của các chị em thường có đeo bông tai nhẹ nhàng và chiếc vòng cổ bằng bạc hình tròn. Đặc biêt, chiếc vòng cổ của phụ nữ Tày được làm rộng hơn vòng cổ của một số dân tộc khác. Bên hông đeo bộ xà tích cũng bằng bạc trắng ngà và dắt vào dải thắt lưng trước bụng một chiếc khăn tay nhỏ gấp vuông vắn phẳng phiu để lộ ra bên ngoài.
Theo truyền thống, người phụ nữ Tày khi cưới hay về ở nhà chồng, họ tự mình trồng bông, chuẩn bị khăn áo và cả chăn bông vỏ bằng thổ cẩm nặng từ 3 – 5 kg, làm giày vải biếu cho cả bố mẹ, anh em bên nhà chồng. Các cô gái mới lớn đến tuổi cập kê cũng tự mình tập làm vải và học khâu may trang phục cho mình, làm giày thật đẹp tặng người yêu. Theo tục lệ lâu đời, khi đi làm dâu, mặc quần áo, thắt lưng mới…, những sản phẩm ấy đều phải do người con gái làm ra, không được phép đi vay mượn, hoặc thuê vì người Tày cho rằng việc đó làm xấu hổ cha mẹ, họ hàng.
Ngày nay, với đa dạng chất liệu dệt, bộ trang phục dân tộc Tày cũng được sáng tạo, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc và cấu trúc bộ trang phục. Trong xu thế có quá nhiều sự lựa chọn trang phục, thời trang như hiện nay nhưng đa phần phụ nữ Tày ở Tuyên Quang vẫn lưu giữ trang phục truyền thống, luôn trang bị cho mình ít nhất một bộ để mặc trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng.
Có thể nói trang phục truyền thống của dân tộc Tày không chỉ là sản phẩm vật chất của con người mà trong đó còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Tày cũng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói chung của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Hoàng Tôn