Lục Ngạn – Bắc Giang: 33 thôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng

BVR&MT – Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động nguồn nhân lực trong cộng đồng dân cư thôn bảo vệ và phát triển rừng; vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định công nhận 33 Bản “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” của cộng đồng 33 thôn, thuộc 11 xã có rừng tự nhiên trên địa bàn huyện.

Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2017, huyện Lục Ngạn có tổng diện tích có rừng 42.624,8 ha. Trong đó: Tổng diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng 36.835,6 ha (rừng tự nhiên 12.136,7 ha, rừng trồng 24.698,9 ha); diện tích ngoài 3 loại rừng 5.789,2 ha; độ che phủ rừng là 41,28%.

Kiểm lâm Lục Ngạn hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động nguồn nhân lực cộng đồng dân cư thôn bảo vệ và phát triển rừng bằng việc kết hợp giữa truyền thống và tập tục tốt đẹp của cộng đồng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nỗ lực triển khai xây dựng Quy ước bảo vệ rừng của Ban quản lý các thôn có rừng tự nhiên; vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định công nhận 33 Bản “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” của cộng đồng 33 thôn, thuộc 11 xã có rừng tự nhiên trên địa bàn huyện.

Cụ thể gồm các thôn: Nóng, Hố Bông, Họ (xã Kiên Lao); Tân Mộc (xã Tân Mộc); Cả, Giàng, Nũn, Na Lang (xã Phong Minh); Suối Chạc (xã Phong Vân); Bến, Mới, Bả, Ao Vường, Cấm (xã Cấm Sơn); Hóa, Bắc Hoa, Khuôn Nén, Mòng A (xã Tân Sơn); Trạm, Đảng, Mòng, Rãng Trong, Xé, Cây Lâm, Đồn (xã Sa Lý); Thuận A (xã Phú Nhuận); Cống Luộc, Thung, Ruồng (xã Đèo Gia); Luồng, Hòa Trong (xã Tân Lập); Tam Chẽ, Đấp (xã Sơn Hải).

Kiểm lâm Lục Ngạn phối hợp với Tổ bảo vệ rừng thôn kiểm tra rừng trồng gỗ lớn.

Quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng dân cư thôn là những quy tắc xử sự trong nội bộ cộng đồng, do cộng đồng xây dựng, “thỏa thuận đa số” và tự nguyện thực hiện, được UBND huyện phê duyệt, nhằm bảo vệ và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, các bản Quy ước đã kế thừa, phát huy những phong tục, tập quán, đạo đức truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, phạt vạ trái pháp luật; sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của đồng bào, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Cùng với đó, các quy định trong Quy ước phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng, không trái quy định của pháp luật, những nội dung phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân, sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tăng cường sự quản lý, sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp, hạn chế những tác động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến tài nguyên rừng và bảo đảm tính công bằng trong việc hưởng lợi từ tài nguyên rừng tại địa phương.

Kiểm lâm địa bàn phối hợp với Tổ bảo vệ rừng thôn tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng.

Nội dung các bản Quy ước bao gồm: Công tác bảo vệ rừng (về canh tác nương rẫy; về phòng cháy, chữa cháy rừng; về khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ và lâm sản ngoài gỗ,…); Công tác phát triển rừng (về loài cây trồng, thời gian trồng rừng; về diện tích khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc, làm giàu rừng, …); Các nội dung khác liên quan (về quyền, nghĩa vụ của các thành viên cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và việc phân chia lợi ích thu được từ kết quả quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trong cộng đồng thôn; hợp tác tương trợ giữ các thành viên cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng,…).

Thời gian tới, trên địa bàn huyện Lục Ngạn cùng với thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời triển khai thực hiện “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” của cộng đồng 33 thôn, thuộc 11 xã có rừng tự nhiên, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân miền núi có thu nhập ổn định, làm giàu chính đáng từ rừng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư thôn cư trú trong rừng và gần rừng trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, từ đó bảo vệ tốt tài nguyên rừng tự nhiên hiện có; bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa phương, góp phần đưa lâm nghiệp Bắc Giang phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Dương Đại Tiến