Lục Nam (Bắc Giang): Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ thả vườn

BVR&MT – Gần đây, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; trong đó phải kể đến mô hình nuôi gà lai Hồ của anh Nguyễn Văn Đoàn, Thôn Là, xã Khám Lạng.

Chia sẻ với chúng tôi anh Đoàn cho biết: tuổi trẻ anh cũng đã từng bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề với mong muốn ổn định cuộc sống tuy nhiên vì điều kiện gia đình nên anh không thể đi làm xa nhà. Nhận thấy điều kiện gia đình có vườn bãi rộng thích hợp cho việc nuôi gà thả vườn nên anh đã tìm hiểu và học hỏi chăn nuôi gà. Sau khi tìm hiểu về giống gà lai Hồ anh được biết đó là giống gà có tầm vóc vừa phải, lông đỏ đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Nhất là khi anh được biết Bắc Ninh là một thị trường lớn tiêu thụ gà lai Hồ, chính vì vậy anh đã quyết định chọn nuôi giống gà này để phát triển kinh tế của gia đình.

Ban đầu anh chỉ nuôi với quy mô vài trăm con, khi nuôi anh nhận thấy gà lai Hồ tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, thịt ăn thơm ngon, gà có sức kháng bệnh tốt, lại có giá bán cao hơn so với các giống gà lông màu khác. Đặc biệt, với đầu ra ổn định nên anh đã quyết định mở rộng quy mô, đến nay anh luôn duy trì mức 2000 con/lứa.

Anh Đoàn đang chăm sóc đàn gà của gia đình.

Anh Đoàn cho biết, sau khoảng thời gian nuôi 3 tháng 15 ngày, gà lai Hồ đạt trọng lượng từ 2,5 – 3kg/con, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn, thuốc thú y…, gia đình anh thu lãi từ 20-25 triệu/lứa. Để tăng số lứa nuôi trong một năm, anh quyết định xây thêm chuồng và nuôi gối đàn. Mỗi năm quay vòng được 5 lứa đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 100 triệu/năm.

Ý thức được việc nuôi gối đàn sẽ tiềm ẩn một số rủi ro như khả năng lây nhiễm chéo giữa các đàn với nhau nên anh đã bố trí riêng biệt các khu chuồng nuôi. Đặc biệt, sau mỗi đợt xuất bán, anh đều làm công tác vệ sinh và khử trùng chuồng trại, thiết bị trong chuồng và để trống chuồng ít nhất 15 ngày. Đối với chất độn chuồng, anh xử lý ủ theo phương pháp sinh học, sau đó dùng làm nguồn dinh dưỡng bón cho cây trồng.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch nói chung và thịt gà sạch nói riêng, anh Đoàn lựa chọn thức ăn cho gà rất kỹ và tin dùng các hãng uy tín chất lượng, để đảm bảo trong thức ăn không chứa các chất gây tồn dư, độc tố nấm mốc và các vi sinh vật có hại làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn gà. Là người trực tiếp chăm sóc đàn gà, anh  luôn lập kế hoạch phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà cụ thể, có quy trình phòng bệnh phù hợp với từng đối tượng gà. Để hạch toán lỗ lãi sau mỗi lứa nuôi, anh luôn ghi chép tỷ mỉ, bao gồm cả các thông tin lưu trữ trong quá trình chăn nuôi, điều này đã giúp anh thành công với mô hình nuôi gà lai Hồ.

Có thể nói mô hình nuôi gà lai Hồ của gia đình anh Đoàn đã mở ra một  hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây. Đó là hướng đi mà ngành Khuyến nông tỉnh Bắc Giang cũng đang tích cực nhân rộng mô hình chăn nuôi gà lông màu thả vườn sang các vùng lân cận. Được biết Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đang thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, nội dung thực hiện sẽ tập trung phát triển vào các nhóm sản phẩm chủ lực đặc trưng. Trong đó có sản phẩm gà lông màu thả vườn, phấn đấu đến năm 2030 quy mô tổng đàn đạt khoảng 18 triệu con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa và Lạng Giang… toàn tỉnh sẽ có khoảng 170 loại sản phẩm OCOP trong đó có sản phẩm gà đồi Yên Thế đạt 5 sao.

Ngoài ra, theo chủ trương của tỉnh còn tiến hành rà soát, xác định không gian phát triển, quy mô, diện tích phạm vi ranh giới các vùng sản xuất tập trung chuyên canh các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và của từng địa phương như vùng sản xuất gà, lợn, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu bao bì nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản hàng hóa chủ lực đặc trưng tiềm năng của tỉnh.

Nguyễn Thanh
Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang