BVR&MT – Nông dân thôn Non Giếng (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) có truyền thống trồng khoai sọ lâu đời. Đến nay nghề trồng khoai sọ đã cho thu nhập ổn định với sản lượng bình quân 10 triệu/sào.
Gia đình chị Phạm Thị Mai, là một trong những điển hình trong việc đầu tư phát triển mô hình trồng khoai sọ cho thu nhập khá. Vụ này anh chị trồng 9 sào, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa ẩm nhiều nên khoai sọ sinh trưởng và phát triển tốt, năng xuất đạt 1 tấn/sào. Với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư như: giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật anh chị cũng thu về 10 triệu/sào. Tính ra một năm thu nhập từ trồng cây khoai sọ của gia đình chị cũng nên tới 80 triệu đồng.
Theo chị Mai cây khoai sọ rất dễ trồng tuy nhiên bàn con cần lưu ý giữ ẩm cho cây, thường xuyên vun xới, làm sạch có dại để cây phát triển tốt. Trước kia việc làm cỏ dại cũng mất nhiều thời gian tuy nhiên hiện nay do khoa học ngày càng phát triển bà con nông dân đã biết đậy túi bóng hai bên mép luống để cho khoai đỡ lên cỏ và giữ ẩm cho khoai được lâu hơn.
Cùng sinh sống và canh tác trong thôn Non Giếng, xã Khám Lạng với chị Mai là gia đình anh Phạm Văn Thông – một nông dân cũng có tiếng trong thôn với thu nhập cao nhờ trồng khoai sọ. Anh Thông cho biết Khám Lạng – Lục Nam là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển trồng cây khoai sọ theo hướng hàng hóa bởi có dư địa phát triển, người nông dân lại có kiến thức khá chắc về canh tác cây rau màu qua các lớp tập huấn thường xuyên của hệ thống khuyến nông. Các nông dân sở hữu diện tích trồng cây khoai sọ lớn trong vùng đều tuân thủ một công thức chung trong phát triển đối tượng cây trồng này đó là chọn những chân đất tốt, tơi xốp, giàu mùn, cao ráo, dễ thoát nước để trồng. Các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất vườn miền núi, trung du mới khai hoang thường cho năng xuất cao, củ to ăn không sượng, không ngứa ví như câu “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen” mà bà con vẫn rỉ tai nhau, ngược lại nếu đất thấp, dễ bị ngập nước, nhất là thời gian sắp cho thu hoạch mà bị mưa nhiều hoặc ngập nước thì củ sẽ không hình thành bột, ăn sẽ sượng và ngứa, luôn giữ ẩm ruộng, bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, bón thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh.
Khi được hỏi về kiến thức phòng trị sâu bệnh trên cây khoai sọ anh Thông cho biết trồng khoai sọ ít bị bệnh nếu bị chủ yếu bệnh sương mai. Bệnh xảy ra với các biểu hiện xuất hiện những vết bệnh hình nâu đen, nâu vàng hình đồng tâm ở cả hai mặt, bệnh do một loại nấm gây ra vì vậy bà con thường xuyên thăm đồng điều tra phát hiện bệnh để kịp thời phun thuốc phòng trừ dịch bệnh. Một trong những biện pháp hạn chế dịch bệnh trên cây khoai sọ bà con cần biết đó là lựa củ giống sạch bệnh để trồng, chọn những giống kháng bệnh tốt để trồng ở các vùng dịch bệnh có tiềm năng bùng phát hoặc thường bị dịch bệnh ở các vụ trước.
Được biết Khám Lạng là xã thuần nông, có khoảng 425 ha đất nông nghiệp. Từ lâu khoai sọ đã được người dân nơi đây đưa vào cơ cấu giống cây trồng chủ lực. Do hiệu quả kinh tế từ giống cây này luôn cao và ổn định nên diện tích trồng ngày càng tăng. Nếu như năm trước, diện tích khoai sọ chỉ vài chục hecta thì đến nay đã tăng lên đáng kể.
Nguyễn Thị Thanh (Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang)