Luật Thủy sản sửa đổi: Chi tiết và tăng nặng xử phạt

BVR&MT – Sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủy sản sửa đổi vào chiều 21/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám đã có trao đổi thông tin với báo chí về nội dung Luật mới được thông qua này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Xin thứ trưởng cho biết những điểm mới nổi bật của Luật Thủy sản mới được sửa đổi?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Luật Thủy sản 2017 có nhiều điểm mới so với Luật Thủy sản 2003 với 9 chương, 105 điều, Luật sửa đổi đã giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003.

Cụ thể, những điểm mới được đưa vào Luật lần này gồm: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10). Theo đó, người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.

Cùng với đó, Luật mới cũng quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản (Điều 11 và 12). Theo đó, Luật đã làm rõ: Căn cứ lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch; Mục đích điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản… Định kỳ 5 năm thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Luật Thủy sản 2017 cũng có nhiều điểm mới trong quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Điều 21 và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22).

Về nuôi trồng thủy sản, được quy định tại Chương III, từ Điều 23 đến Điều 47. Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản…

Việc khai thác và quản lý tàu cá được quy định như thế nào trong Luật Thủy sản 2017, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Có hẳn 2 chương về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá (Chương IV và V), Luật mới đã tập trung vào 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Thứ nhất, về cấp phép khai thác thủy sản (Điều 49), Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác và đánh giá nguồn lợi thủy sản cho các địa phương.

Việc phân cấp triệt để cho các tỉnh, địa phương quản lý và cấp phép, cấp hạn ngạch cho các tàu cá là điểm tiến bộ và rõ ràng hơn so với Luật năm 2003. Trên cơ sở các thông báo về điều tra của các địa phương sẽ điều chỉnh sản lượng tối đa cho phép khai thác từ vùng lộng trở vào. Còn vùng khơi nhà nước sẽ cân chỉnh

Theo đó, UBND cấp tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững. Quy định về Quản lý tàu cá và quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá cũng được quy định chi tiết trong Luật lần này.

Việc điều tra nguồn lợi thủy sản luôn là vấn đề thiết yếu để có thể quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững. Vậy trong Luật được sửa đổi lần này, công tác điều tra, thống kê nguồn lợi thủy sản sẽ được quy định như thế nào?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản được quy định rõ hơn trong Điều 11 và 12 của Luật mới sửa đổi. Nguồn lợi thủy sản là một loại tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản, Luật quy định về quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Luật đã làm rõ: Căn cứ lập quy hoạch; Nội dung quy hoạch; Việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch; Mục đích điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; Chương trình điều tra (tổng thể là 5 năm một lần, thương phẩm, chuyên đề); Trách nhiệm thực hiện điều tra. Định kỳ 5 năm thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Bộ NN&PTNT đã được cấp kinh phí điều tra nguồn lợi thủy sản từ năm 2012, từ đó đến nay chúng tôi đã tiến hành điều tra nguồn lợi thủy sản một cách cụ thể và đến nay đã nắm được trữ lượng và sản lượng tối đa cho phép. Trong tuần tới, Bộ sẽ công bố rộng rãi về sản lượng và trữ lượng thủy sản và việc quy hoạch cho công tác đánh bắt xa bờ.

Việc đánh bắt trái phép được nêu trong Luật như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Luật Thủy sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của EC. Nội dung này được quy định rải rác trong các Điều và các chương của Luật.

Cụ thể, các khuyến nghị đó được thể hiện trong các nội dung sau: Quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; Quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn. Về quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.

Cùng với đó, Luật Thủy sản 2017 vừa được thông qua cũng có quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam. Quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!