Luật sư và bạn đọc: Quy định về xử phạt hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản

BVR&MT – Độc giả hỏi: Tôi hiện đang sinh sống tại khu vực Mường Tè. Do ở vùng sâu vùng xa nên ý thức bảo vệ môi trường của người dân không cao. Gần chỗ tôi sinh sống, người dân tối tối hay sử dụng nguồn điện tự chế để đánh bắt cá. Tôi rất sợ vì trẻ con nhà tôi rất hay chạy xuống suối chơi. Tôi muốn hỏi đối với hành vi dùng điện đánh bắt cá như thế thì pháp luật có quy định gì cụ thể không?

Ảnh minh họa.

Luật sư Công ty Luật TGS trả lời:

Hành vi sử dụng điện để đánh bắt thủy hải sản là hành vi rất nguy hiểm. Tuy nhiên tại một vài nơi, người dân vẫn tiến hành việc đánh bắt cá như trê một phần vì cách thức dễ dàng, hiệu quả đạt được cao hơn, đồng thời cũng tiết kiệm thời gian, công sức hơn. Thực tế, pháp luật nước ta quy định rất cụ thể về hành vi dùng điện đánh bắt cá tại văn bản hợp nhất nghị định số 41/2017/NĐ-CP như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trừ hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này và việc sử dụng kích điện tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản).
  2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.
  3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản như sau:
  4. a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước;
  5. b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;
  6. c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;
  7. d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa;

  1. e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.
  2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.
  3. Hình thức xử phạt bổ sung:
  4. a) Tịch thu tang vật để khai thác thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này;
  5. b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản quy định tại Khoản 3 Điều này.”

Như vậy tùy mức độ và hậu quả, thì hành vi sử dụng điện đánh bắt cá trên, người dân có thể bị phạt từ 1.000.000 VNĐ đến 15.000.000 VNĐ, kèm theo hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, sản phẩm thủy hải sản, tước giấy phép khai thác thủy hải sản từ 03-06 tháng đối với hành vi sử dụng công kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá, phương tiện khác để khai thác thủy sản trái phép.

Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Giám Đốc – Hãng Luật TGS LawFirm

Địa chỉ: Số 5 Ngách 24 – Ngõ 1 – Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Số di động: 0918 368 772

                                            Email: contact@newvisionlaw.com.vn