Luật sư và bạn đọc: Mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất rừng

BVR&MT – Độc giả hỏi: Gia đình tôi có chủ động khai hoang diện tích đất rừng phòng hộ vào năm 2014. Có trồng cây keo được khoảng 3 năm nay thì bị bắt phạt vì tội hủy hoại rừng, cụ thể là bị phạt tù treo 3 năm, bồi thường tiền và không được sử dụng cây mà gia đình tôi đã trồng. Thực tế là đất gia đình tôi khai thác thì đã bị người ta chặt phá đốn củi làm than từ lâu hết rồi, chỉ còn lại cây bụi nên nhà tôi không tính là phá rừng nhưng vẫn bị quy kết tội và Tòa tuyên án thu hồi cây gia đình tôi là đúng hay sai. Có điều luật nào để gia đình tôi khai thác được cây đã trồng đó không?

Ảnh minh họa.

Luật sư Công ty Luật TGS trả lời:
Theo Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định:
“Điều 243. Tội hủy hoại rừng
Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Như bạn đã trình bày ở trên thì gia đình bạn khi khai hoang diện tích đất rừng phòng hộ thì trên đất rừng đó đã bị người ta chặt phá đốn củi làm than từ lâu, trên đất chỉ còn lại cây bụi. Như vậy gia đình bạn không hề có hành vi đốt, phá rừng, hoặc hủy hoại rừng nên hành vi này của gia đình bạn không thể bị quy vào tội hủy hoại rừng được. Nhưng cần phải xác định rõ trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra có căn cứ gì để xác định gia đình bạn có dấu hiệu phạm tội hủy hoại rừng, vì vậy, cần phải căn cứ vào hồ sơ vụ án. 

Việc gia đình bạn tự ý khai thác đất rừng phòng hộ và trồng cây trên diện tích đất đó mà chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền có thể bị quy vào hành vi lấn chiếm đất. 

Tại Điều 12 Luật Đất đai 2013 có quy định:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm.
Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”
Tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định như sau:
“Điều 10. Lấn, chiếm đất.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả;
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”.
Như vậy thì đối với trường hợp của gia đình bạn thì tùy theo hành vi và mức độ lấn chiếm thì gia đình bạn sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng, sẽ bị buộc phải trả lại phần đất đã lấn chiếm và không được khai thác số cây đã trồng trên đó.

 

Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn
Giám Đốc – Hãng Luật TGS LawFirm
Địa chỉ: Số 5 Ngách 24 – Ngõ 1 – Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Số di động: 0918 368 772
Email: contact@newvisionlaw.com.vn