Luận bàn về loài Tê giác hai sừng ở Việt Nam nhân ngày Tê giác Thế giới

BVR&MT – Tê giác hai sừng Á châu (Dicerorhinus sumatrensis) là loài có kích thước nhỏ nhất trong các loài Tê giác còn sống hiện nay.

Cơ thể tê giác hai sừng phủ nhiều lông khi còn nhỏ nhưng rụng dần lúc trưởng thành. Chúng có tổng cộng 28 răng, trong đó răng nanh hàm dưới mở rộng như ngà. Hai sừng xếp thành hàng dọc, sừng lớn nằm ngay phía sau mũi, sừng nhỏ nằm ở trán, phía trên mắt. Cả hai sừng có phần gốc rộng nhưng tóp lại rất nhanh về phần mũi. Da dày màu xám đậm, các nếp da không nổi rõ và tạo thành lớp giáp như ở Tê giác java. Nếp da phía sau vai liền, kéo dài qua vai. Nếp da sát gốc chân trước liền nhưng nếp da phía sau không nổi rõ và không vượt qua phần lưng (Groves & Kurt 1972).

Về phân bố, Tê giác hai sừng Á châu phân bố ở Bănglađét, Mianma, Thái Lan, Indonesia (trên đảo Borneo, Sumatra). Ba vị trí ghi nhận về loài này cách xa vùng phân bố chính là Cam Ranh, Quảng Trị (Việt Nam) và Nonghet (Lào) (Groves & Kurt 1972).

Theo Sách đỏ Việt Nam, “các tài liệu trước đây (Groves, 1967; Van Peneen et al., 1969) có nhắc đến Tê giác hai sừng ở Cam Ranh (Khánh Hoà). Đến nay chưa phát hiện được vùng cư trú của chúng. Có lẽ chúng đã bị tuyệt chủng”.

Câu hỏi đặt ra là thật sự Tê giác hai sừng có phân bố ở Việt Nam hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần tìm lại các bằng chứng cụ thể.

Ngược về quá khứ, sừng tê là một sản vật quý được đề cập nhiều trong các tài liệu lịch sử. Các sách sử Việt Nam như An Nam Chí Lược (Lê Tắc 1335), Đại Việt Thông Sử (Lê Quý Đôn 1759), Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 1856-1881)… thường nhắc đến sừng tê được sử dụng như cống phẩm của các lân quốc như Ai Lao, Bồn Man, Chiêm Thành với Đại Việt hoặc giữa Đại Việt với các vua Trung Hoa. Trong Chân Lạp Phong Thổ Ký của Chu Đạt Quan (khoảng 1296-1297) cũng nhắc đến sản vật này của vùng đất Chân Lạp, bao gồm cả vùng Nam bộ ngày nay. Tuy vậy, vào thời gian này người ta chỉ quan tâm đến sừng tê mà không quan tâm đến là sừng của tê giác một sừng hay hai sừng.

Tài liệu mô tả khá chi tiết cho biết về loài tê giác ở Xứ Đàng Trong là của Borri (1631) cho thấy loài phân bố vùng Nam Trung Bộ ngày nay là tê giác một sừng. Như, vậy, các dữ liệu cổ không cho chúng ta biết được loài tê giác hai sừng có phân bố ở vùng đất nay là Việt Nam hay không.

Trở lại Sách đỏ Việt Nam, các tác giả có nhắc đến Groves, 1967, và Van Peneen & cs 1969 đề cập đến Tê giác hai sừng ở Cam Ranh. Thật ra, van Peenan & cs 1969 chỉ đề cập đến loài này ở Cam Ranh theo Groves, 1967 trong bài “Về các loài Tê giác vùng Đông Nam Á” (On the Rhinoceroses of Southeast Asia).

Trong tài liệu này, Giáo sư Colin Groves nhận định rằng “ở khu vực Đông Dương, hầu như loài tê giác hai sừng D. sumatrensis không được biết đến. Một số ghi chép chỉ đề cập đến “tê giác” nhưng bất kỳ mẫu vật nào được xác định đều là tê giác một sừng R. sondaicus, ngoại trừ một trường hợp: Tê giác hai sừng là được biết đến từ Cam Ranh, miền Nam Việt Nam”. Tuy vậy, ông không cho biết cụ thể thông tin từ đâu.

Năm 1960, trên Tạp chí Oryx, Talbot cung cấp 1 bản đồ phân bố của Tê giác hai sừng, kéo dài từ Bănglađét đến Việt Nam nhưng ba ghi nhận thuộc Đông Dương đều chú thích là không khẳng định. Tuy vậy, ông lại cho rằng trước năm 1920 cả hai loài tê giác java và tê giác hai sừng đều phân bố ở thung lũng (hạ lưu vực?) Mê Kông, bị săn bắn không xa Sài Gòn.

Chỉ riêng Honoré Odérra, người được mệnh danh là vua thợ săn Đông Dương đã bắn 25 cá thể tê giác nhưng đều là tê giác một sừng (Roussel 1913).

Cũng cần nhắc thêm rằng, trong Nghị định về săn bắn các loài được bảo vệ và bảo tồn ngày 12 tháng 10 năm 1936 của chính quyền Liên bang Đông Dương có tên của cả hai loài Tê giác. Trong tài liệu giới thiệu về săn bắn thú lớn ở Đông Dương cũng giới thiệu cả hai loài này (Bureau Officiel du Tourisme Indochinois, 1937).

Thông tin về tê giác hai sừng ở Cam Ranh có thể bắt nguồn từ một cá thể tê giác bị bắn ở khu vực này năm 1904 (Harper 1945 trích theo Barthélemy 1930, trang 131 và 139). Ngoài ra, một mẫu vật tê giác hai sừng Fernand Millet quan sát ở chợ Nha Trang năm 1902 được cho là từ Lào (?) (Rookmaaker 1980). Harper (1945) không đề cập đến địa danh Nha Trang nhưng cho rằng Fernand Millet đã gặp một số sọ tê giác có hai sừng.

Thông tin cụ thể hơn cả là của Jean Delacour, ông đã quan sát thấy một cá thể tê giác hai sừng vào ban đêm ở Lao Bảo (Quảng Trị) và ông cũng đã kiểm tra sọ của 1 cá thể bị bắn ở Nonghet (gần Xieng-Khouang, Lào) vào năm 1925 (Delacour 1966).

Rookmaaker (1980) đặt nghi vấn về quan sát của Delacour ở Lao Bảo vì ông này gặp vào ban đêm và ngồi trong xe. Hơn nữa, sừng trên trán của Tê giác hai sừng Á châu khá nhỏ.

Trong cuốn “Các loài thú vùng Indomalayan”, Cobert và Hill (1992) không khẳng định loài này phân bố ở Đông Dương và Duckworth và cs 1999 cũng đặt nghi vấn sự phân bố của loài này ở Lào nhưng cũng trích dẫn một số thông tin chưa thể kiểm chứng của tê giác hai sừng Á châu được báo cáo trước năm 1940.

Có thể thấy, thông tin từ những tài liệu khoa học trong thế kỷ XX phần lớn đều là thứ cấp và không cho biết cụ thể về địa điểm phân bố loài Tê giác hai sừng Á châu ở Việt Nam ngoại trừ quan sát (vẫn còn bị nghi vấn) của Jean Delacour ở Lao Bảo, nhưng sự tồn tại của loài này là có cơ sở.

Khẳng định này được củng cố bởi các nghiên cứu về cổ sinh vật ở Việt Nam. Hóa thạch của loài Tê giác hai sừng Á châu và Tê giác java đã được tìm thấy ở Việt Nam tại địa điểm Hang Đười Ươi, tỉnh Hòa Bình (tuổi hóa thạch khoảng 63.000 năm trước ~ 63 ± 3 Ka) (Bacon và cộng sự 2008).

Như vậy, mặc dù chưa thể xác định địa điểm cụ thể, loài Tê giác hai sừng Á châu thực sự từng phân bố tại Việt Nam nhưng không rõ ghi nhận cuối cùng là năm nào.

Với quan niệm tất cả các bộ phận của loài Tê giác đều có thể làm thuốc, chúng luôn bị săn bắn ở khắp nơi chúng sinh sống. Số lượng cá thể loài Tê giác hai sừng Á châu hiện còn lại không quá 80 cá thể, phân bố ở Indonesia và được đánh giá ở mức độ Cực kỳ nguy cấp – CR (Ellis & Talukdar 2020).

Cuối năm 2009, cá thể tê giác một sừng cuối cùng tại Việt Nam đã bị bắn chết và xác của nó được phát hiện năm 2010. Ngày 25/10/2011, Tổ chức WWF ra tuyên bố loài phụ Tê giác một sừng Việt Nam Rhinoceros sondaicus vietnamensis đã tuyệt chủng (WWF 2011).

Như vậy, cả 2 loài tê giác đã vĩnh viễn biến mất khỏi Việt Nam.

Thay lời kết

Sách đỏ Việt Nam hiện tại (2007) đã đánh giá tình trạng của 407 loài động vật, trong đó có 46 loài được đánh giá là “Rất nguy cấp – CR”. Với tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trong nhiều năm qua cùng với áp lực săn bắn và buôn bán động vật hoang dã hiện nay, danh sách các loài tuyệt chủng chắc chắn sẽ ngày càng kéo dài.

Thế hệ người Việt tương lai có còn được thấy những loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên hay chỉ qua hình ảnh, sách, báo tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực bảo tồn của chính phủ và của mỗi cá nhân chúng ta hôm nay.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Viện Sinh thái học Miền Nam

Ngày Tê giác Thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 9 hàng năm nhằm tạo cơ hội cho các tổ chức liên quan tôn vinh tê giác theo những cách riêng của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Arrêté No. 4790 du Octobre 1936 Sur gibiers protégés et réservés.
  2. Bacon A.-M., Demeter F., Duringer P. et al. (2008). The Late Pleistocene Duoi Uoi Cave in northern Vietnam: palaeontology, sedimentology, taphonomy and palaeoenvironments. Quaternary Science Reviews 27, 1627–54.
  3. Borri C., 1631. Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù, al regno della Cocincina [Xứ Đàng Trong năm 1621]. General Publishing House 2019.
  4. Bộ KHCN và Viện KHCNVN (2007). Sách đỏ Việt Nam: Phần 1. Động vật. NXB KHTN và CN, Hà Nội.
  5. Bureau Officiel du Tourisme Indochinois (1937). Les grandes chasses en Indochine. A l’occasion de l’exposition Internationale de Paris.
  6. Chu Đạt Quan. ~1296-1297. Chân Lạp Phong Thổ Ký.
  7. Corber G.B. and Hill J.E. 1992. The mammals of the Indomalayan Region: A Systematic Review. Oxford University Press.
  8. Delacour J. 1966. The living air. Country Life Ltd., London, 173 pp.
  9. Duckworth J.W., Salter R.E, Khounboline K. 1999. Wildlife in Lao PDR: 1999 Status Report. Vientiane: IUCN-The World Conservation Union / Wildlife Conservation Society / Centre for Protected Areas and Watershed Management.
  10. Ellis, S. & Talukdar, B. 2020. Dicerorhinus sumatrensis. The IUCN Red List of Threatened Species 2020: e.T6553A18493355. https://dx.doi.org/…/IUCN.UK.2020-2.RLTS.T6553A18493355.en. Downloaded on 19 June 2021.
  11. Groves C.P. 1967. On the rhinoceroses of South-East Asia. Säugetierkundliche Mitteilungen 15: 221-237.
  12. Groves C.P. and Kurt F. 1972. Dicerorhinus sumatraensis. Mammalian Species, 21:1-4.
  13. Harper F. 1945. Extinct and vanishing mammals of the old world. American Committee for international wildlife protection, special publication.
  14. Lê Tắc. 1335. An Nam Chí Lược. (Uỷ Ban Phiên Dịch Sử Liệu Viện Đại Học Huế dịch năm 1961).
  15. Lê Quí Đôn. 1759. Đại Việt Thông Sử. (Bản dịch của Lê Manh Liêu 1973 và Uỷ Ban Dịch thuật Viện Sử học – Hà Nội 1978).
  16. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. 1856-1881. Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục.
  17. Rookmaaker L.C. 1980. The distribution of the Rhinoceros in Eastern India, Bangladesh, China, and the Indo-Chinese Region. Zool. Anz., Jena 1980(3/4): 253-268.
  18. Roussel, Lucien. 1913. La Chasse en Indochine. Paris: Librarie Plon.
  19. Talbot L. 1960. A look at threatened species. Oryx, 5(4/5): 153-293.
  20. WWF 2011. Extinction of the Javan Rhinoceros (Rhinoceros sondaicus) from Vietnam. WWF Report, 45 pp.
Tags:
CHIA SẺ