Lớp học đặc biệt nơi biên giới

BVR&MT – Tại biên cương hẻo lánh, đều đặn, tuần ba buổi, các chiến sỹ mang quân hàm xanh, thay nhau đứng trên bục giảng dạy người dân địa phương biết đọc, biết viết.

Người thầy mang quân hàm xanh

Khi những tia nắng của ngày mới bắt đầu khép lại, đó cũng chính là lúc lớp học đặc biệt, tại xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bắt đầu sáng điện. Sở dĩ chúng tôi gọi là lớp học đặc biệt bởi đứng trên bục giảng thầy giáo là những chiến sỹ mang quân hàm xanh, học sinh đa sắc tộc, đủ mọi lứa tuổi. Vì cuộc sống mưu sinh và vì nhiều lý do khác nhau những cụ già đã ngoài 70 tuổi, hay những cậu thanh niên mười tám đôi mươi đến lớp với mong muốn biết đọc, biết viết.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, xã Ia Mơr đã hình thành một khu dân cư có 103 hộ với 561 khẩu, thuộc 7 dân tộc anh em sinh sống. Trung tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên đồn Biên Phòng Ia Lốp cho biết, tại khu vực đồn Biên Phòng đóng quân, có khu dân cư suối Khôn có 71 người dân tộc Jrai hiện đang mù chữ. Qua nhiều lần động viên, bà con thấu hiểu nổi khổ không biết đọc, biết viết rất thiệt thòi do đó mong muốn được xóa mù. Chính vì thế, cấp Ủy, chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ huy và được đồng ý để mở lớp xóa mù này. Lớp học gồm 15 học viên, mỗi tuần học 3 buổi, học 2 môn gồm Toán và tiếng Việt.

Đứng lớp dạy xóa mù là những người lính mang quân hàm xanh gồm: Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng đảm nhận môn Toán và Đại úy Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng đội vận động quần chúng dạy môn tiếng Việt. Đại úy Nguyễn Văn Luân cho biết, vùng đất biên giới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, người dân không mấy mặn mà với cái chữ. Được bộ đôi biên phòng đi từng ngõ gõ từng nhà truyên truyền vận động, bà con thấy rõ được tầm quan nhiệt tình hửng ứng đến lớp.

Đại úy Nguyễn Văn Luân, mong muốn bà con biết đọc, biết viết để cuộc sống đỡ vất vả.

Chia sẻ với chúng tôi Trung tá Vũ Văn Hoằng trăn trở: “Mở được lớp học đã khó nhưng việc duy trì phát triển về lâu về dài còn khó hơn gấp bội. Bởi vào ngày mùa, bà con bận việc đồng áng, để lớp học có sỉ số đồng đều anh em chốt địa bàn phải vào tận nhà chở bà con đến lớp. Độ tuổi tham gia lớp học khác nhau, người nhiều nhất là gần 50 tuổi, người ít nhất là 15 tuổi, chính vì thế cách dạy cũng khác nhau. Ở trường học có thể la mắng, nhưng lớp này thì không, phải từ từ động viên, vừa nói chuyện vừa dạy, phải nắm bắt tâm lý, không thể có hành động nóng giận, chân thành thì bà con mới chịu học”.

Vừa từ rẫy trở về, ông Kpah Choan, SN 1962 tắm rửa vội vàng rồi chở con trai Kpah Vớt, SN 2004 đến lớp học. Ông Choan tâm sự: “Nhà tôi có 8 người con, Vớt là đứa nhỏ nhất, ngày xưa nó không chịu đi học nên thương nó lắm. Bây giờ, bộ đội Biên Phòng mở lớp học, động viên mãi nó mới chịu đi. Cũng lạ lắm, có bố chở đến lớp nó mới chịu đi, còn không nó ở nhà. Vì thế, đúng lịch học là mình phải chở nó đi, dù bận gì cũng phải cho con đi tìm con chữ để sau này không thiệt thòi”.

Từ ngày lớp học xoá mù chữ được mở nhiều người đã biết đọc, biết viết.

Lớp học đặc biệt

Kết thúc tiết học môn tiếng Việt, Kpah Vớt khuôn mặt rạng ngời: “Em biết chữ rồi, biết đọc, biết viết nên sau này đi đâu cũng không sợ bạn cười chê. Nhiều lúc trong làng có cuộc liên hoan, nhìn bạn bè hát Karaoke mà mình không biết chữ nên cũng buồn lắm. Biết chữ, biết làm toán sau này em sẽ cố gắng đọc sách báo, để tìm hiểu cách làm ăn, mong mình có cuộc sống ấm no hơn”.

Em Kpah Vớt tự hào khoe với người cha đã biết đọc, biết viết.

Em Siu Nghinh, SN 2003 phấn khởi: “Trước đây không biết chữ, mỗi lần mua hay bán cái gì em điểm chỉ nên đôi khi bị họ lừa. Nhà em có 4 anh em, họ đều biết chữ hết mà em hồi đi học lười quá nên bỏ sớm. Em muốn học cái chữ trước hết để không bị người ta lừa, sau nữa là để bày cho con cái. Trước đây, em lo đi học mất tiền, rồi tiền sách, tiền vở, bút viết nên lo lắng lắm. Nhưng đến đây được các thầy cho toàn bộ đồ dùng học tập, sách vở, thi thoảng không có xe được các thầy đến đón em rất vui. Học ở đây rất vui vì được các thầy giáo quan tâm, cái gì chưa hiểu thì hỏi thầy, thầy đều chỉ bảo tận tình nên chúng em rất vui”.

Ngồi trong lớp, vừa làm đọc bài vừa chỉ cho con từng hình vẽ, dạy cho con biết tiếng Việt, chị Siu H’ Nghen chia sẻ: “Con mình mới tròn bốn tuổi, khi được Bộ đội Biên phòng vận động đi học chữ, lúc đầu chồng không muốn cho đi vì phải ở nhà trông con. Nhưng mình nói sẽ đưa con đi học theo, chồng mới đồng ý. Đến lớp vừa biết chữ, vừa biết làm toán, con lại được các chú biên phòng cho bánh kẹo, nhiều lúc trong giờ học con quấy khóc, các anh lại thay mình dỗ dành con nên mình vui lắm”.

Chiếc đồng hồ treo tường điểm chuông báo buổi học đã kết thúc, những tiếng than thương chào nhau ấm đượm tình quân dân. Đại úy Nguyễn Văn Luân chia sẻ thêm: “Trong một khu dân cư mà có đến hơn 70 người mù chữ, cuộc sống của bà con còn quá nhiều thiệt thòi. Chính vì thế, làm được gì cho bà con chúng tôi đều sẵn lòng, dù kinh phí của đơn vị còn hạn chế, nhưng chúng tôi sẽ mở thêm các lớp khác. Xóa mù là điều cần làm, nhưng làm sao để đừng tái mù là khó khăn nhất cần phải tập trung duy trì”.

Chia tay những người thầy giáo mang quân hàm xanh, chúng tôi ra về dưới cơn mưa tầm tả. Biên cương, khắc nghiệt gió rít liên hồi, đường nhão nhoét bùn đất, chúc cho các thầy giáo quân hàm xanh “chân cứng đá mền” chúc cho lớp học của các anh gặt hái được nhiều thành công vẻ vang.