Long An có 73 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới

BVR&MT – Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An, hiện nay, toàn tỉnh này có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2019, toàn tỉnh có 8 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Đường giao thông nông thôn ở huyện Tân Trụ – Long An được đầu tư làm mới bằng bê tông.

Theo chỉ tiêu của tỉnh Long An, trong năm 2019, huyện Châu Thành phấn đấu hoàn thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới, TP. Tân An cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 8 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm Vĩnh Trị (Vĩnh Hưng), Thủy Tây (Thạnh Hóa), Tân Bửu (Bến Lức), Mỹ Phú (Thủ Thừa), Vĩnh Công (Châu Thành), Đức Tân (Tân Trụ), Long Định (Cần Đước) và Đông Thạnh (Cần Giuộc). Ngoài ra có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Hòa Phú và Phước Hậu.

Cũng theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An, những xã nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phần lớn là những xã khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa. Tiềm lực các xã hạn chế nhưng nhiều tiêu chí ở giai đoạn sau này lại nâng cao hơn. Đó là tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo; thu nhập; tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; nước sạch;… Do đó, để các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định là thách thức rất lớn với các địa phương.

Để các địa phương hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh đề ra, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An đề nghị các xã, huyện cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu, rộng về xây dựng nông thôn mới; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, để người dân nhận thức được xây dựng nông thôn mới thực chất là thay đổi diện mạo làng quê, nâng chất lượng cuộc sống người dân.

Ngoài ra, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới; tăng cường huy động nguồn vốn để thực hiện chương trình.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, để đạt được mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Long An xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chỉ tiêu thi đua quan trọng của các cấp, ngành, tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất với trọng tâm là thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản…; tăng cường huy động nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, tỉnh Long An đã tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn có những bước phát triển quan trọng; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển ổn định. Tại Long An, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp.