Lợi dụng giãn cách, “ cát tặc” hoạt động mạnh hơn ở Bình Phước

BVR&MT – Nhiều năm nay, đoạn sông Đồng Nai chảy qua xã Thống Nhất và xã Đăng Hà thuộc huyện Bù Đăng (Bình Phước) là điểm nóng của tình trạng khai thác cát trái phép. Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh, giá cát xây dựng tăng cao, số đối tượng tổ chức hút cát trái phép đã liều lĩnh hơn trong việc hút, vận chuyển cát.

Một bãi cát ở thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng (Bình Phước) vẫn hoạt động bất chấp lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt ở thượng nguồn sông Đồng Nai. Dọc theo các tuyến đường là những bãi cát lớn hàng chục nghìn m3. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết cát ở đây mới được hút ở dưới sông lên, hạt cát còn mới nguyên.

Một người dân ở xã Thống Nhất cho biết, từ khi tỉnh thực hiện Chỉ thị 16, nhất là khi có quy định người dân không được ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 sáng hôm sau, một số đối tượng đã lợi dụng để hút cát trộm. Chúng thường hoạt động từ 22 giờ đến mờ sáng hôm sau. Sau một đêm, hàng trăm m3 cát mới được tập kết ngay bên bờ sông.

Bám theo các xe tải chở cát, chúng tôi phát hiện các bãi tập kết cát rất lớn nằm sát bờ sông tại khu vực thôn 2, xã Thống Nhất. Những bãi cát này nằm sâu trong các vườn điều, vườn cao-su, ở khoảng giữa một bên là sông Đồng Nai, một bên là đường liên ấp. Do nhiều xe chở cát quá tải hoạt động liên tục khiến con đường đất này bị cày xới thành nhiều ổ voi, ổ gà. Có bãi cát nằm tại thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng ước đến hàng nghìn m3 vẫn đang hoạt động rầm rộ dù địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tại thời điểm chúng tôi ở đây, bốn chiếc xe tải ben và một máy cuốc hoạt động liên tục. Tìm hiểu được biết, các đối tượng đang vận chuyển cát từ một bãi tạm đặt tại thôn 2, xã Thống Nhất đến bãi tập kết khác tại thôn 5 xã Đăng Hà cùng huyện Bù Đăng. Theo người dân sống gần sông Đồng Nai, những bãi cát này xuất hiện cách nay không lâu. Số cát có được do các đối tượng lợi dụng đêm tối hút từ sông Đồng Nai lên…

Ban ngày, dòng sông Đồng Nai đoạn này khá yên bình, hàng chục chiếc tàu hút cát không một bóng người neo đậu thành từng cụm bên bờ sông, kể cả phần sông thuộc địa phận tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng.

Trước tình trạng khai thác cát trái phép lộng hành, Ủy ban Nhân dân (UNBD) huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã lập tổ công tác liên ngành để tuần tra xử lý. Huyện huy động cả ca-nô của Ban Chỉ huy Quân sự huyện để tuần tra dưới sông. Trong đợt ra quân gần đây, tổ công tác liên ngành của huyện Bù Đăng đang lập biên bản một số lượng lớn cát khai thác trái phép.

Nhiều tàu hút cát của “cát tặc” vẫn neo đậu trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh hai tỉnh Bình Phước – Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) Trần Thanh Hòa, cho biết: “Trước tình trạng khai thác cát trái phép hoạt động trở lại trên sông Đồng Nai, chúng tôi đã chủ động lập tổ công tác để phối hợp các lực lượng truy quét. Tuy nhiên, sông Đồng Nai đoạn này là ranh giới giữa hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng, khi “động ổ”, các đối tượng di chuyển tàu hút cát về phía địa phận tỉnh Lâm Đồng. Để xử lý hiệu quả việc khai thác cát trái phép, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai tỉnh”…

Thực tế, việc khai thác cát trái phép trên đoạn sông Đồng Nai khu vực này đã xuất hiện nhiều năm nay. Gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp các địa phương tập trung công tác phòng, chống dịch, “cát tặc” tranh thủ hút khác với mức độ táo tợn hơn. Hệ lụy của nó là hai bên bờ sông Đồng Nai đoạn này bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích vườn, rẫy của người dân đã nước bị kéo xuống sông.

Sạt lở bờ sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa phận hai xã Thống Nhất và Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước) do khai thác cát quá nhiều.

Rẫy và nhà của ông Phan Văn Tướng ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng (Bình Phước) nằm cặp bờ sông Đồng Nai đã bị nước kéo sạt gần một ha đất vườn. Tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn.

Ông Tướng cho biết: “Vợ chồng tôi thường thức đến nửa đêm, có hôm 1, 2 giờ sáng để canh tàu hút cát. Khi phát hiện, tôi dùng đèn pin rọi chiếu nhưng các tàu hút cát vẫn không đi; khi tôi xuống tận bờ sông đuổi thì bị chúng dọa đánh”.

Liền kề vườn của ông Tướng không xa là vườn điều của anh Nguyễn Văn Mẫn, thường trú tại thôn 8, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng (Bình Phước) có khoảng hơn 300 m mặt tiền giáp sông Đồng Nai cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Anh Mẫn cho biết: “Tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai đã gây sạt lở đất từ năm 2017 đến nay. Sau nhiều năm, vườn nhà tôi bị sạt lở khoảng năm sào và làm thiệt hại 50 cây dầu trên 10 năm tuổi và hàng tấn cây sả, tổng thiệt hại khoảng 180 triệu đồng”.

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến nắm 2030, cát xây dựng có hai điểm mỏ có trữ lượng khoảng 1,8 triệu m3. Hiện, mỏ cát lớn ở thượng nguồn sông Đồng Nai (đoạn chảy qua xã Thống Nhất, Đăng Hà thuộc huyện Bù Đăng) đang đóng cửa vì nhiều nguyên do khác nhau nên nguồn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Phước phần lớn phải mua ở Đắk Nông, Bình Dương nên giá khá cao. Thực tế này là cơ hội cho những kẻ khai thác cát trái phép tái diễn.

UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu phương án quản lý nguồn tài nguyên cát trên sông Đồng Nai. Tại văn bản số 103/BC-STNMT ngày 23/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã có báo cáo tình hình thỏa thuận và cấp phép thăm dò, khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng. Theo đó, hai tỉnh đã thống nhất mỗi tỉnh được cấp tối đa hai giấy phép, mỗi giấy phép có thời hạn không quá 5 năm và tối đa hai phương tiện khai thác không quá 10.000 m3/năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước Phạm Văn Liêm, sau khi bàn giao thực địa, các đơn vị phải định vị và thả phao theo quy định; phương tiện khai thác phải được gắn thiết bị định vị, camera hành trình; phương tiện khai thác được đăng kiểm, người lái phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định. Việc khai thác cát chỉ được bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ mỗi ngày, tuyệt đối không được khai thác vào ban đêm. Cùng với đó, bãi tập kết cát phải gắn camera, trạm cân và công khai các thông tin để chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp để xảy ra sạt lở bờ sông phải khắc phục bồi thường thiệt hại cho người dân…