Loay hoay xử lý rác thải tại Bắc Kạn

BVR&MT – Lượng rác thải sinh hoạt tại TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn phát sinh mỗi ngày gần 50 tấn. Từ đầu năm 2017, trên địa bàn có doanh nghiệp đầu tư nhà máy đốt rác, bước đầu hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, do thành phố không cân đối được ngân sách chi trả nên việc đốt rác tháng được, tháng không. Nguy cơ ùn ứ rác thải trên địa bàn là rất cao.

Nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH môi trường Bắc Kạn vận hành không đều do thành phố thiếu tiền chi trả.

Trước năm 2017, hằng ngày, TP Bắc Kạn thu gom khoảng 45 tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn, vận chuyển đến bãi rác Khuổi Mật, phường Huyền Tụng để chôn lấp, nên môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Đến bãi rác này, từ xa đã thấy mùi hôi thối, gần thì nồng nặc rất khó chịu, ruồi nhặng sinh sôi nhiều vô kể bu bám cả vào người. Khổ nhất là hàng trăm hộ dân sinh sống gần khu vực bãi rác tại các tổ Khuổi Thuổm, Chí Lèn, Khuổi Hẻo thuộc phường Huyền Tụng, hằng ngày, phải chịu đựng mùi hôi thối, ruồi, nhặng. Công nghệ xử lý thô sơ nên bãi rác gây ô nhiễm, trở thành nỗi bức xúc của người dân.

Năm 2016, Công ty TNHH môi trường Bắc Kạn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, đưa vào vận hành từ tháng 1-2017. Việc xử lý rác bằng phương pháp đốt tại nhà máy được đánh giá xử lý khá triệt để rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm, do vậy, TP Bắc Kạn đã đặt hàng xử lý rác thải với Công ty TNHH môi trường Bắc Kạn, giá hợp đồng ký kết là 308.173 đồng/tấn. Nhờ đó, khoảng 80% lượng rác thải hằng ngày đã được xử lý, tình trạng ô nhiễm nặng tại bãi rác Khuổi Mật bước đầu được giải quyết, tạo điều kiện để thành phố tiến tới đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm này.

Tuy nhiên, sau tám tháng hoạt động, đến ngày 15-9-2017, TP Bắc Kạn “cạn” tiền chi trả đốt rác, nên phải quay lại cách xử lý cũ là chôn lấp. Trưởng Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị TP Bắc Kạn Vi Văn Dương cho biết, chi phí xử lý rác thải bằng công nghệ đốt mỗi tháng khoảng 380 triệu đồng, gấp bốn lần so với xử lý theo phương pháp chôn lấp. Chúng tôi biết rằng, xử lý rác thải theo công nghệ đốt là phù hợp nhưng thành phố không cân đối đủ ngân sách, do vậy, buộc phải tạm thời chôn lấp để tránh ùn ứ rác. Đồng thời, kiến nghị tỉnh hỗ trợ 1,8 tỷ đồng để tiếp tục đốt rác đến hết năm 2017.

Trước nguy cơ ùn ứ rác khi bãi rác Khuổi Mật đã đầy, UBND tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ TP Bắc Kạn một tỷ đồng, tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Bắc Kạn xử lý rác bằng công nghệ đốt đến hết tháng 11-2017. Một tháng còn lại của năm, tiếp tục phải chôn lấp.

Năm 2018, lượng rác thải sinh hoạt tại TP Bắc Kạn phát sinh nhiều hơn năm trước. Tuy nhiên, thành phố tiếp tục không cân đối được ngân sách để chi trả đốt rác cả năm, một phần lớn lượng rác thải lại phải chôn lấp vào bãi rác Khuổi Mật đã đầy, gây ô nhiễm.

Khu vực chôn lấp trong bãi rác Khuổi Mật đã quá tải, gây ô nhiễm nặng.

Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn – Đinh Quang Tuyên cho biết, chi phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn năm 2018 là hơn 12 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi mới cân đối được hơn chín tỷ đồng, trong đó, riêng công đoạn thu gom, vận chuyển đã hết gần bảy tỷ đồng, để xử lý hết rác theo công nghệ đốt cần khoảng 4,5 tỷ đồng. Trong khi, năm 2017, thành phố hụt thu ngân sách hơn 27 tỷ đồng, năm 2018 hụt thu khoảng 17 tỷ đồng, do vậy việc cân đối đủ ngân sách chi trả đốt hết rác thải sinh hoạt là không thể.

Để bảo đảm vận chuyển, xử lý rác liên tục trong năm 2018, thành phố triển khai phương án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt từ tháng một đến tháng sáu và từ tháng 11 đến hết tháng 12; các tháng còn lại xử lý theo phương pháp chôn lấp. Thành phố dự tính, theo phương án này sẽ bảo đảm khả năng chi theo nguồn lực cân đối được, tiết giảm chi phí khoảng một tỷ đồng. Bên cạnh đó, những tháng mà thành phố tính toán xử lý bằng chôn lấp đều là trong mùa mưa, xử lý rác bằng công nghệ đốt thời điểm này cũng bất cập vì phải phơi rác cho khô, cũng gây ô nhiễm.

Như vậy, rõ ràng TP Bắc Kạn đang phải xử lý rác thải sinh hoạt theo cách “liệu cơm, gắp mắm” chứ chưa thực hiện được hoàn toàn theo phương pháp xử lý triệt để, không gây ô nhiễm. Việc phải chôn lấp trong thời gian bốn tháng sẽ “đổ” về bãi rác Khuổi Mật khoảng 200 tấn rác thải. Trong khi, bãi rác này đã được các cơ quan chức năng đánh giá sắp quá tải, không có bạt lót đáy, hạ tầng thiếu, nước rác rò rỉ thường xuyên, gây ô nhiễm nặng, đồng thời diện tích để chôn lấp cũng đã hẹp đi khi một phần tư bãi đã được cấp cho Công ty TNHH môi trường Bắc Cạn xây nhà máy đốt rác.

Nếu không có giải pháp kịp thời, cứ để việc xử lý rác “phập phù”, tháng đốt tháng không, trong khi bãi rác duy nhất đã đầy, ô nhiễm thì nguy cơ ùn ứ rác ở TP Bắc Cạn là hiện hữu.