Loạt doanh nghiệp xuất khẩu sắn kêu cứu vì bị dừng hoàn, truy thu thuế

BVR&MT – Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu sắn điêu đứng vì xuất khẩu sắn qua biên giới nhưng không được hưởng chính sách hoàn thuế và đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Thu hoạch sắn. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Hiệp hội Sắn Việt Nam vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả xác minh các doanh nghiệp, đối tác của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn tại Việt Nam do Cơ quan thuế Trung Quốc cung cấp cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không hoạt động, không nhập khẩu các sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương dừng hoàn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, việc xác minh các khách hàng nước ngoài hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Pháp luật Việt Nam hiện hành đối với hoàn thuế giá trị gia tăng không có quy định nào về việc hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn thuế. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp ngành sắn cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối với các đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Lãnh đạo Hiệp hội sắn Việt Nam cho rằng việc xác định số lượng sắn xuất khẩu đều có thể thực hiện được vì các doanh nghiệp sắn khi đưa hàng lên biên giới đều phải khai báo đầy đủ và rõ ràng với cơ quan Hải quan của Việt Nam và đều có xác nhận. Các khoản tiền thu được từ xuất khẩu sắn đều được chuyển khoản và được thể hiện qua các chứng từ tại ngân hàng. Từ cơ sở đó, cơ quan thuế hoàn toàn có thể kiểm soát được số lượng hàng mà các doanh nghiệp sắn đã xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành sắn đang phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tác động hơn 2 năm qua khiến số lượng hàng tồn kho rất lớn, nhiều doanh nghiệp không còn tiền để mua nguyên liệu của nông dân, buộc phải dùng sản xuất.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh xuất khẩu quyết liệt với Thái Lan, Indonesia… nên có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu việc dừng hoàn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo Công văn số 632/TCT-TTKT thì các doanh nghiệp xuất khẩu sắn đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng nếu vướng mắc hoàn thuế giá trị gia tăng không được tháo gỡ kịp thời có thể dẫn tới sự sụp đổ chuỗi sản xuất cây trồng tỷ USD và tác động tới các ngành khác có xuất khẩu biên giới tương tự như ngành sắn.

Hiệp hội Sắn Việt Nam với 42 thành viên đại diện cho hơn 80% sản lượng toàn ngành đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét việc thực hiện hoàn thuế dựa trên quy định pháp luật Việt Nam và hồ sơ thực tế của doanh nghiệp để bảo đảm tỉnh khách quan và công bằng trong thực thi pháp luật đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sắn./.

Cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau cây lúa, cây ngô với diện tích trồng hàng năm khoảng 530.000 hecta và được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi khó khăn, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động trong ngành hơn 1,2 triệu người.

Cây sắn đã và đang là cây có nhiều tiềm năng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách 13 cây chủ lực quốc gia, được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa, góp phần vào chương trình trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Chính phủ.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt tới 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới sau Thái Lan.