BVR&MT – Báo Tin Tức cuối tuần số 15 có chuyên đề “ Đồng bằng sông Cửu Long đối diện với biển xâm thực”. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu thêm những ý kiến về các thách thức của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: Đối diện nhiều thách thức
Thời gian tới, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Đó là tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và toàn cầu hóa về kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực sông khác, nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mêkông từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống trong khi nhu cầu về nước ngày càng tăng…
Đã đến lúc 6 nước trong lưu vực phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển.
Các bộ, Ủy ban Quốc gia sông Mêkông, cùng các nhà khoa học cần phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn từ khi chúng mới manh nha, chỉ ra kịp thời các tác hại để Chính phủ có cơ sở đàm phán vì lợi ích của đồng bằng và lợi ích của cả lưu vực.
Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hiện nay, cần phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng phải tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước mặn như là một tài nguyên như nhiều nước đã làm thành công, đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Mô hình phát triển ở đồng bằng phải chuyển dần, nhưng tích cực nhất có thể được, sang chiều sâu. Mảng công việc này đang chờ đợi sự cống hiến của các nhà khoa học.
Các bộ, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp là bức thiết. Về cơ chế, sự liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là cần thiết. Để phát triển bền vững, phải giải quyết tình trạng đồng bằng đang là vùng trũng về giáo dục. Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng cơ sở.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước
Sông Mêkông đang bị biến thành những cái hồ tích nước, nằm bên cạnh nhau, chứa nhiều nước. Những vùng đất phía hạ nguồn của sông sẽ không còn nước. Những vùng đất này cũng không thể tích nước làm hồ và sẽ trở thành vùng đất “chết”, không sa mạc hóa nhưng bị mặn hóa.
Sông Mêkông với lịch sử văn hóa của nó đang mất dần đi, kéo theo cả sự biến mất của một nền văn hóa – tài sản của loài người. Điều đó không còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực. Một sự đánh đổi tiền bạc với văn hóa, giữa sự giàu có tiền bạc của mấy quốc gia có giá với tài sản văn hóa vô giá của loài người.
Cách đối xử với sông Mêkông theo cách lạm dụng động cơ phát triển, nhân danh sự phát triển như hiện nay (không có tầm nhìn dài hạn, bắt nguồn từ nhu cầu cục bộ, không thể phối hợp) là căn nguyên của một quá trình “tự sát chiến lược”.
Sông Mêkông là một con sông quốc tế, là tài sản chung của các cư dân, dân tộc, quốc gia dọc sông. Điều đó là một sự “thiên định”. Các quốc gia không thể sử dụng sông Mêkông một cách tùy tiện, phục vụ cho nhu cầu phát triển cục bộ quốc gia, theo cách như đang diễn ra – không đếm xỉa gì đến lợi ích phát triển của cả vùng, đến số phận của những cư dân quốc gia “hạ nguồn”, đương nhiên bị kém lợi thế mặc cả về nguồn nước.
Thế giới đang toàn cầu hóa. Thế giới có nhu cầu bảo vệ tài sản của mình, vượt lên trên tầm nhìn lợi ích quốc gia cục bộ. Thế giới có năng lực và phương tiện để quản lý dòng chảy Mêkông, phục vụ lợi ích phát triển chung của vùng trong sự cân bằng và hài hòa giữa các quốc gia. Nhưng thế giới đang không làm điều đó.
Chỉ cứu được Mêkông bằng cách xóa bỏ tư duy “ao hồ hóa” dòng sông để kiếm lợi nhân danh sự phát triển. Tự nỗ lực của các quốc gia trong vùng đơn độc là không thể, không đủ.
Cần thành lập quỹ bảo vệ sông (dòng chảy) Mêkông. Ngăn sông thì phải đóng thuế. Quốc gia, doanh nghiệp nào ngăn càng nhiều dòng chảy, thu lợi cục bộ càng lớn, phải đóng thuế càng lớn. Quỹ đó bù đắp cho những vùng chịu thiệt vì dòng chảy.
Và cần xây dựng phong trào toàn cầu bảo vệ sông Mêkông là tài nguyên tự nhiên và tài sản văn hóa, nguồn lực phát triển của loài người.