Lo ngại nguy cơ hổ được buôn bán hợp pháp tại Trung Quốc

BVR&MT – Trong thời gian tới, Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc (SFA) sẽ chính thức công bố rằng liệu hổ có nằm trong danh sách các loài nguy cấp được phép nuôi nhốt hợp pháp và khai thác lấy da, xương, răng và móng hay không.

Một con hổ đực tại VQG Kaziranga, Ấn Độ. Chỉ còn lại chưa đến 4.000 con hổ tồn tại trong tự nhiên, trong khi săn bắt trộm tại Ấn Độ đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. (Ảnh: Steve Winter/National Geographic)

Các điều khoản trong Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã mới ban hành của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm nay chưa nêu rõ những loài được bảo vệ nào được phép buôn bán một cách hợp pháp ở Trung Quốc. Theo bà Debbie Banks, chuyên gia về hổ tại Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) tại London, Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc hiện đang tiến hành xây dựng danh sách này.

Khoảng 6.000 con hổ hiện đang được nuôi nhốt tại hơn 200 trang trại ở Trung Quốc. Việc nuôi hổ để buôn bán các bộ phận và sản phẩm từ hổ là trái với Quyết định năm 2007 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) – hiệp định quốc tế được ký kết bởi 183 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.

Xác hổ trong kho đông lạnh tại Trang trại Hổ và Gấu Guilin. (Ảnh: Belinda Wright, Wildlife Protection Society, Ấn Độ)

Theo luật Trung Quốc, chăn nuôi hổ quy mô lớn là hợp pháp, nhưng buôn bán các bộ phận của hổ thì bất hợp pháp. Tuy nhiên, từ năm 2004, Cục Quản lý Lâm nghiệp đã ban hành giấy phép bán da từ hổ nuôi nhốt để sử dụng cho mục đích “giáo dục” hoặc “khoa học”. Đây chính là lỗ hổng pháp lý mà thị trường chợ đen có thể lợi dụng. EIA đã phát hiện ra hàng loạt vụ lạm dụng giấy phép để bán da hổ cho khách hàng tư nhân và tiếp tục tái sử dụng giấy phép, khiến cho việc “rửa da” hổ hoang dã trở nên dễ dàng. Thậm chí một số kẻ đi buôn còn không có bất kì giấy tờ nào.

Nhiều cơ sở lai tạo hổ nuôi thương mại cung cấp cho rạp xiếc, vườn thú và nhiều điểm tham quan khác những con vật trưng bày để phục vụ du khách. Trong nhiều năm qua, nhiều nhóm bảo tồn và các phương tiện truyền thông đã phản ánh điều kiện sống khắc nghiệt tại các cơ sở này, với những chú hổ hốc hác chỉ còn da bọc xương, một số bị biến dạng do thiếu dinh dưỡng và giao phối cận huyết, bị nhốt trong những chiếc cũi bằng bê tông như các nhà tù.

Những con hổ không cần phải khỏe mạnh. Chúng được nuôi lớn nhằm mục đích sinh lời từ các bộ phận, đôi khi lên tới quy mô công nghiệp. Những trang trại nhân giống không đảm bảo có phương thức lai tạo tốc độ bằng cách tách con con khỏi mẹ của chúng ngay sau khi sinh, để con cái có thể nhanh chóng sinh ra một con hổ khác. Hai trong số những trang trại gây giống lớn nhất, với ít nhất 1.000 con hổ ở mỗi trang trại, được thành lập với kinh phí từ Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc – cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời giám sát và quảng bá việc nuôi hổ.

Một tấm thảm từ da hổ hợp pháp tại xưởng nhồi lông thú Xiafeng, Trung Quốc. (Ảnh: EIA)

Các sản phẩm từ hổ đã được sử dụng trong y học truyền thống Trung Quốc từ hàng thiên niên kỉ. Gần như mọi bộ phận của loài động vật này được sử dụng trong hầu hết bài thuốc trị các bệnh từ sốt, viêm khớp cho đến lở loét, ác mộng, hói đầu hay bất lực.

Thị trường các loại thuốc truyền thống từ hổ tăng vọt trong những năm 1990 song song với sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc- tầng lớp có đủ khả năng chi trả cho các sản phẩm đắt tiền. Để đáp ứng nhu cầu này, một số lượng lớn hổ hoang dã đã bị đặt bẫy, bắn chết và đầu độc, trong khi các trang trại hổ ở Trung Quốc tăng theo cấp số nhân.

Giá trị của các sản phẩm từ hổ tiếp tục tăng nhanh và hiện đang chiếm một thị phần nhỏ trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, nhu cầu đã thay đổi từ mục đích chữa bệnh trở thành biểu tượng của sự giàu có và quyền lực. Thiết đãi rượu xương hổ cũng giống như loại sâm panh thượng hạng Dom Pérignon. Những chai đắt nhất thậm chí còn được sưu tập như một khoản đầu tư, theo tiết lộ của chuyên gia về hổ  J.A. Mills, tác giả cuốn Blood of the Tiger (Máu Của Hổ).

Một bộ xương hổ ngâm trong rượu gạo tại Harbin, Trung Quốc để sản xuất ra rượu xương hổ. (Ảnh: Quỹ bảo tồn hổ)

Da hổ cũng thường được sử dụng làm quà cho các quan chức cấp cao hoặc giúp ký kết một hợp đồng kinh doanh. Trang trí bằng da hổ cũng giống như khoe một chiếc đồng hồ Rolex hoặc treo một bức tranh của họa sĩ Rembrandt. Theo tờ South China Morning Post, chứng kiến một con hổ bị giết, nấu chín, rồi sau đó ăn thịt là một hình thức đang trở nên phổ biến trong giới doanh nhân và các quan chức giàu có Trung Quốc.

Nhu cầu tăng, giá cả tăng, tất nhiên sẽ làm gia tăng nạn săn bắt. Thế giới hiện chỉ còn lại chưa đến 4.000 con hổ sống trong môi trường hoang dã, với khoảng 60 % tồn tại ở “thành trì” cuối cùng – Ấn Độ. Thế nhưng, nạn săn bắt hổ tại quốc gia này đã đạt tới mức cao nhất trong vòng 15 năm vào hồi năm ngoái.

Trong một cuộc họp CITES vào năm 2014, các đại biểu Trung Quốc thừa nhận có cấp giấy phép kinh doanh da thú, mặc dù không tiết lộ đã ban hành bao nhiêu giấy phép. Năm 2015, họ cũng thừa nhận không có khả năng giám sát các hoạt động buôn bán. Các quan chức cũng không đưa ra bình luận về các nhà máy rượu ở Trung Quốc hiện đang sản xuất rượu xương hổ, bất chấp lệnh cấm bán xương hổ vào năm 1993.

Những người này bị bắt giữ vào tháng 1/2011 khi đang cố gắng bán một tấm da hổ gần vùng Chandrapur, Ấn Độ. (Ảnh: Steve Winter/National Geographic)

Nếu Cục Quản lý Lâm nghiệp cho phép nuôi nhốt hổ hợp pháp trong bộ luật về động vật hoang dã mới sửa đổi, khi đó trách nhiệm cấp giấy phép sẽ được chuyển từ chính phủ xuống các tỉnh, khiến việc giám sát càng trở nên hạn chế. Theo bà Banks, bi kịch cho loài hổ và thảm hoạ đối với những chú hổ hoang dã sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Tại cuộc họp thường niên cấp cao ở Bắc Kinh, lần đầu tiên vấn đề nuôi hổ đã được đưa ra. Ông Yuan Xikun, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã đề xuất đóng cửa các cơ sở chăn nuôi hổ thương mại, đồng thời chỉ ra các tác động tiêu cực đến việc bảo tồn hổ hoang dã, gây tổn hại cho danh tiếng đất nước và vi phạm luật pháp quốc gia.

Một con hổ Sumatra được chụp trong môi trường hoang dã gần vùng Aceh, Sumatra. (Ảnh: Steve Winter/National Geographic)

Liệu cuộc thảo luận cấp cao này có giúp đưa hổ ra khỏi danh sách được buôn bán hợp pháp của Cục Quản lý Lâm nghiệp hay không? Bà Banks cho rằng, nếu việc nuôi nhốt hổ tại Trung Quốc thu hút được sự chú ý từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các nước trên thế giới, các phương tiện truyền thông quốc tế và Trung Quốc, cùng các tổ chức bảo tồn toàn cầu, đây có thể là niềm hy vọng còn sót lại cho loài hổ.

Hồng Anh/ Theo Mongabay