Lò đốt rác “tại gia”- Sản phẩm hiệu quả của Khối vận xã Bình Mỹ

BVR&MT – Từ khi có lò đốt rác tại gia, cảnh quan xóm làng sạch sẽ hẳn lên. Đặc biệt, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường hay bất cứ đâu không còn nữa. Điều đó cho thấy ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan sạch đẹp của người dân xã Bình Mỹ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã có những chuyển biến tích cực.

Ông Ngô Phụ đốt rác tại lò đốt rác của nhà mình cho chúng tôi xem.

Lò đốt rác Khối vận

Đây là câu nói tưởng như đùa của chị Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ Dân vận thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi mở đầu câu chuyện về người dân địa phương bỏ tiền làm lò đốt rác tại nhà.

Chị Nguyệt tự hào: “Hiện đến làng Phú Thọ và Trung An của thôn Phước Tích, ai cũng đều phải thừa nhận: Từ ngoài đường làng, ngõ xóm vào tận nhà từng hộ dân đều sạch rác. Rác không còn vứt bừa bãi như trước đây mà thay vào đó là ý thức tự giác thu gom rác rồi đem vào nhà đốt của người dân nơi đây trở thành quen thuộc”.

Chị Nguyệt cho biết: “Từ cuối năm 2017, khi mà hai khu dân cư (xóm) Phú Thọ và Trung An thộc thôn Phước Tích được Khối Dân vận của Đảng uỷ xã Bình Mỹ chọn làm điểm xây dựng lò đốt rác “tại gia” thì đây cũng là thời điểm mà ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn làng xóm sạch, đẹp của bà con địa phương được nâng cao rõ rệt. Mới đầu chỉ vài hộ là các gia đình đảng viên, cán bộ thôn xóm tham gia, nhưng sau đó, mọi người thấy sạch nên ai cũng thích, cũng muốn nhà mình có cái lò đốt rác để không còn “thừa rác” mà vứt bừa bãi khắp nơi”.

Đứng cạnh chị Nguyệt, ông Ngô Phụ (66 tuổi, xóm Phú Thọ) nói thêm: “Ban đầu tôi cũng là người chưa muốn xây lò đốt rác tại nhà. Thế nhưng sau khi thấy lò đốt rác của một số hộ trong xóm đốt rác rất hiệu quả nên đã làm theo. Trước khi xây lò, tôi còn được các anh em ở thôn và xã động viên, khích lệ, nói nếu tôi xây lò, xã sẽ hỗ trợ 400 ngàn đồng để xây. Nghe vậy, tôi về bàn với vợ và các con tiến hành xây lò. Từ ngày có cái lò này, nhà tôi không còn rác, từ trong nhà ra ngoài ngõ đều sạch sẽ. Tro đốt rác tôi còn dùng để bón cây trong vườn”.

Theo chân ông Ngô Phụ, chúng tôi đến xem thực hư sự hiệu quả của cái lò đốt rác “tại gia” của nhà ông. Vừa về đến nhà, ông gọi cô con gái lớn: “Nhà còn rác không?”. Cô con gái mới đầu không hiểu chuyện gì, nhưng sau khi biết bố mình muốn giới thiệu lò đốt rác của gia đình với chúng tôi nên nói lớn: “Có một ít con vừa nhặt được ngoài vườn vào”. Thế là từ số rác này, ông Phụ đưa chúng tôi vào góc vườn nhà mình xem lò đốt và “biểu diễn” kỹ năng đốt rác của mình.

Theo quan sát của chúng tôi, lò của nhà ông Phụ có diện tích chừng hơn 1m chiều ngang, cao hơn 1,5m. Tuy nhỏ vậy nhưng nó vẫn đảm bảo đủ số lượng rác mà gia đình thu gôm được trong ngày để đốt.

Lò được thiết kế thoáng và có hệ thống lưới chắn gió cũng như lọc rác, lọc nước. Bên trên lò có một bệ chắn bê tông dùng để phơi rác nếu rác bị ước.

Sau khi xem số rác trong lò vừa cháy hết, chị Nguyệt giới thiệu thêm: “Hiện toàn thôn Phước Tích có hơn 80 lò hoạt động rất hiệu quả. Riêng tại xóm Phú Thọ và Trung An là 2 xóm đầu tiên được Khối vận của xã chọn làm điểm để phát động xây dựng lò. Sau hơn 1 năm phát động, đến nay tại xóm Phú Thọ có hơn 40 lò, xóm Trung An khoảng 30 lò, số lò còn lại ở các xóm khác trong thôn. Từ ngày có các lò đốt rác này, người dân địa phương gọi vui là “Lò đốt Khối vận”. Bởi chính Khối Dân vận của xã Bình Mỹ đã nghĩ ra và cho tiến hành xây dựng loại lò đốt rác rất thiết thực này” – Chị Nguyệt nói thêm.

Sau gần 2 năm phát động, đến nay tại địa bàn thôn Phước Tích có trên 40 lò đốt “tại gia” hoạt động rất hiệu quả.

Mô hình hiệu quả cần nhân rộng

Trao đổi với chúng tôi về mô hình lò đốt rác tại nhà ở xóm Phú Thọ và Trung An thuộc thôn Phước Tích, đồng chí Đoàn Thị Thu Vân, Phó Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Khối Dân vận xã Bình Mỹ cho biết: Đây là mô hình riêng có của địa phương, được chính các đồng chí trong Khối vận của xã nghĩ ra.

Trước đó, vào cuối năm 2016, do yêu cầu xử lý rác đảm bảo vệ sinh ở các địa bàn dân cư của xã khi địa phương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Để tìm ra cách xử lý rác hiệu quả và tiện lợi cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Qua nhiều lần trao đổi tại các cuộc họp, lãnh đạo Đảng uỷ và UBND xã Bình Mỹ đã cử đoàn công tác do đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ xã làm trưởng đoàn đến các địa phương ở các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Sau chuyến đi này, đoàn công tác lấy mô hình lò đốt rác cộng đồng ở tỉnh Quảng Ninh làm cơ sở để xây dựng lò đốt rác cho các hộ dân trong xã.

Cũng theo lời đồng chí Đoàn Thị Thu Vân, sự khác biệt của lò đốt rác “tại gia” ở xã Bình Mỹ với lò đốt rác cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh ở chỗ: Lò đốt rác ở Quảng Ninh là lò phục vụ cho cộng đồng, lò có quy mô rất lớn và được đốt rác chung của cả thôn, xã. Còn lò đốt rác “tại gia” ở xã Mỹ Mình nhỏ, diện tích từ khoảng 1,5m2 trở lên, tuỳ nhu cầu đốt và quỹ đất của các gia đình, nên phù hợp với hộ cá thể và không tốn nhiên liệu mồi đốt.

“Do có diện tích nhỏ, quy mô đốt khoảng từ 15 – 20kg rác trở lại cho một lần đốt sẽ phù hợp với lượng rác thu gôm của hộ gia đình. Điều này vừa tiện là vào buổi sáng, các hộ gia đình thường quét dọn, vệ sinh sẽ thu gôm được vài kg rác rồi đưa vào lò để đốt. Ở đây, có một công đoạn cần lưu ý người đốt rác khi gặp rác là chất không cháy như ve chai, sắt thép… phải loại ra, cứ 3 đến 4 ngày sẽ có tổ thu gom của xã đi qua để thu gom. Ngoài tiện ích trên, do quy mô lò nhỏ các gia đình phải thường xuyên làm vệ sinh quét dọn mỗi ngày, từ đó giúp bà con nâng cao hơn ý thức tự giác bảo vệ môi trường” – đồng chí Đoàn Thị Thu Vân chi sẻ.

Khẳng định thêm tính hiệu quả của lò đốt rác “tại gia” này, đồng chí Trần Quang Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho rằng, do quy mô lò nhỏ nên khối lượng cát, đá xây lò không nhiều, từ đó kinh phí đầu tư xây lò không lớn, khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/lò. Điều này phù hợp với điều kiện của các hộ dân nông thôn.

Ngoài ra, để hỗ trợ bà con xây lò, xã Bình Mỹ còn trích từ Quỹ môi trường trong xây dựng nông thôn mới 400 ngàn đồng để hỗ trợ cho mỗi hộ xây lò. Trên cơ sở đó, các hộ sẽ bỏ thêm từ 600 ngàn đến đến 1 triệu đồng là đủ để xây dựng lò đốt rác ngay tại trong khuôn viên nhà mình.

Theo đồng chí Trần Quang Hà, hiện tại xã Bình Mỹ có 1 mỏ đất và 1 mỏ cát. Thời gian qua xã đã vận động chủ hai mỏ cát và đá này trợ giá thấp hơn thị trường để các hộ dân có điều kiện xây lò.

Trong khi đó, xã Bình Mỹ có 3 thôn và 15 khu dân cư với số dân hơn 8.000 người (gần 1.800 hộ). Đa số các hộ dân địa phương đều làm nghề nông nên rác thải ra chủ yếu là rác sinh hoạt và rác nông nghiệp. Từ nhiều năm nay, xã Bình Mỹ đã hợp đồng với Công ty xử lý rác Lilama từ TP. Quảng Ngãi lên thu gom mỗi ngày để chở về các bãi tập trung của huyện và tỉnh để xử lý.

Tuy nhiên, thực tế khó khăn là đường vào các khu dân cư của xã khó đi, xe thu gôm rác của Công ty Lilama không vào được nên Công ty chỉ thu gom rác tại những khu vực có đường lớn. Do vậy, tình trạng vứt rác bừa bãi khắp nơi trong các khu dân cư xa, không có đường cho vào thu gom rác, đã gây ô nhiễm môi trường khá gây gắt. Vì thế, việc ra đời lò đốt rác tại gia đình hiện nay là rất thiết thực, giải quyết được lượng rác thải ra môi trường ở các khu vực dân cư này.

Từ khi có lò đốt rác tại các gia đình, đường làng, ngõ hẻm ở xóm Phú Thọ sạch sẽ hẳn ra.

Nói về cách làm của xã, Phó Bí Đảng uỷ, Trưởng Khối Dân vận xã Bình Mỹ – Đoàn Thị Thu Vân cho rằng, do đây là loại lò đốt rác mới chưa được nhiều người biết nên để phát động nhân dân tham gia xây lò tại nhà, Khối vận của xã đã chọn 2 khu dân cư Phú Thọ và Trung An thuộc thôn Phước Tích làm điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích từ mô hình lò đốt rác này rồi mới nhân rộng.

“Qua gần 2 năm thực hiện, cuối năm 2018 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết các mô hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh, Khối Dân vận xã Bình Mỹ đã vinh dự báo cáo điển hình về mô hình lò đốt rác tại gia này. Trên cơ sở đó, vào đầu tháng 3 tới, Ban Dân vận Tỉnh uỷ và các ngành có liên quan sẽ đến xã Bình Mỹ để khảo sát, nắm lại mô hình lò đốt rác này trước khi phát động, nhân rộng trong toàn tỉnh. Riêng với xã Bình Mỹ, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành nhân rộng lò đốt rác “tại gia” ra các khu vực dân cư khác như: xóm Đông Thạnh, Tây Mỹ (thôn Phước Tích); xóm 1, xóm 3, xóm 4 (thôn Thạch An) và các khu dân cư khác theo điều kiện cụ thể của xã. Đồng thời, xã cũng dự kiến sẽ kêu gọi các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh phí giúp các hộ chính sách, gia đình khó khăn trong xã xây lò, qua đó góp phần làm cho xóm làng sạch rác, đảm bảo vệ sinh môi trường” – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã Bình Mỹ – Đoàn Thị Thu Vân chia sẻ thêm.