Lĩnh vực trồng trọt: Làm sao vượt qua ngưỡng cao của năm 2018?

BVR&MT – Một trong những thách thức đặt ra cho lĩnh vực trồng trọt trong năm 2019 chính là làm sao vượt qua ngưỡng cao của năm 2018 về tốc độ tăng giá trị sản xuất (2,52%) và vượt qua con số giá trị xuất khẩu 19 tỷ USD, đạt 21 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra.

Trái cây là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận diện thách thức

Lĩnh vực trồng trọt đang phải đối diện với nhiều thách thức khi ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, sâu bệnh đang đe dọa đến năng suất, sản lượng cây trồng; vấn đề đòi hỏi khắt khe của các thị trường xuất khẩu khi yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm ngày càng cao. Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai Kế hoạch năm 2019 của Cục Trồng trọt vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cần nhận diện rõ những thách thức trên.

“Lúa gạo chúng ta thấy rộng như vậy nhưng rất manh mún, nhỏ lẻ; trực tiếp chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt được một số ngành làm tốt nhưng nhìn chung hiện nay đang là vấn đề. Thị trường yêu cầu phải có chất lượng, sản xuất phải nói rõ được ở đâu, phải có quy chuẩn, nhãn mác hàng hóa” – Thứ trưởng phân tích.

Cùng với đó là vấn đề về sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. “Bệnh lùn sọc đen, vụ mùa 2017 ảnh hưởng tới hơn trăm nghìn tấn thóc, tất nhiên do ảnh hưởng bão số 10, nhưng lý do chính là bệnh này. Rồi sau nhiều năm chúng ta thâm canh xuất hiện bệnh về rễ, đây là bệnh rất khó chữa” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ví dụ.

Tương tự như với mặt hàng sắn, là cây “tỷ đô” trong năm 2017 nhưng năm 2018, do ảnh hưởng của bệnh khảm lá sắn đã làm giảm lượng lớn năng suất, vì vậy, dù rất được giá nhưng ngành hàng này đã giảm nhiều về giá trị xuất khẩu. Năm 2018, sản lượng sắn đạt 9,94 triệu tấn, giảm 327 nghìn tấn, tương đương với mức giảm 38,1% so với năm 2017; giá trị xuất khẩu 959 triệu USD, giảm 6,8% về giá trị.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, một trong những thách thức lớn của lĩnh vực trồng trọt chính là “đỉnh cao” của năm 2018. Theo Thứ trưởng, nếu như ngành nông nghiệp, năm 2018 tốc độ tăng GDP đạt 3,76% là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây thì mức tăng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt 2,52% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Đây là mức tăng không nhỏ của trồng trọt, chưa kể, vượt qua giá trị xuất khẩu 19 tỷ USD trong năm 2018 để đạt được con số đề ra 21 tỷ USD trong năm 2019.

Những yêu cầu của thị trường xuất khẩu không thể không nhắc đến. Với thị trường Trung Quốc, theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định, đã có 8 loại quả xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm. Hiện đang có thêm 5 loại quả yêu cầu xuất khẩu chính ngạch và phía Trung Quốc đang đòi hỏi truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin.

“Nếu Việt Nam không đáp ứng nhanh được yêu cầu này thì chúng ta không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mà xuất khẩu chính ngạch giá cao nhiều hơn so với tiểu ngạch” – ông Trần Xuân Định nhấn mạnh.

Vượt qua khó khăn

Để đạt được mục tiêu, theo ông Nguyễn Quốc Mạnh – Trưởng phòng cây công nghiệp, cây ăn quả (Cục Trồng trọt), với 21 tỷ USD đề ra trong năm 2019, riêng cây công nghiệp sẽ phấn đấu đạt ở mức từ 16-16,5 tỷ USD.

Với những cây có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, trong đó có cà phê, để giữ được ở mức sản lượng 1,6-1,65 triệu tấn không khó trong năm 2019 khi chương trình tái canh cà phê thực hiện khá thành công, cho năng suất tốt.

Với cây điều, hiện nay lứa điều đầu tiên đang ra hoa. So với năm trước, nếu năm nay thời tiết thuận lợi, có thể duy trì trên 300 nghìn tấn điều thô cho sản xuất. Dù vậy, điều đáng lo ngại là giá điều biến động. Nếu như năm 2016, giá điều ở mức 28 nghìn đồng/1 kg điều thô, giai đoạn 2017-2018, thời kỳ cao điểm nhất là 56 nghìn đồng/1kg điều thô. Hiện nay, giá điều đã giảm xuống, tuy nhiên, nhìn về bình diện chung, hy vọng từ cây điều là năng suất. Năng suất điều dự kiến năm 2019 sẽ đạt 1,1 tấn/ha, cao hơn so với năm ngoái với mức 9,3 tạ/ha.

Với cây ăn quả, trước yêu cầu khó khăn của thị trường Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đề xuất với Cục Bảo vệ Thực vật trao đổi, mở cửa thêm một số cây ăn quả khác, trong đó có 3 cây được ưu tiên gồm: Bưởi, chanh leo, sầu riêng – đây là những cây có tiềm năng về giá trị xuất khẩu ở thị trường này.

Riêng về cây lương thực là lúa gạo, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, vấn đề cần làm sao duy trì được đà của năm 2018 khi đây là năm được đánh giá “được mùa, được giá” đối với cây lương thực ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long,…

Đặc biệt, cần chú trọng đến nhóm gạo japonica, bởi có những thời điểm xuất khẩu “cháy hàng”, đồng thời cũng là nhóm lúa có sức chịu rét tốt ở vụ Đông Xuân, không sợ chết mạ và là nhóm gạo mà Việt Nam đang có lợi thế về thị trường xuất khẩu rộng mở, các tỉnh miền Bắc có điều kiện để trồng nhóm lúa này. Vì vậy, cần có sự vào cuộc và chỉ đạo chặt chẽ hơn, có cơ chế, chính sách nhà nước để thúc đẩy mặt hàng gạo japonica và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để đạt được mục tiêu đề ra, cần bám sát diễn biến của sản xuất. Thời điểm này, các nhóm cây trồng đang thuận lợi, dù vậy không nên chủ quan bởi diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, rất cần quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Cục Trồng trọt. Mặt khác, cần bố trí giống cây trồng phù hợp, đánh giá những mô hình đã triển khai để rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Với mặt hàng rau, theo ông Nguyễn Văn Vương – Phó Trưởng phòng cây lương thực, cây thực phẩm, các tỉnh miền núi cần phát triển theo hướng rau an toàn, đồng thời có định hướng để phổ biến cho các địa phương quy chuẩn về rau an toàn nhằm nâng cao giá trị sản xuất của rau. Đặc biệt là liên kết giữa vùng sản xuất rau và nhà máy chế biến. Trong những năm vừa qua, một số nhà máy chế biến đã xây dựng và hoàn thành, năm 2019, hy vọng sản phẩm chế biến rau sẽ có khởi sắc hơn.