Linh hoạt trong xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh

BVR&MT – Sau 13 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu, được cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Bằng lợi thế sẵn có cũng như tranh thủ các nguồn lực, các địa phương đang có nhiều giải pháp linh hoạt để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh.

Thị xã Duy Tiên. Ảnh: Hà Nam

Tùy từng giai đoạn mà chương trình có những thay đổi cụ thể nhằm thúc đẩy các địa phương nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội; tạo nguồn lực lớn để xây dựng vùng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh

Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương. Sự tham gia của người dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho Chương trình.

Năm 2022, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn ở mức cao như: Mở rộng đường giao thông nông thôn lên 5m mặt thảm nhựa, 2 bên có hệ thống cống thoát nước, để thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Khi triển khai, một lần nữa người dân trong xã không ngần ngại dỡ bỏ các công trình xây dựng, hiến đất, dịch tường để mở rộng đường với tinh thần đường mở đến đâu, tự nguyện hiến đất đến đó. Đơn cử như, gia đình ông Nguyễn Đức Ngà, xóm Quang Trung, thôn Yên Lệnh hiến 60m2 đất; gia đình ông Nguyễn Bá Huy, hiến gần 200m2.

Nhờ có sự đồng thuận của người dân mà từ năm 2019 đến nay, xã Chuyên Ngoại thực hiện 23 dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông trên 13 tuyến đường trục thị xã, trục xã, trục thôn. Để mở rộng các tuyến đường trục liên thôn, liên xã, Ủy ban nhân dân xã Chuyên Ngoại đã vận động gần 500 hộ dân sống hai bên đường dịch tường hiến đất làm đường với tổng diện tích gần 7.000m2 có tổng giá trị gần 70 tỷ đồng, bao gồm tiền đất quy đổi và các hạng mục xây dựng phá dỡ như tường bao, nhà ở, các công trình phụ trợ…

Thành công của xã Chuyên Ngoại đã lan tỏa trên địa bàn thị xã Duy Tiên. Từ năm 2022 đến nay, thị xã đã huy động hơn 327 tỷ đồng tiếp tục nâng cao các tiêu chí thuộc nhóm phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn… góp phần duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới của thị xã nói riêng và toàn tỉnh nói chung hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện đề án hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh vào năm 2025, Hà Tĩnh đã xác định ưu tiên, nỗ lực thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Do đó, bên cạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP.

Hiện toàn tỉnh có 286 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 272 sản phẩm 3 sao, 14 sản phẩm 4 sao… cho doanh thu tăng hơn 200%, sản phẩm tăng ít nhất là 20% so với trước. Nhờ vậy, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 46,08 triệu đồng (gấp 5,5 lần so năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,79% (năm 2011 là 23,91%). Đây chính là những bước đi cụ thể để Hà Tĩnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn một cách đồng bộ, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Việt, cho biết, kết quả đạt được lớn nhất trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đó là đã chuyển biến cơ bản tư duy, nhận thức của đa số người dân và cán bộ về xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã, thôn vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết giúp phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh thành công.

Linh hoạt các giải pháp

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh tiếp tục xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đặc biệt, triển khai toàn diện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt gần 53,7 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Đây chính là nguồn nội lực quan trọng để Hà Nam hoàn thành mục tiêu làm mới nông thôn mới.

Tuy nhiên, những thành công của Hà Nam không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện. Thực tế cho thấy, mặc dù số xã đạt nông thôn mới đã tăng 11,3% so với cuối năm 2020 nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa các vùng miền (khu vực miền núi phía bắc chỉ có 47,7% số xã đạt). Đây chính là thách thức không nhỏ trong thực hiện mục tiêu nâng số tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tổng nhu cầu đề xuất hỗ trợ xây dựng tỉnh nông thôn mới là 4.820 tỷ đồng. Tuy nhiên giai đoạn 2021-2025 Trung ương chỉ bố trí khoảng 1.178,935 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình, chưa bố trí nguồn vốn thực hiện Đề án tỉnh nông thôn mới nên một số nội dung, nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện được.

Hiện các tiêu chí như cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; văn hóa; môi trường và cảnh quan nông thôn; việc làm-thu nhập-hộ nghèo sẽ rất khó hoàn thành đúng kế hoạch (năm 2025) của tỉnh Hà Tĩnh đang rất cần vốn để triển khai.

Bên cạnh nguồn vốn để địa phương thực hiện mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, thì nguồn vốn để duy trì chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn cũng rất cần được bổ sung. Do đó, bên cạnh nguồn vốn từ trung ương, các địa phương đang đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các sáng kiến, mô hình phù hợp trong phát triển kinh tế, du lịch gắn kết với phát triển bảo tồn văn hóa địa phương.

Để mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh sớm hoàn thành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổng hợp, hoàn thiện phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế và đặc thù của từng vùng, miền (Dự kiến hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023).

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra những gợi ý cơ bản cho mỗi địa phương thông qua các sáng kiến đẩy mạnh sản xuất, du lịch, khuyến nông. Bộ trưởng khẳng định, xây dựng nông thôn mới không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất khang trang mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, di sản. Các tỉnh cần coi giá trị nông thôn như di sản, tài sản quý giá, từ đó xây dựng chiến lược du lịch làng nghề, nông thôn, bảo vệ và phát huy văn hóa cộng đồng, làng xã. Đây mới chính là chất bột để gột nên hồ trong đẩy nhanh tiến trình hoàn thành xây dựng mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh và làm mới nông thôn mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn mục tiêu xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.