Liệu người dân có “trắng tay” sau khi sổ hồng chung cư cấp 50-70 năm hết hạn?

BVR&MT – Mới đây, tại dự thảo đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến có đưa ra 2 phương án sửa đổi. Vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn của người dân, và các chủ đầu tư bất động sản.

Theo đó, Phương án thứ nhất là thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sở hữu sử dụng công trình. Theo phương án này thì tuỳ thuộc vào cấp công trình của dự án nhà chung cư thì người mua căn hộ chung cư sẽ được sở hữu với thời hạn tương ứng, ví như dự án nhà chung cư có cấp công trình cấp 2 thì thời hạn sở hữu căn hộ chung cư sẽ là 50 năm.

Phương án thứ hai ghi nhận thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư sẽ tương ứng với thời hạn sử dụng loại đất ở là lâu dài.

“An cư lạc nghiệp” lại trở thành hợp đồng thuê nhà dài hạn?

Trước đề xuất của Bộ Xây dựng về thời hạn sở hữu nhà chung cư, người dân đặt ra rất nhiều câu hỏi về vấn đề mình sẽ gặp phải khi sổ hồng hết hạn. Khi đó, căn hộ bị phá bỏ, người dân sẽ được cấp quyền sử dụng cho 1 căn hộ mới hay sẽ bị tước luôn quyền sở hữu tài sản.

Anh Lê Thành Đạt (23 tuổi, Hà Nội) cho biết khi biết thông tin cấp “sổ hồng” có thời hạn cho căn hộ chung cư đang được đưa ra lấy ý kiến, mới nghe thì thấy có phần hợp lý vì chung cư cũng chỉ sử dụng được 50 – 70 năm. Theo anh Đạt: “Thực tế thì vấn đề sổ hồng chung cư cấp 50-70 năm còn nhiều điều chưa hợp lý bởi giá căn hộ trước khi đến tay khách hàng đã được cộng thêm rất nhiều thuế, phí khác, trong đó có thuế đất để xây dựng dự án. Sau khi hết hạn thì liệu người dân có chung cư như tôi sẽ ở đâu, được đền bù như thế nào và có bị tước luôn quyền sở hữu tài sản không? Bộ Xây dựng cần có những đề xuất, phương án để Luật đất đai được chặt chẽ, hợp lí và đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Theo chị Nguyễn Huyền Trang (22 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội): “Tôi rất băn khoăn về những giải pháp đối với người dân sở hữu chung cư sau khi sổ hồng hết thời hạn. Nếu chung cư bị giới hạn 50-70 năm trong khi nhà đất ở lại không có vấn đề giới hạn này sẽ tạo ra nhiều bất cập. Bỏ ra một khoản tiền lớn tiết kiệm mà chỉ được sử dụng chung cư trong thời gian có hạn thì quả thật đáng lo ngại. Hy vọng Bộ Xây dựng sẽ có câu trả lời cụ thể về những giải pháp sau khi sổ hồng chung cư hết hạn đến người dân”.

Bảo đảm quyền và lợi ích của người dân

Trước giờ, người Việt coi việc sở hữu nhà không chỉ là nơi để ở mà là một loại tài sản để dành, truyền nối lại con cháu. Chúng ta đặt ra câu hỏi, nếu chung cư có thời hạn 50-70 năm thì có khác nào đi thuê nhà giá cao và khi đó tài sản của người dân còn lại gì.

Theo Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm) vấn đề cấp sổ hồng cho chung cư là vấn đề dân sinh rất lớn. Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Đề xuất của Bộ Xây dựng lần này phù hợp với các quy định, quy chuẩn về xây dựng và an toàn đối với các công trình xây dựng. Tuy nhiên khi bàn về nhà chung cư mà chỉ bàn về chất lượng công trình thì chưa đủ bởi nó chỉ là một phần cấu thành của vấn đề nhà chung cư. Nền tảng cốt lõi là vấn về đất, quyền sở hữu đất đai, giá trị đất đai”.

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú, sau 50-70 năm sổ hồng hết hạn, nhà nước lúc đó cũng không thể có kinh phí để đi tạo lập nhà ở mới cho nhân dân, hơn nữa cũng không phù hợp với các quy định của pháp luật. Đây là mối quan hệ dân sinh giữa chủ đầu tư và người dân, không phải mối quan hệ hành chính giữa nhà nước với người dân. Vấn đề vô lí ở đây chính là nếu đất thời điểm đó thuộc chủ đầu tư thì không thể chấp nhận được vì trước đây người dân đã mua cả nhà và đất.

Vấn đề cấp sổ hồng chung cư 50-70 đặt ra rất nhiều băn khoăn cũng như nhiều dấu hỏi cho người dân. Câu hỏi đặt ra là khi nhà nước thu hồi đất, yêu cầu người dân ra khỏi công trình để giữ an toàn thì đất ở khu vực đó sẽ làm gì và thuộc về ai? Nếu người dân trả lại nhà mà chủ đầu tư lấy lại đất thì liệu có trả lại tiền cho người dân hay không?

Tuyết Lan