Lên Lào Cai nghe giai điệu “Hó tơ” của người Hà Nhì

BVR&MT – Không chỉ đối đáp bằng lời nói, cử chỉ ánh mắt, người Hà Nhì ở Lào Cai đã chế tác một loại nhạc cụ từ cây gỗ quý trên rừng già để gửi gắm những tâm tư, nỗi lòng qua những giai điệu vần nhịp… Loại nhạc cụ ấy được người dân đặt tên là Hó tơ. Tiếng đàn Hó tơ khi cất lên cũng là tâm tư của người chơi đàn muốn nói.

Đàn Hó tơ được sử dụng trong những dịp lễ, tết của dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh)

Trong các loại nhạc cụ truyền thống, thì chiếc đàn tròn – hay còn gọi là Hó tơ với người Hà Nhì chiếm vị trí khá đặc biệt và quan trọng trong đời sống người dân nơi đây. Tiếng đàn thường được ngân lên vào dịp lễ Tết đầu năm, Lễ hội cầu mùa… Những dịp ấy, đàn ông Hà Nhì lại mang đàn Hó tơ ra tấu lên những bản nhạc tươi vui mừng năm mới. Chính vì thế, nhạc cụ này được đồng bào Hà Nhì gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn đi cùng năm tháng với di sản dân ca dân vũ, làm nên nét độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Ông Ly Hờ Vù, ở thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai – một trong những người còn biết chế tác nhạc cụ đàn Hó tơ chia sẻ: Người Hà Nhì rất cầu kỳ trong việc chế tác đàn Hó tơ, cầu kỳ từ khâu lựa gỗ. Thời trước, chiếc đàn Hó tơ quý lắm, được coi như báu vật thiêng trong đời sống văn hóa tộc người Hà Nhì. Để mua được chiếc đàn, nhiều đồng bào dân tộc Hà Nhì phải bán cả một con trâu mộng mới đủ tiền.

Ông Ly Hờ Vù cầm chiếc đàn Hó tơ trên tay vừa chỉ cho chúng tôi xem, vừa giảng giải về cấu tạo của chiếc đàn tròn độc đáo này: Đàn Hó tơ được làm bằng loại gỗ tốt lấy ở rừng, bầu đàn hình tròn, mỏng. Cần đàn làm bằng loại gỗ cứng dày 6cm, dài 80 cm, đầu cần có 4 nút gỗ vặn chỉnh dây. Đàn Hó tơ có bốn dây, làm bằng dây cước hoặc dây phanh xe đạp. Mặt đàn rộng tròn 40cm, dày 1,5-2 cm, mặt đàn càng mỏng âm thanh nghe càng vọng.

Trên mặt đàn, thợ làm đàn trang trí 8 hình tròn đối xứng cân từng cặp, các hình tròn trang trí viền ngoài có độ to nhỏ khác nhau trông rất đẹp mắt. Thường thì thợ đàn làm 2 quả bông len nhỏ với nhiều màu sắc buộc ở mặt đàn tạo sự ấn tượng và hấp dẫn, bắt mắt người thưởng thức đàn. Ở giữa mặt đàn tròn có lỗ hở nhỏ là nơi phát ra âm thanh. Dây treo đàn làm bằng sợi vải bông bện lại, khi đánh đàn người chơi đàn thường dùng dây đàn đeo qua cổ, đặt đàn ở bên phải bụng để gảy đàn. Dụng cụ gảy đàn là móng tay giả được làm bằng nhựa hoặc cật trúc.

Từ thời còn trai trẻ, ông Sần Xe Lúy, thôn Choản Thèn đã nhờ tiếng đàn nói hộ lòng mình đến người yêu thương trong bản, cô gái Hà Nhì mà ông thầm thương trộm nhớ. Bao năm trôi qua, bàn tay Sần Xe Lúy vẫn lướt trên các phím đàn, tấu lên những thanh âm chứa chan cảm xúc. Giờ thì ông Sần Xe Lúy trở thành người chơi đàn Hó tơ có tiếng ở vùng cao Y Tý. Tiếng đàn Hó tơ cất lên cũng là tiếng lòng của người chơi đàn muốn nói. Lúc buồn, người chơi đánh bản nhạc buồn làm day dứt người nghe. Lúc vui, bên mâm rượu cạnh bếp lửa hồng, chủ đàn gảy bài đàn mời rượu, tiết tấu nhanh, vui nhộn, làm cho cả chủ và khách đều cảm thấy không khí của bữa tiệc thật đầm ấm, chan chứa tình người.

Trải qua bao đổi thay của mưa nắng, thăng trầm của cuộc đời, buồn vui của mỗi người đều được gói gọn trong từng thanh âm sâu lắng. Khi ngôn từ khó có thể diễn tả được hết ý nghĩa của tiếng lòng của mọi người trao gửi cho nhau thì những tâm tư của đồng bào Hà Nhì đã được Hó tơ chuyển tải đầy đủ. Qua tiếng đàn thổ lộ tâm tư, tình cảm, mọi người có thể biết được tâm tư, tình cảm hay những nỗi lòng chưa nói của người chơi đàn.

Tiếng đàn Hó tơ vang lên cùng với làn điệu dân ca, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con cháu lễ phép, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, dạy đạo lý làm người. Có thể nói, mỗi người Hà Nhì từ khi sinh ra và lớn lên, đều được nghe ông, bà hoặc người cao niên trong bản đệm đàn Hó tơ để hát dân ca trong những dịp lễ hội quan trọng, như Tết Ga tho tho, lễ hội Khô già già…