Lệ Thủy (Quảng Bình): Phát triển quản lý rừng bền vững

BVR&MT – Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện hợp phần cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống tại vùng đệm thông qua xây dựng hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC của Dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học và phát huy các dịch vụ sinh thái của Rừng phòng hộ Động Châu – Khe Nước Trong” tại huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Theo đó, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là địa bàn được chọn thí điểm cho việc thành lập HTXLNBV và tham gia chứng chỉ rừng (CCR) FSC. Sau đó, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý rừng bền vững gắn với CCR FSC trên địa bàn huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Xây dựng hợp tác xã lâm nghiệp đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Ảnh minh họa.

Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng rừng theo kiểu bộc phát, mạnh ai nấy làm, chính vì thế khi vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã gặp nhiều khó khăn. Bởi, khi trồng rừng theo tiêu chuẩn, người trồng rừng phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch. Trước đó, trong tháng 1/2020, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã hoàn thành cuộc khảo sát và đánh giá được nhu cầu thành lập HTXLNBV gắn với việc phát triển rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC ở tỉnh Quảng Bình.

Ngày 16/11/2020, HTXLNBV được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và theo chuỗi giá trị gỗ Keo FSC với 22 thành viên. Với mục đích cung cấp cây giống, vật tư phân bón có chất lượng rõ nguồn gốc, thu mua rừng non, khai thác và mua bán gỗ rừng trồng, cưa xẻ và chế biến gỗ, bảo vệ rừng trồng cho thành viên và các chủ rừng khác.

Đến nay, toàn xã Kim Thủy có 110 chủ rừng là hội viên của Hội chủ rừng Phát triển bền vững FOSDA – Lệ Thủy, với diện tích 743,05 ha rừng trồng Keo đã đăng ký tham gia CCR FSC với mục đích kinh doanh gỗ nhỏ kết hợp gỗ lớn. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, phần lớn diện tích rừng của các hộ gia đình đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Nhờ vậy, không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức để phát triển rừng theo hướng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Tuy nhiên, ngoài các chủ rừng trên, thì còn các chủ rừng khác do chưa đáp ứng yêu cầu chủ quyền về đất đai, diện tích rừng của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; nhiều chủ rừng đang còn phân vân về lợi ích khi tham gia FSC, do chưa có thông tin đầy đủ đồng thời do nguồn hỗ trợ của dự án có hạn, hiện nay mới chỉ có tương đối ít chủ rừng được tham quan mô hình, hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn FSC nên tiềm năng để tham gia CCR FSC chưa được khai thác tối đa.

Ngoài vận động các chủ rừng tham gia QLRBV và CCR FSC, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã thỏa thuận hợp đồng đầu tư, xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn với chủ rừng là ông Hồ A Lai tại thôn Cồn Cùng, tiến hành khảo sát thực địa, lập đề cương kỹ thuật xây dựng mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn với diện tích 6,65 ha Keo. Mô hình này mở ra triển vọng nhân rộng chuyển hóa rừng trồng Keo từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao giá trị gia tăng cho các hộ trồng rừng.

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt cần tiếp tục hỗ trợ hội đồng quản trị, cán bộ HTXLNBV An Thiên được học các chuyên đề quản trị hợp tác xã do Liên minh hợp tác xã tỉnh và Chi cục PTNT tổ chức. Đồng thời, nghiên cứu tạo điều kiện để HTXLNBV An Thiên có thể xây dựng được vườn ươm cây giống chất lượng cao để cung cấp cho thành viên và các chủ rừng có nhu cầu trên địa bàn. Hỗ trợ nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng thông qua hình thức mua lại rừng non của chủ rừng, thành viên. Bên cạnh đó, hỗ trợ hợp tác xã tiến hành việc nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn thông qua biện pháp mua lại rừng non của chủ rừng, thành viên thuộc đối tượng khó khăn có nhu cầu bán rừng non để giải quyết nhu cầu cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng dự án đầu tư sơ chế gỗ và tạo điều kiện thuận lợi thuê đất làm mặt bằng cơ sở chế biến gỗ để khởi công xây dựng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, hợp tác xã và nhóm hộ trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên, đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu của thị trường đồ gỗ xuất khẩu. Qua đó, vận động mở rộng quy mô CCR FSC. Phấn đấu năm 2021, tối thiểu mở rộng quy mô rừng trồng Keo tham gia CCR FSC tăng thêm từ 1.000 – 2.000ha.

Thanh Hằng (Đài TH Lệ Thủy)