BVR&MT – Lập bản đồ quy hoạch khu vực có khả năng xảy ra lũ quét tại Yên Bái là một trong những đề xuất của đoàn công tác Bộ Xây dựng sau khi kiểm tra hiện trường khu vực bị lũ quét, an toàn hồ đập thủy điện Khau Mang và đánh giá lại công trình gia cố chống sạt lở bờ suối Thia đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Theo PGS.TS Phạm Hữu Si – chuyên gia Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, trận lũ quét vừa qua tại Mù Cang Chải đã mang tất cả vật liệu phong hóa đưa vào dòng chảy, dồn xuống tức thời và gây ra những thiệt hại lớn.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại thêm nặng nề là do vị trí người dân ở hoàn toàn không có quy hoạch. Dân ở gần mặt nước, thấp và trong phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy nên khi dòng chảy qua bị pha lẫn với vật liệu bồi đắp, vật liệu xói mòn đổ từ trên cao xuống sẽ xoáy tất cả những gì nó đi qua – PGS.TS Phạm Hữu Si phân tích.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, người dân không nên ở sát lòng sông, bờ suối bởi khả năng bị lũ quét rất cao. Đối với nhà đã bị thiệt hại, dứt khoát phải chuyển. Ngay cả những ngôi nhà nằm ở vị trí cao hơn, chưa bị thiệt hại nhưng vẫn trong khu vực này thì vẫn phải chuyển di, không thể tiếp tục “bám trụ” tại đây. Nếu ở lại phải có giải pháp bảo vệ thật tốt, nhà kiên cố chịu được dòng chảy mạnh.
Kiểm tra hiện trường khu vực bị lũ quét, một số hồ đập thủy điện và công trình gia cố chống sạt lở bờ suối Thia đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng Phạm Minh Hà, nhận xét với công trình gia cố, chỉnh trị chống sạt lở bờ suối Thia qua đợt mưa lũ lớn vừa rồi đã phát huy tác dụng tốt, ổn định, dòng chảy.
Đối với các công trình bị thiệt hại nặng do bị lũ quét tại khu vực trung tâm huyện Mù Cang Chải, bên cạnh việc chỉ đạo khắc phục hậu quả thiệt hại nói chung, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần giao cho Sở Xây dựng tổ chức kiểm định, đánh giá mức độ an toàn đối với công trình trường trung học cơ sở để sớm có giải pháp khắc phục, kịp thời đảm bảo điều kiện học tập cho các cháu học sinh năm học mới sắp tới.
Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của nhân dân địa phương, ông Phạm Minh Hà cho rằng, tỉnh Yên Bái cần giao cho đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, đánh giá, lập bản đồ quy hoạch phân vùng – khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống; xác định các mức độ ảnh hưởng ứng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, lập hoàn chỉnh lại quy hoạch các khu dân cư đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại khi có lũ quét, lũ ống xảy ra; đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiên quyết không cho dân tự phát xây dựng công trình, nhà cửa trên khu vực nguy hiểm.
Các hộ dân, công trình đã xây dựng trong khu vực nguy hiểm cần có kế hoạch từng bước di dời đến khu vực an toàn theo đúng quy hoạch. Cùng đó, cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường rà soát, kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập thường xuyên theo quy định để kịp thời có biện pháp xử lý, ứng phó phù hợp; đặc biệt đối với các công trình hồ đập lớn, hồ đập có nguy cơ ảnh hưởng thiệt hại lớn khi xảy ra sự cố.
Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải cũng cho biết, hiện đã tổ chức di dời và bố trí nơi ở tạm thời cho 104 hộ gia đình với 510 nhân khẩu; trong đó có 51 hộ với 263 nhân khẩu có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và 53 hộ với 247 nhân khẩu nằm trong khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn.