Lào sẽ mất Luang Prabang vì thủy điện?

BVR&MT – Một con đập nữa trên sông Mê Kông có thể sẽ khiến cố đô của Lào mất đi danh hiệu di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Theo các chuyên gia bảo tồn, kế hoạch đầy rủi ro của chính phủ Lào khi xây dựng một con đập lớn trên sông Mê Kông, gần với Di sản Thế giới được UNESCO công nhận Luang Prabang cho thấy sự coi thường các nghĩa vụ pháp lý của nước này trong việc bảo vệ địa điểm nổi tiếng.

Một tòa nhà truyền thống của Lào được UNESCO bảo vệ và được bảo tồn tốt. (Ảnh: Tom Fawthrop).

Chuyên gia di sản kỳ cựu Minja Yang, cựu Phó giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO nói: “Tôi không hiểu liệu chính phủ Lào có nghĩ đến hậu quả của việc xúc tiến một dự án xây đập như vậy, có thể biến Di sản Thế giới thành một hồ chứa. Tác động sẽ rất tàn khốc”.

Năm 2019, nhà phát triển đập CH. Karnchang đã hoàn thành một nhà máy thủy điện khổng lồ – đập Xayaburi – ở hạ nguồn cố đô Luang Prabang.

Nếu dự án đập mới này được tiến hành ở thượng nguồn thì sẽ loại bỏ dòng chảy tự do của sông Mê Kông và sông Nam Khan vốn nằm bên cạnh thành phố di sản mang tính biểu tượng này.

Minja Yang giải thích: “Thỏa thuận năm 1995 UNESCO ký với chính phủ Lào dựa trên mối liên hệ độc đáo giữa thiên nhiên, văn hóa và lịch sử dọc theo hợp lưu của sông Mê Kông và sông Khan. Nếu địa điểm này trở thành thành phố”ven hồ” và không còn là thành phố ven sông nữa, tính xác thực cũng như tính toàn vẹn của nó sẽ bị mất đi vĩnh viễn”.

CH Karnchang xúc tiến xây dựng đập Luang Prabang trên cơ sở nghiên cứu khả thi do nhà tư vấn thủy điện quốc tế Poyry Energy lập – đây cũng là công ty đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thông qua đập Xayaburi năm 2001.

Poyry bác bỏ mọi khả năng gây tác động nghiêm trọng đối với thành phố di sản thế giới chỉ cách 25 km về phía thượng nguồn nhưng không đưa bất kỳ đánh giá tác động di sản (HIA) nào vào nghiên cứu khả thi được đệ trình lên quá trình tham vấn của MRC.

Điều đáng ngạc nhiên là dù có tất cả các nguồn lực và nhiệm vụ bảo vệ dòng sông, MRC chưa bao giờ cân nhắc việc tham khảo ý kiến của bất kỳ chuyên gia di sản nào hoặc thông báo cho UNESCO.

Trên thực tế, dự án đập Xayaburi đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho bờ sông, ảnh hưởng đến Luang Prabang. Marc Goichot, chuyên gia về Mê Kông thuộc WWF chỉ rõ: “Tình trạng sạt lở bờ sông Mê Kông và Nam Khan, lũ lụt gia tăng càng trở nên trầm trọng hơn do nước chảy ngược của đập Xayaburi gây nguy hiểm cho cảnh quan thiên nhiên và các công trình văn hóa của di sản thế giới”. Một con đập kiểu Xayaburi thứ hai của cùng một công ty Thái Lan được cho là sẽ làm ảnh hưởng thêm trầm trọng.

Điều gì xảy ra với Di sản Thế giới là niềm tự hào của chính phủ Lào?

Các bộ trưởng trong chính phủ Lào từng rất tự hào về danh hiệu di sản thế giới của Luang Prabang. Sau nhiều thập kỷ đất nước không giáp biển này chỉ được biết đến là “quốc gia bị rải bom nhiều nhất trên trái đất”, sự công nhận của UNESCO về “giá trị phổ quát nổi bật” của Luang Prabang đã mang lại cho họ niềm tự hào. Luang Prabang được xem như một biểu tượng của bản sắc và phục hưng văn hóa, đồng thời thúc đẩy du lịch sinh thái và phát triển bền vững.

Nhưng đến năm 2005, Lào bắt tay đi theo một con đường rất khác. Với hỗ trợ quốc tế từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và các cơ quan viện trợ phương Tây, Lào tìm cách trở thành cái gọi là “cục pin của Châu Á”, ấp ủ kế hoạch xây đập hầu hết các con sông lớn để sản xuất điện.

Khu di sản được quốc tế bảo vệ của Luang Prabang chưa bao giờ được Bộ Năng lượng coi là khu vực nằm ngoài các thiết kế thủy điện.

Trong số 9 con đập được lên kế hoạch xây dựng ở hạ nguồn Mê Kông, hai đập đã hoàn thành: dự án Xayaburi do Thái Lan xây dựng và dự án Don Sahong do Malaysia xây ở gần biên giới với Campuchia. Cơn sốt xây đập đang lan rộng và Lào có vẻ sẵn sàng hy sinh một địa điểm văn hóa mang tính biểu tượng và một tài sản du lịch quan trọng cho một con đập khác.

UNESCO có thể làm gì?

Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO có trách nhiệm đảm bảo duy trì và bảo vệ tốt các địa điểm di sản được công nhận trên toàn cầu nhưng cơ quan này phản ứng chậm chạp trước mâu thuẫn sắp xảy ra giữa thủy điện và di sản trên sông Mê Kông.

Sông Mê Kông (Ảnh: Tom Fawthrop).

Tháng 4/2020, sau khi Trung tâm Di sản Thế giới được cảnh báo về mối nguy hiểm, TS Mechtild Rossler, giám đốc trung tâm viết thư cho chính phủ Lào và thúc đẩy việc đánh giá tác động di sản (HIA).

Rossler nhấn mạnh rằng HIA “nên dựa trên phân tích rủi ro kỹ lưỡng” và nhắc nhở chính phủ Lào rằng các con đập không tương thích với danh hiệu di sản thế giới nếu dự án nằm trong ranh giới của di sản.

Nỗi lo ngại việc con đập khổng lồ 1.400 MW sớm được khởi công xây dựng đã đưa Lào vào chương trình nghị sự về rủi ro trong kỳ họp thường niên thứ 44 của Ủy ban Di sản Thế giới Liên hợp quốc. Thật không may, hội nghị lẽ ra diễn ra vào tháng 7/2020 đã bị hoãn lại do Covid-19 và vẫn chưa rõ khi nào được triệu tập.

Bất chấp những lo ngại sâu sắc của Trung tâm Di sản Thế giới và hàng loạt email về thực hiện HIA (lẽ ra phải được thực hiện từ nhiều năm trước), Bộ Năng lượng Lào đã gần như hoàn thành một con đường dẫn đến điểm xây đập.

Động thái UNESCO và Trung tâm Di sản Thế giới thúc giục Lào tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý bảo vệ địa điểm văn hóa quý giá được cho là quá hiền lành, quá ngoại giao và không đủ thuyết phục lãnh đạo nước này xem xét nghiêm túc việc đình chỉ dự án đập.

Tuy nhiên, có một lộ trình để Trung tâm Di sản Thế giới gây áp lực hơn nữa. Một quan chức UNESCO giải thích: “Lộ trình này bắt đầu bằng việc gửi một Phái đoàn Giám sát Phản ứng. Nếu vấn đề tiếp tục kéo dài, sẽ có thể leo thang đến mức cuối cùng là địa điểm bị đưa vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa”, tức là sẽ có thêm một địa điểm nữa trong danh sách nguy cấp cùng với 53 địa điểm khác hiện được bêu tên.

Gió xoay chiều với các con đập trên sông Mê Kông?

Nhóm bảo tồn Chiang Khong, được mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Thái Lan hỗ trợ trong suốt hai thập kỷ qua, đã chống lại việc xây đập trên Mê Kông vốn đẩy dòng sông hùng vĩ vào cuộc đấu tranh cho sự tồn tại sinh thái.

Bây giờ gió đang xoay chiều. Phong trào vừa được củng cố qua việc thành lập Hội đồng Nhân dân Mê Kông để đại diện cho lợi ích của các cộng đồng ở 8 tỉnh ven sông. Hội đồng có mục đích tăng cường tác động vận động hành lang và trao quyền cho xã hội dân sự để có tiếng nói lớn hơn trong việc ra quyết định đối với các dự án phát triển ở lưu vực sông Mê Kông.

Dự án đập mới nhất của Lào, đập Sanakham nằm gần biên giới với Thái Lan, đã khiến Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan Somkiat Prajamwong viện dẫn Điều 7 của Hiệp định Mê Kông để ngăn chặn dự án.

Trong lịch sử 25 năm của MRC, đây là lần đầu tiên Điều 7 được coi là một biện pháp chống lại việc xây dựng không ngừng các con đập mới của Lào. Somkiat cũng lưu ý Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết nước này có rất nhiều nguồn dự phòng năng lượng và không cần phải mua thêm từ Lào.

Chiến dịch chống lại những tác động có hại và thiệt hại từ đập Xayaburi đối với dòng chảy sông, nghề cá và nông nghiệp đã gây áp lực yêu cầu chính phủ Thái Lan không mua điện từ đập Luang Prabang cũng như các dự án khác trong tương lai.

Thủy điện và Di sản

Nhưng ngay cả trong trường hợp Bộ Năng lượng Thái Lan quyết định ký một thỏa thuận vào năm 2021, UNESCO cũng đạt được một số chiến thắng trong việc ngăn chặn các dự án cơ sở hạ tầng và vẫn có thể hướng chính phủ Lào rời khỏi lộ trình phát triển hiện tại.

Thủ lĩnh cộng đồng Niwat Rokaew đã 20 năm nay lĩnh xướng phong trào chống lại việc xây đập ở Mê Kông và là đồng sáng lập Hội đồng nhân dân Mê Kông. (Ảnh: Tom Fawthrop).

Tháng 9/2020, TS. Rossler đã họp trực tuyến với các phái đoàn UNESCO Lào, Việt Nam và Thái Lan để bày tỏ lo ngại và muốn làm rõ kế hoạch xây đập trong tương lai của các quốc gia.

Nếu chính phủ Lào không phản hồi các đề xuất và cảnh báo của Trung tâm Di sản Thế giới, đồng thời từ chối trì hoãn con đập thì biện pháp cuối cùng của UNESCO là xóa bỏ danh hiệu di sản của Luang Prabang.

Mặc dù mỗi Di sản Thế giới thuộc về một quốc gia, việc quản lý lại dựa trên các quy tắc quốc tế về bảo vệ các tài sản văn hóa này cho toàn thể nhân loại chứ không phải theo quyết định riêng của các cơ quan nhà nước. Giới chuyên gia di sản thật sự lo lắng trước viễn cảnh Luang Prabang mất đi.

Lãnh đạo Lào liệu đã nắm bắt được đầy đủ hậu quả của việc đánh mất danh hiệu Di sản Thế giới quý giá, đặc biệt là do vi phạm các quy định bảo tồn quốc tế? Đây không chỉ là một đòn giáng mạnh vào niềm tự hào quốc gia mà cũng sẽ hứng chịu cơn phẫn nộ của giới bảo tồn trên toàn cầu.

Minja Yang đưa ra một lựa chọn sáng suốt cho Lào và thế giới: “Nếu mất Luang Prabang, chúng ta sẽ mất một địa điểm rất độc đáo và thiệt lại này là với cả nhân loại. Một khi thiệt hại xảy ra, nó sẽ không thể phục hồi, không thể hoàn tác. Con đập sẽ trở nên lỗi thời trong vài thập kỷ hoặc sớm hơn trong khi lịch sử nhiều thế kỷ của Luang Prabang vốn rất quan trọng đối với các thế hệ tương lai của người Lào và thế giới có thể bị thiệt hại hoặc mất đi vĩnh viễn”.

Nhật Anh (Theo Diplomat)