BVR&MT – Lào đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các sự cố ô nhiễm môi trường gần đây như cháy rừng, chất thải và rác thải nhựa đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khỏe người dân Lào.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, kể từ đầu năm đến nay, nước này bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ô nhiễm bụi mịn (PM 2.5) từ các vụ cháy rừng gây ra. Cùng với đó, khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông và vấn nạn đốt rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống của người dân Lào.
Bà Bounkham Vorachith, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào cho biết: “Rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với Lào. Việc lạm dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy hay vứt rác bừa bãi đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người”.
Theo bà Bounkham, để đối phó với tình trạng trên, Lào đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn xã hội nhằm xây dựng đất nước Lào trở thành đất nước xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, Lào cũng đưa vấn đề xử lý rác thải vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Theo số liệu thống kê năm 2022, các sản phẩm nhựa chiếm phần lớn trong nhóm hàng hóa nhập khẩu của Lào và nước này đã phải tiêu tốn khoảng 200 triệu USD/năm để nhập sản phẩm nhựa. Thủ đô Vientiane trung bình mỗi ngày thải ra môi trường từ 500 đến 600 tấn rác thải sinh hoạt, tuy nhiên mới chỉ xử lý được 50-60%.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho rằng cần phải cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong năm nay ô nhiễm không khí do bụi mịn từ các vụ cháy rừng đã trở nên nghiêm trọng hơn hay khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp đã gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh. Ngoài ra, Thủ tướng Lào cũng nhấn mạnh, một số bộ phận người dân ưa sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, đặc biệt là tại các lễ hội ở Lào thì sử dụng các sản phẩm nhựa ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, tại khu dân cư, nhà hàng, quán ăn hay gia đình cũng ngày càng sử dụng nhiều các sản phẩm làm từ nhựa. Còn tại khu vực nông thôn thì việc xử lý rác thải vẫn chưa được tốt, còn bừa bãi.
Giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm
Trước những vấn đề đó, Lào đang nỗ lực vận động, tìm kiếm các giải pháp để xử lý rác thải, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường theo hướng công nghệ mới cũng như là áp dụng các biện pháp có hiệu quả cao từ các nước trên thế giới. Cùng với đó, Chính phủ Lào cũng tằng cường phối hợp với các tổ chức quần chúng, tổ chức trong và ngoài nước để có kế hoạch xây dựng nhiều dự án xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Lào cũng có các chính sách triển khai các thỏa thuận, hiệp định, hiệp ước quốc tế đã ký về vấn đề bảo vệ môi trường, thì Lào cũng đã có luật, văn bản dưới luật để quản lý rác thải hay có chế tài xử lý những vi phạm về môi trường. Đặc biệt là Lào đã xây dựng được kế hoạch hành động quốc gia về xử lý rác thải nhựa giai đoạn 2022 – 2030.
Nói chung vấn đề ô nhiễm môi trường được Lào cho rằng xuất phát từ các dự án phát triển và để thực hiện nhiệm vụ này thì Chính phủ Lào đã xác định triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu và xử lý một cách hệ thống, đồng thời sát sao kiểm tra, giám sát nghiêm túc. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền môi trường sâu rộng vào kế hoạch phát triển của từng ngành nghề như: cơ sở hạ tần, nông nghiệp, khoáng sản, năng lượng, du lịch…
Ô nhiễm môi trường là một trong những thách thức lớn mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt, doanh nghiệp được cho là nhóm đối tượng có vai trò quan trọng trong câu chuyện về ô nhiễm môi trường, trong đó có Lào.
Tại Lào, việc doanh nghiệp triển khai các giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường không nhiều, và các doanh nghiệp cũng không mặn mà với vấn đề này lắm do thường liên quan đến vấn đề kinh phí.
Tuy nhiên, Lào cũng đã thành lập Quỹ bảo vệ môi trường, quỹ này của nhà nước xây dựng nhằm vận động nguồn kinh phí bằng nhiều hình thức từ trong và ngoài nước để phục vụ cho công tác quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu xanh bền vững.