Lão nông vừa làm kinh tế giỏi, vừa rộng lòng hiến đất làm đường

BVR&MT – Ông Phạm Văn Nhung (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) được mọi người gọi với cái tên trìu mến “Bác Sáu Nhung” bởi lẽ  ông không chỉ là một người tích cực tham gia các hoạt động của địa phương mà còn được biết đến là một CCB, một Chủ tịch Hội Người cao tuổi luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Ông Sáu Nhung và con đường do ông cùng bà con vận động hiến đất.

Năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông Nhung đã cùng với nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, năm 1977 ông Nhung xuất ngũ trở về địa phương, cuộc sống ở quê hương Quảng Ngãi vất vả năm 1999, ông cùng vợ con Tây Nguyên lập nghiệp. Những ngày đầu lên vùng đất mới gia đình ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với  phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông đã vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu làm giàu bằng chính bàn tay lao động của mình. Với số vốn dành dụm được, ông đã mua 1ha đất trồng để các cây ngắn ngày, sau một thời gian nhận thấy vùng đất này thích hợp để trồng hồ tiêu vợ chồng ông đã vay vốn đầu tư trồng tiêu.

“Do chưa có kinh nghiệm trồng hồ tiêu nên tôi học hỏi những hộ dân khác trong thôn và đọc thêm sách, báo. Bao nhiêu vốn liếng gia đình tôi đều đầu tư cho cây hồ tiêu. Để cây hồ tiêu phát triển, cho năng suất cao, vợ chồng tôi thường xuyên có mặt ở rẫy để chăm sóc tiêu. Không phụ công người, cây tiêu phát triển tốt cho năng suất cao. Cũng may, giá hồ tiêu ngày ấy cũng ổn định, vườn hồ tiêu cho năng suất cao nên gia đình tôi đã có vốn để mở rộng sản xuất: từ 1000 trụ hồ tiêu tôi đã mở rộng quy mô lên đến 10.000 trụ tiêu”.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp, giá hồ tiêu liên tục giảm, gia đình ông đã chuyển đổi một số diện tích hồ tiêu chết sang trồng cà phê và cây ăn trái. Hiện tại gia đình ông có 1ha cà phê, 2.800 trụ tiêu và 1ha trồng cây ăn trái (chanh dây, mít, bơ…). Năng động, sáng tạo ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm gia đình ông thu về 600-700 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ có thu nhập ổn định, gia đình ông đã có một cơ ngơi khang trang, đầy đủ các phương tiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày và phát triển kinh tế, con cái đều thành đạt.

Ông Nhung tâm sự: “Tôi đã từng trải qua thời kỳ khó khăn, thấu hiểu được thế nào là sự thiếu thốn, có được cơ ngơi như ngày hôm nay, một phần là nhờ các anh, các chị đã hy sinh xương máu, giành lại độc lập cho tổ quốc. Cùng với đó, là sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất. Chính vì vậy, tôi càng phải cố gắng làm ăn, không những làm giàu cho gia đình mà còn góp một phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương giàu mạnh. Có như vậy, mới xứng đáng với đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Nhung còn  tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền  tại địa phương. Hiện nay ông đang giữ cương vị là Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Chư Pưh. Dù ở cương vị công tác nào, ông Nhung cũng luôn tận tâm, tận lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ông luôn giúp đỡ các hội viên khó khăn, cho vay vốn sản xuất kinh doanh không lấy lời, hỗ trợ giống tiêu cho các hội viên nghèo, hướng dẫn các hội viên cách trồng chăm sóc cây Hồ tiêu, cà phê. Cùng với đó ông đã tự nguyện hiến 700 m2 đất mặt đường trị giá 1,3 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.

Nhận xét về ông Phạm Văn Nhung, ông Chu Xuân Toàn- Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh cho biết: “Ông Nhung vừa là Hội CCB vừa là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của huyện, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương nhất là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và gương mẫu trong việc nuôi dạy con cháu ngoan, chấp hành tốt đường lối của Đảng và Nhà nước ta”.

Với những gì đã làm được, từ năm 2012-2015 ông đã nhận được Bằng khen của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam với danh hiệu tuổi cao gương sáng. Hàng năm nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, huyện vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.  Đặc biệt, vừa qua ông Nhung đã được tôn vinh người cao tuổi trực tiếp làm kinh tế tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi do huyện tổ chức.

Minh Ngọc