Lào Cai: Triển khai tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2017

BVR&MT – Ngày 05/10, UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số  4740/UBND-NLN gửi UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành liên quan về việc tổ chức triển khai thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2017.

Hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng, mưa ẩm xen kẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y,hoạt động chăn nuôi tái đàn dịp cuối năm gia tăng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh cho đàn vật nuôi.

Tổ chức triển khai thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn phát động, tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc đợt 2 năm 2017” từ ngày 20/10/2017 – 20/11/2017, cụ thể như sau:

I. Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc

– Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp.

– Hóa chất sử dụng ít độc hại đối với người và vật nuôi, phù hợp với đối tượng sử dụng và nằm trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn.

– Làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học trước khi phun hóa chất sát trùng.

II. Nội dung vệ sinh, khử trùng tiêu độc và tần suất thực hiện

1. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm

1.1. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung

– Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, hàng ngày quét dọn thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh.

– Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận, mỗi tuần 1 lần.

– Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại đường vào khu vực chăn nuôi.

1.2. Đối với chăn nuôi hộ gia đình

– Quét dọn sạch sẽ khu vực chăn nuôi hàng ngày; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn.

– Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.

1.3. Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm

–  Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy.

– Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại lối vào khu vực ấp nở; phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng.

2. Điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

– Phát quang cây cỏ, xung quanh cơ sở, nhà xưởng, khơi thông cống rãnh.

– Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng nơi nhốt động vật chờ giết mổ; các phương tiện vận chuyển vào, ra khu vực giết mổ; vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi ca giết mổ.

3. Chợ buôn bán, khu vực tập kết, thu gom gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật; nơi cách lý kiểm dịch động vật

– Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực giết mổ, tập kết và các vật dụng liên quan sau mỗi buổi chợ.

– Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.

– Hàng tuần thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ buôn bán, tập kết, thu gom động vật, sản phẩm động vật và khu vực xung quanh.

– Nơi cách ly kiểm dịch động vật phải định kỳ thực hiện vệ sinh và khử trùng tiêu độc ít nhất 01 lần/tuần trong thời gian nuôi cách ly động vật.

4. Khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật: Vệ sinh, khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp.

5. Phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật: Vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt; định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra/vào cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, điểm tập kết, thu gom, khu vực tiêu hủy gia súc, gia cầm…

6. Khu vực cửa khẩu, khu dân cư giáp đường biên giới

– Lựa chọn, bố trí địa điểm sát trùng phương tiện qua lại khu vực biên giới, trên các tuyến đường giao thông chính qua khu vực biên giới để khử trùng bánh xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp và giày dép của người qua lại.

– Đối với đường mòn, lối mở thường xuyên có người qua lại biên giới, xác định tuyến đường mòn trung tâm và vị trí phù hợp để tổ chức rắc vôi bột phủ kín trên một đoạn dài hơn một vòng bánh xe.

– Thường xuyên vệ sinh, quét dọn nơi công cộng và định kỳ tổ chức phun tiêu độc, khử trùng.

– Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tất cả xe cộ, phương tiện đi qua cửa khẩu.

II. Cách thức thực hiện

1. Những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động tổ chức thực hiện các nội dung trên dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn thú y.

2. Chủ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chịu trách nhiệm chi trả kinh phí cho đội thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho phương tiện của mình hoặc tự thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn thú y.

3. Chủ phương tiện vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép chịu toàn bộ chi phí cho việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy trong quá trình xử lý động vật, sản phẩm động vật. Trường hợp chủ phương tiện bỏ trốn, các lực lượng chức năng bắt giữ báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ lực lượng và kinh phí thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các đội vệ sinh, huy động các phương tiện tại chỗ như bình phun động cơ, bình phun tay, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, khu dân cư giáp đường biên giới, chợ buôn bán gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động nhập lậu, kinh phí do ngân sách địa phương cấp.

III. Tổ chức thực hiện

1. UBND các huyện, thành phố phối hợp với các Sở, ngành triển khai thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc đợt 2 năm 2017 trên địa bàn huyện, thành phố đảm bảo các nội dung, yêu cầu trên. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 26/11/2017 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT.

2. Sở NN&PTNT: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất triển khai thực hiện. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc về UBND tỉnh, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT theo quy định.

4. Sở Y tế: Chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường; chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Lào Cai tổ chức khử trùng tiêu độc tại các khu vực cửa khẩu, lối mở…; các cơ sở y tế tăng cường giám sát dịch bệnh từ động vật lây sang người; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đặc biệt là nội dung, yêu cầu của tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc đợt 2 năm 2017.

6. Các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu: Biên phòng, Y tế, Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Hải quan, Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu. Kinh phí do các đơn vị chi trả theo quy định của Nhà nước.

7. Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí để Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động mua vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật.

Chiến Hữu