Lào Cai: Tháo “điểm nghẽn” cho các xã đặc biệt khó khăn

BVR&MT – Tỉnh lộ 154 là tuyến giao thông huyết mạch từ thị trấn Mường Khương đi các xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng (Mường Khương) đến Cốc Ly (Bắc Hà). Tuyến đường dài hơn 50 km được đầu tư cách đây gần 20 năm nay đã xuống cấp, trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở các xã đặc biệt khó khăn.

Tỉnh lộ 154 đoạn qua trung tâm xã Cao Sơn.

Vợ chồng anh Bùi Văn Quang chuyên bán hàng gia dụng tại các chợ phiên. Đã nhiều năm nay, chiếc xe tải nhỏ theo vợ chồng anh rong ruổi khắp các nẻo đường đến các phiên chợ Mường Khương, Bắc Hà bán hàng. Dẫu là một tay lái dày dặn kinh nghiệm, anh Quang cũng phải lắc đầu ngao ngán mỗi khi phải đi tuyến Tỉnh lộ 154 đến các chợ phiên Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Tả Thàng. Chợ Cao Sơn thường tiêu thụ hàng thuận lợi nhất nhưng mỗi phiên chợ, anh phải vật lộn gần 1 tiếng đồng hồ mới đi hết quãng đường hơn 20 km. Anh Quang cho biết: Tuyến đường nhiều năm không được cải tạo, sửa chữa nên ngày càng xuống cấp. Tôi chở đồ gia dụng còn đỡ, chứ nhiều chủ hàng chở rau, củ, quả lái xe không quen đường vào đến phiên chợ thì dập nát hết.

Anh Cư Phìn, thôn Pa Cheo Phìn A, xã Cao Sơn vừa hoàn thiện xong căn nhà xây cấp 4 cũng than thở vì chi phí so với dự kiến, bởi tiền cước vận chuyển vật liệu xây dựng bị đội lên do lái xe kêu đường khó đi.

Cao Sơn là trung tâm của cụm xã phía Đông huyện Mương, với nhiều thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là chè, cây ăn quả, chăn nuôi lợn đen. Xã còn có tiềm năng phát triển du lịch nhờ thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa giàu bản sắc và chợ phiên họp vào thứ 4 hằng tuần, là một trong những chợ phiên hấp dẫn nhất của vùng cao Lào Cai. Tuy nhiên, những tiềm năng đó chưa được phát huy, Cao Sơn hiện vẫn nằm trong danh sách xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn Nguyễn Duy Chinh cho biết: Thời gian qua, xã đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhưng giao thông khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát huy hiệu quả của các mô hình xóa đói, giảm nghèo. Bà con rất muốn phát triển các sản phẩm hàng hóa nhưng giá trị mang lại không cao do chi phí vận chuyển lớn.

Thực tế từ ngày được đầu tư đến nay, Tỉnh lộ 154 chưa được cải tạo, sửa chữa lớn mà hầu hết là sửa chữa nhỏ theo kiểu chắp vá, bởi vậy tình trạng hư hỏng ngày càng trầm trọng. Không chỉ đoạn qua xã Cao Sơn, theo ghi nhận của chúng tôi, gần như toàn tuyến đã xuống cấp. Ngay ở đầu tuyến, đoạn qua xã Nấm Lư dài 5 km chạy dọc 2 thôn Cốc Chứ, Pạc Ngam dù được xem là đẹp nhất toàn tuyến cũng không còn thấy rõ mặt đường rải nhựa trước kia. Rãnh thoát nước bị lấp kín, nước thải của khu dân cư dọc 2 bên tràn ra, vừa ô nhiễm môi trường, vừa khiến mặt đường nhanh xuống cấp. Ông Lù Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nấm Lư cho biết: Đây là tuyến đường trục chính của xã nhưng đoạn qua trung tâm xã lại rất mất mỹ quan.

Đoạn từ La Pan Tẩn đến Tả Thàng mới thực sự là nỗi ám ảnh với những người phải thường xuyên đi trên tuyến đường này. Ổ gà, ổ trâu dày đặc, mặt đường nhỏ hẹp, một bên là vách đá, một bên là vực sâu hun hút, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ông Hoàng Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã La Pan Tẩn cho biết: Người dân địa phương mong tuyến sớm được đầu tư, nâng cấp.

Trong các cuộc làm việc với các đoàn công tác của tỉnh, lãnh đạo huyện Mường Khương cũng nhiều lần than thở về sự xuống cấp của tuyến đường này khi cho rằng giao thông khó khăn nên chưa thể thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con hoặc khai thác tiềm năng du lịch địa phương. Đồng thời, khẳng định đây là một trong những “điểm nghẽn” khiến công tác giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn dọc tuyến đường này chưa được tháo gỡ.

Đoạn qua Pa Cheo Phìn A, xã Cao Sơn xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông kết nối luôn được tỉnh quan tâm, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên phải cân đối các dự án cho phù hợp.

Tại kỳ họp thứ Hai, thứ Ba HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 154 đoạn Km37 – Km52 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện kết cấu hạ tầng Tỉnh lộ 154 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đồng thời đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của khu vực. Về quy mô đầu tư, đoạn từ Km37 đến Km52, cải tạo, nâng cấp từ đường hiện có theo quy mô đường cấp V miền núi, mặt đường nhựa, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, cầu nhỏ, công trình phòng hộ. Đoạn từ Km52 đến Km92 đang được UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Ủy ban Dân tộc đầu tư hoàn chỉnh bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới trong dự án khác. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án, đáp ứng mong mỏi của người dân trong khu vực.