Lào Cai: Thắng lợi từ cây quế ở Bảo Thắng

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Cùng với phát triển lâm nghiệp, cây quế trên địa bàn được huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được quan tâm chỉ đạo phát triển theo “Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng giai đoạn 2016 – 2020”.  Hiện tại, giá thu mua cành lá quế, vỏ quế cao, ổn định, “cung” chưa đủ “cầu” đã góp phần quan trọng tạo động lực để nhân dân đầu tư trồng quế, phủ xanh đồi núi trọc.

Người dân Bảo Thắng với mô hình trồng cây quế cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhìn chung, ở huyện Bảo Thắng trong trồng rừng sản xuất tập trung, phân tán, 100% diện tích là quế. Tính đến hết tháng 9/2017, toàn huyện phát triển lũy kế 4.950 ha (chưa trừ diện tích đã khai thác). Dự kiến sẽ vượt chỉ tiêu 5.500 ha quế vào năm 2020.

Diện tích quế toàn huyện tính đến 30/9/2017 có tổng số 4.950 ha/5.500 ha quy hoạch, đạt 90% (chưa trừ diện tích khai thác từ năm 2015 đến nay) được thực hiện đảm bảo theo vùng quy hoạch của tỉnh, phân bố trên địa bàn 15/15 xã, thị trấn, trong đó chủ yếu tập trung tại một số xã như: Sơn Hà, Sơn Hải, Phú Nhuận, Thái Niên, Xuân Quang.

Theo báo cáo của huyện Bảo Thắng, diện tích trồng mới từ năm 2015 đến 30/9/2017: Tổng số là 2.481 ha; trong đó năm 2015 là 600 ha (không giao kế hoạch); năm 2016 là 1.400 ha/730 ha, đạt 191,78% (vốn ngân sách hỗ trợ 855,1 ha); Nhân dân đầu tư 544,9 ha; năm 2017 là 901 ha/758 ha, đạt 118,87%, vốn ngân sách hỗ trợ 600 ha; Nhân dân đầu tư 301 ha,

Hiện tại, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 03 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với tổng công suất trên 18.000 tấn nguyên liệu/năm đặt ở các xã có diện tích quế tập trung tại thôn Xả Hồ xã Phong Niên, thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, thị trấn Phong Hải. Nhưng nhìn chung 03 nhà máy hoạt động không thường xuyên do không đủ nguyên liệu.

Ngoài ra, trên địa bàn các xã Phú Nhuận, Xuân Quang, Phú Nhuận có 3 cơ sở chưng cất tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, mỗi năm chưng cất trên 1.000-2.000 kg nguyên liệu /năm/1 cơ sở và trên 10 hộ thu mua vỏ quế trên địa bàn xã Sơn Hà, Phú Nhuận, Xuân Quang, Xuân Giao.

Sản phẩm tinh dầu quế mà các nhà máy sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô, có giá trị chưa cao, được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Sản phẩm tinh dầu quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao, được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu.

Chất lượng cây giống của các đơn vị được kiểm tra, nghiệm thu cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất vườn của Chi cục Kiểm lâm. Kỹ thuật trồng rừng của các hộ gia đình, cá nhân được tập huấn, hướng dẫn trực tiếp của cán bộ Kiểm lâm địa bàn, cán bộ phụ trách khu vực của Ban quản lý rừng phòng hộ, cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã, thị trấn. Trồng tập trung với mật độ thiết kế là 1.800 cây/ha, ngoài ra, trồng tận dụng tại một số diện tích vườn, đất trống quanh nhà xen với 1 số cây trồng khác.

Vườn ươm cây giống của nông dân Bảo Thắng.

Được biết, hiện nay, cây quế là cây trồng lâm nghiệp rất có giá trị, được nhân dân ưu tiên đầu tư, rất nhiều diện tích phát triển mới ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, đã góp phần quan trọng nâng cao diện tích rừng trên địa bàn, tăng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập người dân, nhiều hộ dân đã trở thành hộ giàu nhờ thu nhập từ quế, đảm bảo nguồn nguyên liệu hoạt động cho các nhà máy.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số khó khăn, tồn tại đó là: Cây quế là cây ưa bóng, việc trồng quế tại các khu vực có thời gian chiếu nắng dài hoặc phát dọn thực bì trước khi trồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống của quế. Việc thu mua, bán quế trên địa bàn huyện Bảo Thắng chủ yếu thông qua các tư thương, chưa có đơn vị cụ thể đứng ra ký hợp đồng. Việc phát triển cây quế một cách ồ ạt, tự phát khả năng sẽ gây phá vỡ quy hoạch và “cung” vượt “cầu”, ảnh hưởng đến giá thành, thu nhập từ quế sau này.

Vỏ quế là sản phẩm chính chiếm 73% doanh thu từ rừng quế, tinh dầu chưng cất từ lá chiếm 20%, gỗ quế 7%. Sản lượng vỏ quế khô trung bình 1 ha quế khoảng từ 6-8 tấn vỏ/ha. Sản lượng lá, cành dùng chưng cất tinh dầu trung bình khoảng 8-10 tấn/ha. Sản lượng gỗ trung bình khoảng 80-100 m3/haGiá trị kinh tế mang lại cho người trồng quế ước ở cuối chu kỳ kinh doanh (15 năm) đạt 600 – 650 triệu đồng/ha. Doanh thu ước tính 120 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 lần so với trồng cây gỗ khác như mỡ, keo, trong khi đó vốn đầu tư trồng 1 ha quế chỉ tương đương 1 ha keo (mỡ); Hàng năm với diện tích khai thác, tỉa thưa đã tạo công ăn việc làm cho trên 700 lao động trong vùng trồng quế, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

So với nhiều cây trồng khác, cây quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu ổn định. Trước đây, cây quế chỉ bán được vỏ. Hiện nay, thân, cành, lá đều bán được với giá cao. Vỏ quế loại 1 đang được các cơ sở chế biến thu mua với giá từ 22.000-25.000 đ/kg và các sản phẩm phụ như quế chi, quế vụn cũng bán được 13.000-15.000 đ/kg còn lá quế bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu với giá từ 1.500-2.500 đ/kg. Thân quế sau khi bóc vỏ có đường kính từ 15 cm trở lên bán cho các cơ sở chế biến gỗ làm bao bì với giá từ 1,5-1,8 triệu đồng/m3.

UBND huyện Bảo Thắng đã đề nghị UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng quế trên địa bàn. Khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bao gồm đầu tư sản xuất giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch, chế biến; Hỗ trợ xây dựng hệ thống đường vận chuyển trong vùng nguyên liệu và hỗ trợ người dân làm đường giao thông đến vùng khó khăn để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến; bảo đảm chất lượng sản phẩm và hướng mạnh vào xuất khẩu trực tiếp, bảo vệ thương hiệu…

Hoàng Tưởng