BVR&MT – Hiện nay, trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có hiện tượng người dân tự ý vào rừng tự nhiên, nhất là khu vực rừng vườn quốc gia (VQG.) Hoàng Liên để khai thác trái phép các loài hoa đỗ quyên hoang dã quý, hiếm bán cho các đối tượng thu mua, khách du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quần thể cây hoa đỗ quyên đặc hữu của VQG. Hoàng Liên.
- Lào Cai: Cây “di sản Việt Nam” được bày bán công khai
- “Lễ hội hoa đỗ quyên” chính thức khai mạc tại Sa Pa
- Lễ hội hoa đỗ quyên Fansipan
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lào Cai đã ra văn bản số 1626/UBND-NLN về việc ngăn chặn việc khai thác, mua, bán trái phép cây hoa đỗ quyên tự nhiên trên địa bàn huyện Sa Pa. Giao UBND huyện Sa Pa chủ trì, phối hợp với VQG. Hoàng Liên và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, ngăn chặn có hiệu quả việc nhân dân các xã trong khu vực vùng lõi của VQG. Hoàng Liên vào rừng khai thác các loài hoa đỗ quyên để bán.
Đồng thời tiến hành tịch thu tang vật, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, mua, bán, vận chuyển trái phép các loài hoa đỗ quyên quý, hiếm, đặc hữu của Sa Pa, VQG. Hoàng Liên theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đảm bảo đến hết ngày 20/04/2017 không còn hiện tượng khai thác, mua, bán, vận chuyển các loài đỗ quyên hoang dã trên địa bàn huyện Sa Pa.
Các công ty du lịch, trung tâm thông tin du lịch tuyên truyền, thông báo cho các khách du lịch không mua, bán, vận chuyển cây hoa đỗ quyên hoang dã quý, hiếm khai thác từ rừng tự nhiên, nhất là các loài đỗ quyên đặc hữu của VQG. Hoàng Liên.
Tuyên truyền đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về giá trị của quần thể cây hoa đỗ quyên hoang dã quý, hiếm, đặc hữu của VQG. Hoàng Liên cần được giữ gìn, bảo vệ; các quy định của pháp luật về cấm khai thác, mua, bán, vận chuyển các loài thực vật quý, hiếm nguy cấp cần phải bảo vệ hiện nay.
Chiến Hữu