Lào Cai: Nét mới trong đào tạo nghề nông thôn ở Bảo Yên

BVR&MT – Xác định nguồn nhân lực đã qua đào tạo và có tay nghề là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, những năm qua, huyện Bảo Yên rất chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nông dân học nghề đan lát phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Hơn 2 tháng qua, 35 hộ có nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô đã được đào tạo kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng do Trường Cao đẳng Lào Cai phối hợp với UBND xã Nghĩa Đô triển khai. Các học viên vừa tiếp thu kiến thức, vừa được thực hành tại các mô hình homestay đang được huyện Bảo Yên chọn làm điểm triển khai chương trình phát triển du lịch cộng đồng. Các hộ được đào tạo kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống thường gặp, kỹ năng thuyết minh tại điểm du lịch, văn hóa ẩm thực. Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Chương trình phối hợp đào tạo kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng góp phần tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Nghĩa Đô. Ngoài đào tạo nâng cao tay nghề cho người dân về du lịch cộng đồng, xã cũng tích cực liên kết đào tạo cho bà con phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, khôi phục nghề đan lát truyền thống để phát triển du lịch…

Huyện Bảo Yên hiện có 48% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng; trên 90% lao động có việc làm thường xuyên. Lao động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp chiếm trên 78% tổng số người trong độ tuổi lao động; 16,2% lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; còn lại là lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Trong 5 năm qua, huyện Bảo Yên đã tổ chức 46 lớp học nghề với hàng nghìn lượt lao động, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghề thường xuyên cho 2.304 lao động nông thôn. Nội dung đào tạo theo chương trình chuẩn, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng lao động trên địa bàn, góp phần đạt các tiêu chí nông thôn mới tại các xã trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã có 14/16 xã đạt tiêu chí “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo”; 16/16 xã đạt tiêu chí “Tỷ lệ lao động có việc làm”. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 34% (năm 2015) lên 48% (năm 2020).

Học viên tham gia thực hành tại lớp đào tạo kỹ năng du lịch cộng đồng.

Để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 và trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, Đảng bộ huyện Bảo Yên xác định đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là giải pháp then chốt cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã xác định đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1 trong 4 lĩnh vực đột phá cho mục tiêu phát triển của địa phương giai đoạn 2020 – 2025. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa nghị quyết, chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm và cả giai đoạn; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó trên 30% lao động có bằng cấp, chứng chỉ.

Huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể, có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp tuyển lao động đi đào tạo và sử dụng lao động của địa phương. Khi triển khai các dự án, có cam kết của chủ dự án đào tạo và tuyển dụng lao động của địa phương, đặc biệt là đối với lao động bị thu hồi đất dự án. Bố trí thêm nguồn lực cho các chương trình đào tạo nghề hướng tới các đối tượng yếu thế như người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật… để tạo cơ hội tiếp cận học nghề và việc làm cho mọi đối tượng trong xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên cho biết thêm: Điểm mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch trên địa bàn. Huyện Bảo Yên chỉ đạo cấp xã phải là trung tâm, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo và xác định đối tượng lao động được hỗ trợ học nghề. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định nghề đào tạo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương và lựa chọn cơ sở dạy nghề đủ điều kiện, có uy tín, chất lượng. Đẩy mạnh hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề. Huy động các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân có đủ điều kiện tích cực tham gia công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.