Lào Cai: Nâng cao vị thế phụ nữ từ các dự án nông – lâm nghiệp

BVR&MT – Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp (GREAT) do Chính phủ Úc tài trợ được thực hiện tại huyện Văn Bàn trong 2 năm qua đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, nổi bật là sự thay đổi của cộng đồng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nâng cao vị thế và quyền năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị

Văn Bàn là huyện được lựa chọn các dự án phát triển kinh tế từ lâm nghiệp như măng sặt, bồ đề, quế… Ở mỗi dự án đều có sự tham gia chủ lực của phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương. Tham gia dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị măng sặt, chị Bàn Thị Mấy, dân tộc Dao đỏ ở xã Nậm Xé tâm sự: Giờ đây, tôi đã biết cách trồng và chăm sóc măng sặt cho các vụ sau, chứ không chỉ thu hoạch, khai thác triệt để như trước.

Phụ nữ trực tiếp chăm sóc quế hữu cơ.

Còn chị Triệu Thị Liều, dân tộc Dao chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình tôi cùng với nhiều gia đình ở địa phương chặt cây bồ đề lấy gỗ bán, nhưng nay chúng tôi nhận ra rằng, sản xuất benzoin bền vững hơn vì nhựa bồ đề có thể được khai thác qua nhiều mùa. Khai thác nhựa cũng sinh lợi nhiều hơn vì nhựa có giá bán cao hơn gỗ.

Gia đình chị Liều đã xây được nhà, điều mà trước đây chị không thể làm được. Bước đầu, dự án benzoin đã giúp thay đổi cuộc sống của những phụ nữ địa phương như chị Triệu Thị Liều.
Với dự án trồng và chế biến quế, người trồng quế ở Văn Bàn giờ đây không chỉ biết trồng quế, mà còn tiếp cận với công nghệ số hiện đại – đó là sử dụng ứng dụng di động “Nhật ký điện tử QGS”. Chị Đặng Thị Diện, dân tộc Dao ở xã Nậm Tha cho biết: Thông qua ứng dụng, tôi có thể cung cấp thông tin về đồi quế của mình, những việc tôi đã làm trong ngày… Nếu cây bị bệnh, chúng tôi có thể chụp ảnh, tải lên ứng dụng và được chuyên gia tư vấn cách xử lý.

Dự án trồng cây gai xanh đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho 332 phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông và Xá Phó. Không chỉ vậy, từ năm 2020, dự án GREAT hợp tác với Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn hỗ trợ cơ sở kinh doanh bánh chưng đen truyền thống của chị Hoàng Thị Huế, dân tộc Tày ở thị trấn Khánh Yên khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp chung tay

Ở cả 3 mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững nói trên đều có sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp trong việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất. Đơn cử như Dự án Phát triển chuỗi giá trị măng sặt có sự tham gia của Hợp tác xã Sơn Thủy; Dự án Khai thác bền vững benzoin có sự tham gia của Công ty Nông – lâm nghiệp Đức Phú; Dự án Quế hữu cơ có Công ty Hương gia vị Sơn Hà và Công ty Vinasamex…

Không chỉ giới thiệu kỹ thuật trồng, thu hoạch bền vững cho các gia đình canh tác măng sặt, năm 2021, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn hợp tác với GREAT kết nối với Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Sơn thu mua sản phẩm măng đã tách vỏ của người dân địa phương với giá 27.000 đồng/kg. Hợp tác xã Thủy Sơn dự kiến thu mua 170 tấn măng tách vỏ, giúp nông dân có nguồn thu lên tới 4,8 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy Sơn cho biết: Hợp tác xã thu mua măng sặt tại địa phương thuê từ 30 đến 40 phụ nữ sơ chế măng, rồi bán cho các nhà máy chế biến.

Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà sấy măng, dược liệu và các loại nông sản khác bằng năng lượng mặt trời.

Tạo cơ hội cho phụ nữ Văn Bàn trong việc trồng, thu hoạch quế bằng cách cải thiện thực hành sản xuất quế, kết nối thị trường, mới đây, Công ty Vinasamex đã giới thiệu ứng dụng nhật ký điện tử QGS cho hơn 700 gia đình trong khuôn khổ dự án trồng quế hữu cơ. Thông qua ứng dụng, từng hộ nông dân có thể ghi lại các hoạt động của mình và các chuyên gia của Công ty Vinasamex có thể thu thập thông tin từ xa, tư vấn kịp thời.

Để triển khai dự án khai thác bền vững benzoin tại Văn Bàn, Công ty Nông – lâm nghiệp Đức Phú đã tổ chức các khóa tập huấn cho người dân về cách chăm sóc cây bồ đề, lấy nhựa và đảm bảo chất lượng nhựa. Công ty Nông – lâm nghiệp Đức Phú còn đang đầu tư mở rộng diện tích cây bồ đề, hỗ trợ các hộ trồng xen gừng với bồ đề… Ông Trần Văn Đính, Phó Giám đốc Công ty Nông – lâm nghiệp Đức Phú cho biết: Điều này giúp người dân đa dạng hóa thu nhập và đảm bảo thu nhập trong ngắn hạn. Chúng tôi khuyến khích người dân trồng gừng xen canh giữa các cây bồ đề để có thêm thu nhập trong thời gian chờ cây trưởng thành.

Khi phụ nữ bước qua rào cản kinh tế

Sự đa dạng hoạt động của GREAT tại Văn Bàn trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp đã tác động tới cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ. Trước khi tham gia dự án, chị Hoàng Thị Huế mong mở rộng cơ sở kinh doanh của mình nhưng không biết làm thế nào. Nhờ các khóa đào tạo và tư vấn thường xuyên, chị đã phát triển được sản phẩm bánh chưng đen có thương hiệu, với thu nhập 15 – 16 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã.

Không chỉ cơ sở sản xuất bánh chưng đen của chị Hoàng Thị Huế, hầu hết phụ nữ dân tộc thiểu số trong vùng dự án đã có thêm cơ hội tiếp cận với cách làm kinh tế hiệu quả, khi nông – lâm sản của nông dân Văn Bàn vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Dự án GREAT giúp các hộ đa dạng hóa, chuyển từ các cây trồng truyền thống (ngô, sắn…) sang các cây trồng có giá trị cao hơn (gai xanh, quế, măng sặt…), giúp các hộ nông dân tăng nguồn thu nhập bền vững.

Dự án GREAT hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Văn Bàn. Thông qua dự án phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện tài chính gia đình, đặc biệt là vai trò của phụ nữ được nâng lên trong việc tăng quyền năng kinh tế, chủ động ra quyết định đầu tư các mô hình kinh tế.