Lào Cai: Nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp

BVR&MT – Những năm gần đây, phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Nhu cầu về giống cây lâm nghiệp vì thế ngày càng lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp trước khi đến tay người trồng.

Cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên kiểm tra cây giống.

Mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trồng mới hơn 6.000 ha rừng. Các loại cây được trồng chủ yếu là quế, keo, mỡ, thông mã vĩ… Để đảm bảo chất lượng rừng trồng, hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý giống cây lâm nghiệp, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, kỹ thuật chăm sóc cây giống.

Có mặt tại vườn ươm của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên đúng lúc các công nhân đang chăm sóc, đóng bầu, đảo bầu cho cây. Được biết, trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hơn 4 triệu cây giống, chủ yếu là quế và keo, trong đó 30% cây giống phục vụ trồng rừng của công ty, số còn lại xuất ra thị trường nội tỉnh và một số tỉnh như Hà Giang, Yên Bái…

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất cây giống, ông Nguyễn Ngọc Long, cán bộ phụ trách vườn ươm Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: Lựa chọn hạt giống đạt tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng nhất trong việc gieo ươm cây giống, vì thế, chúng tôi chủ yếu đặt mua hạt quế tại xã Nậm Đét (Bắc Hà). Các khâu khác như trộn đất, đóng bầu, ươm hạt, chăm sóc… thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn được ngành lâm nghiệp hướng dẫn. Việc phòng, trừ sâu, bệnh hại cũng được chú trọng ngay từ khi mới gieo ươm và trong suốt thời gian chăm sóc.

Tại vườn ươm của Công ty TNHH Một thành viên giống nông – lâm nghiệp Tiến Thành, xã Sơn Hải (Bảo Thắng), một trong những cơ sở sản xuất giống lớn trên địa bàn tỉnh. Bà Đoàn Thị Kính, đại diện công ty cho biết: Mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường gần 5 triệu cây giống, trong đó hơn 50% là cây quế. Các lô cây giống đều có biển tên rõ ràng, sổ nhật ký theo từng lô, từng luống, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống.

Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có 32 cơ sở sản xuất cây giống, sản lượng hơn 16 triệu cây/năm. Để đảm bảo chất lượng cây giống ra thị trường, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, huyện Bảo Thắng luôn quan tâm đến việc hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất thông qua các hội nghị tập huấn, hội thảo đầu bờ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các chủ vườn ươm. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra việc trồng rừng, quản lý, sử dụng cây giống, số lượng, chất lượng cây cũng như tiến độ trồng rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 114 cơ sở và hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, mỗi năm sản xuất hơn 90 triệu cây giống, không chỉ đáp ứng nhu cầu trồng cây của người dân trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh lân cận. Đến thời điểm này, công tác trồng rừng năm 2021 đã vượt kế hoạch giao (trồng 10.024,1/9.450 ha, đạt 106,08%). Có được kết quả trên một phần là do công tác chuẩn bị giống cho sản xuất được thực hiện tốt. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Những năm qua, Lào Cai luôn chú trọng đến nguồn giống phục vụ trồng rừng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 nguồn giống cây lâm nghiệp, với tổng diện tích 243,17 ha, gồm các loại cây: Thông mã vĩ, sa mộc, vối thuốc, quế, bồ đề… Việc kiểm soát nguồn hạt giống, cây giống nhập ngoại vào địa bàn được quản lý chặt chẽ theo quy định.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc gieo ươm, chăm sóc, xuất bán cây giống; phối hợp với chủ nguồn giống rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng giống khi thu hái; thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất, kinh doanh cây giống. Đồng thời, tăng cường trao đổi nguồn giống với các tỉnh để đưa những giống cây mới có năng suất, chất lượng cao nhằm xây dựng nguồn giống mới tại địa phương…