Lào Cai: Lão nông thoát nghèo nhờ đổi mới tư duy

BVR&MT – Nhờ kiên định với hướng đi trong phát triển kinh tế đã lựa chọn, ông Hoàng Văn Nhân, 52 tuổi ở thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn) đã trở thành hộ khá với nghề nuôi ếch.

Nằm cách trung tâm xã Liêm Phú gần 2 km, thôn Đồng Qua có đa số đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Đất đai bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa là điều kiện lý tưởng để người dân nơi đây trồng trọt và phát triển thủy sản. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân và các hộ ở Đồng Qua đào ao nuôi cá, nhưng do không có sự đột phá trong sản xuất nên chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Từ năm 2017, xã Liêm Phú trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, mô hình homestay và dịch vụ khác dần xuất hiện tại đây. Nắm được xu thế đó, ông Nguyễn Văn Nhân bàn với các thành viên trong gia đình tìm hướng đầu tư, tạo ra sản phẩm riêng phục vụ nhu cầu thị trường. Tìm hiểu qua sách, báo, truyền hình và internet, ông lựa chọn đầu tư nuôi ếch vì cho rằng điều kiện gia đình phù hợp, trong khi đó, các món ăn chế biến từ ếch cũng là đặc sản nổi tiếng từ lâu của mảnh đất Liêm Phú.

Ông Nguyễn Văn Nhân bên mô hình nuôi ếch.

Nghĩ là làm, đầu năm 2018, ông vay vốn, thuê máy móc san gạt mặt bằng, xây bể và dẫn nước từ trên núi về. Khi đã hoàn thiện công trình, ông lên trại ếch ở xã Cốc San (thành phố Lào Cai) mua 1.000 con ếch giống về nuôi. Ông Nhân chia sẻ: Sau hơn 2 tháng nuôi bằng kinh nghiệm tự học hỏi được, 1.000 con ếch sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi mừng thầm vì cho rằng với đà phát triển này chỉ hơn 3 tháng là có thể thu hoạch lứa ếch đầu tiên. Tuy nhiên, sau một đêm mưa lớn, gần 1.000 con ếch trong bể không hiểu vì sao bị chết khiến cả gia đình hoang mang.

Không nản chí, ông và vợ động viên nhau dọn dẹp, khử trùng bể chuẩn bị cho lần nuôi thứ 2. Khác với lần trước, lần này ông mua ếch giống nhiều gấp đôi, đồng thời tìm đến những mô hình nuôi ếch khác trên địa bàn các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và một số nơi ở tỉnh Yên Bái học hỏi kinh nghiệm. Quyết tâm không để thất bại lần nữa, ông tách 2.000 con ếch giống ra nhiều bể nuôi khác nhau, mỗi bể nuôi có chế độ chăm sóc khác nhau và được ghi vào nhật ký theo dõi. Sau 3 tháng nuôi theo mô hình này, ông chọn ra bể nuôi ếch phát triển tốt và kháng được bệnh, ít bị chết để áp dụng nuôi đại trà cho lần tiếp theo. Với cách làm như vậy, năm 2019, ông bắt đầu có ếch bán ra thị trường. Ông còn mày mò, nghiên cứu và sản xuất thành công ếch giống ngay tại bể nuôi của gia đình mình.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, việc tự nhân được giống ếch là thành công lớn nhất của gia đình. Từ đây, ông có thể chủ động được con giống để mở rộng quy mô nuôi và cung ứng ra thị trường. “Những con ếch được sinh ra tại bể nuôi của gia đình có ưu điểm ít bệnh tật, thích nghi tốt với nguồn nước, khí hậu, ánh sáng mặt trời nên so với các giống ếch ở nơi khác thì cho năng suất và trọng lượng tốt hơn”.

Hiện nay, mô hình nuôi ếch của ông Nguyễn Văn Nhân là một trong những mô hình nuôi ếch lớn nhất của xã Liêm Phú nói riêng và huyện Văn Bàn nói chung. Trung bình mỗi năm, ông nuôi 40.000 con ếch thịt và vài nghìn con ếch giống bán ra thị trường, trừ chi phí, thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Với mô hình kinh tế thành công, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân trở thành điểm sáng trong thay đổi tư duy phát triển kinh tế, đưa giống mới vào sản xuất, đem lại nguồn thu ổn định.